Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Nếu còn tại vị, lương tôi cũng chỉ 15 triệu/tháng"
Ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1436/TTg-KTTH cho ý kiến về việc thực hiện các quy định về lao động và tiền lương trong các doanh nghiệp Nhà nước. Để bảo vệ nền kinh tế đất nước cũng như bảo vệ người công nhân, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - một trong những vị tướng tài ba đã từng giữ chức tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, tư lệnh quân khu 4 - góp công lớn vào chiến thắng miền Nam giải phóng đất nước.
Thưa Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, sau vụ "sếp" ở bốn DN công ích tại TP.HCM hưởng lương "khủng" bị phanh phui, Thủ tướng Chính phủ đã ký công văn yêu cầu rà soát lại toàn bộ việc chi trả lương ở các DN nhà nước từ năm 2011 trở lại đây. Ông đánh giá thế nào về quyết định này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Thủ tướng Chính phủ có công văn chỉ đạo tổng rà soát lại lương của các DN nhà nước là một tín hiệu mừng. Tôi tin là những "sếp" công ích nhận lương "khủng" trong TP.HCM mới chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong cả một hệ thống.
Hưởng lương tiền tỷ mỗi năm như thế là ăn chặn trên sức lao động của người khác, là vi phạm một cách nghiêm trọng về bản chất của doanh nghiệp nhà nước. Hiện tại, Đảng và Nhà nước đang cố gắng phấn đấu thu nhập bình quân mỗi tháng của một người dân là 30 triệu đồng. Ấy là đang phấn đấu, chứ thực tế thì còn thấp lắm, vậy mà mấy ông lãnh đạo này lĩnh những 200 triệu mỗi tháng.
Dấu hiệu tham nhũng ở đây là rất rõ ràng. Trong khi người lao động đang hằng ngày đối mặt với khó khăn thì các ông ấy điềm nhiên lĩnh những mức lương cao chót vót. Ở đây không ngoại trừ khả năng có lợi ích nhóm.
Mấy "sếp" ở các DN này bị thu hồi tiền, bị cách chức... đó là chuyện đương nhiên phải được xử lý. Nhưng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của các tổ chức khác trong vụ việc này thì chưa được đề cập, ông có thấy đó là chuyện bất thường?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Mấy ông lãnh đạo ở doanh nghiệp kia làm sai thì phải bị xử lý theo luật định. Tuy nhiên, để xảy ra việc này, trách nhiệm đầu tiên tôi cho là thuộc cơ quan quản lý nhà nước. Nếu doanh nghiệp trực thuộc Trung ương thì Trung ương phải chịu trách nhiệm; Của địa phương thì địa phương phải chịu hoạc của ngành nào thì ngành đó phải chịu.
Tôi cũng muốn nói thêm, trong một tổ chức nào cũng đều có công đoàn, đoàn thể, nhưng vai trò của những tổ chức này còn khá mờ nhạt, chưa bảo vệ được quyền lợi, lợi tức của người lao động. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài và xảy ra trên diện rộng thì không biết khi nào khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội mới được thu hẹp lại.
Trung tướng có bình luận cụ thể gì về vai trò của tổ chức công đoàn trong trường hợp này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Thì đấy, Đại hội Công đoàn vừa qua tuyên bố rất hùng hồn là bảo vệ quyền lợi của người công nhân. Nhưng để xảy ra sự việc như vậy thì cần đặt câu hỏi: Vai trò của công đoàn trong các cơ quan, DN nhà nước là gì? Tôi thấy, vai trò này dường như không có hoặc có thì rất mờ nhạt. Có khi công đoàn còn là "chân rết" cho giám đốc, để rồi nín miệng ăn chia trong những khoản lợi tức này. Một bộ phận không nhỏ ở những công ty, DN đấy là vai trò của công đoàn bị thâu tóm, chi phối bởi giám đốc và lãnh đạo.
Những điều ông vừa nói thật đáng phải suy nghĩ, và cũng thật đáng lo, vì nếu ở nhiều đơn vị khác mà cũng vậy thì người lao động còn biết dựa vào đâu?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đây đang là sự bất công đối với người lao động. Chính sự mờ nhạt của các tổ chức, của Công đoàn đã đẩy người công nhân vào sự bế tắc và buộc lòng phải đứng lên biểu tình, bãi thị. Ngoài ra, từ những sự việc trên cho thấy sự bất lực của các cơ quan bảo vệ người lao động, người công nhân là hoàn toàn không có.
Thưa Trung tướng, để ngăn chặn những vụ việc "lương khủng" khác có thể xảy ra trong tương lại, theo ông cần phải làm gì?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đây là một trong những vụ điển hình ăn chặn sức lao động của công nhân, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, có thể dẫn tới làm giảm sút lòng tin của người lao động với chính quyền các cấp.
Theo tôi, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần phải kiểm tra gắt gao, mở rộng phạm vi kiểm tra. Đây có lẽ đang là vấn đề tiêu cực khá phố biến ở nhiều nơi, cho nên cần sự vào cuộc ngay của cơ quan chức năng cấp trung ương. Chỗ nào có DN Nhà nước thì cần phải kiểm tra ngay để báo động cho tất cả. Ở địa phương nào, đơn vị nào có khả năng tiêu cực cao thì tập trung làm trước. Đây cũng giống như đánh giặc, phải chọn điểm mà đánh. Đánh một điểm mà có thể rung toàn mặt trận.
Thưa Trung tướng, nếu còn tại vị, mức lương của ông bây giờ là bao nhiêu? So với lương mà các sếp DN kia đã từng nhận thì thế nào?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nếu bây giờ tôi đang tại vị, lương cũng chỉ được chừng 15 triệu/tháng thôi, làm sao so được với lương 200 triệu của các "sếp" ấy.
Cảm ơn Trung tướng, chúc ông và gia đình luôn mạnh khỏe!
End of content
Không có tin nào tiếp theo