Trường, trại chờ người nghiện
Hàng chục cơ sở cai nghiện và quản lý người sau cai cực kỳ rộng lớn của TP HCM vẫn đang rất trống trải sau khi đề án thí điểm cai nghiện tập trung kết thúc
Hai đơn vị quản lý các hệ thống trường, trung tâm cai nghiện của TP HCM là Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) và Lực lượng Thanh niên xung phong (TPXP) đều cho biết đã sẵn sàng đáp ứng về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ nhân sự nếu phương án cai nghiện được Quốc hội thông qua.
Sẵn sàng tiếp nhận
Trong thời gian thực hiện đề án thí điểm “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” theo Nghị quyết 16 của Quốc hội (2003-2008), TP HCM đã đầu tư hàng loạt cơ sở vật chất phục vụ việc cai nghiện tập trung, trải dài trên nhiều tỉnh từ Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ. Trong đó, Lực lượng TNXP quản lý 4 trường, Sở LĐ-TB-XH có 9 trung tâm.
Trước khả năng TP HCM sẽ lại thực hiện quản lý, cai nghiện tập trung như trước, ông Nguyễn Văn Bình, Chánh Văn phòng Lực lượng TNXP TP HCM, cho biết đơn vị này sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng phương án này. Theo ông Bình, hiện TNXP đang có 4 trường và 1 trung tâm; mỗi cơ sở như vậy có thể quản lý 2.000 người nghiện. Để làm việc này, một số cơ sở vật chất cần được chỉnh trang, gia cố lại vì đã cũ.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, khẳng định cơ quan này sẵn sàng đáp ứng về cả cơ sở vật chất lẫn đội ngũ nhân sự nếu được giao tiếp nhận quản lý, chữa trị và tạo việc làm cho người nghiện, người sau cai.
Nhiều năm lãng phí
Mỗi trường, trung tâm cai nghiện của TP HCM rộng từ vài chục đến hàng trăm hecta. Sau khi đề án kết thúc, hàng loạt cơ sở rộng lớn dần trở nên hoang vắng và phải chuyển đổi một phần sang sản xuất nông nghiệp.
Lớn nhất phải kể đến là hệ thống Trung tâm Giáo dục lao động xã hội do Sở LĐ-TB-XH
TP HCM quản lý, với tổng cộng gần 800 ha đất cùng 188 ha công trình xây dựng cơ bản phục vụ công tác cai nghiện. Riêng Trung tâm Phú Văn có tổng diện tích lên đến 365 ha, trong đó các công trình xây dựng chiếm 61 ha. Với chức năng quản lý các đối tượng tái nghiện, lượng học viên tại đây thường xuyên đạt trên dưới 2.500 người vào những năm 2003-2005. Khi đề án kết thúc, việc thiếu vắng học viên khiến hàng chục khu nhà bị để trống, các xưởng chế biến hạt điều và xưởng may phải xóa bỏ. Sau đó, trung tâm này đã chuyển đổi cơ cấu bằng cách liên kết với Công ty Ba Huân mở trại gà 44.000 con và tập trung khai thác 165 ha cây công nghiệp gồm cao su, cà phê, tiêu và điều có sẵn.
Cách đó không xa, Trung tâm Đức Hạnh cũng rộng đến 174 ha, diện tích xây dựng cơ bản là 47 ha. Lúc cao điểm, nơi này thường xuyên có 2.500 học viên nhưng hậu đề án cai nghiện thì công năng của trung tâm cũng chuyển dịch sang trồng trọt và chăn nuôi. Đến nay, nguồn thu chủ yếu của Trung tâm Đức Hạnh là từ 20 ha cao su và 80 ha điều.
Ở Trung tâm Phú Đức, 79 ha gồm đất sản xuất và nhà công năng cũng một thời gian dài phải bỏ trống. Trong đó, khu nhà 500 chỗ ở của người cai nghiện bị xuống cấp do bỏ hoang lâu ngày.
Lực lượng TNXP từng quản lý tới hơn 10.000 học viên cai nghiện và sau cai. Số phận các cơ sở của TNXP cũng tương tự khi TP HCM không được phép kéo dài thí điểm. Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 2 đóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích đất trên 165 ha, đã xây dựng 22 khu nhà các loại trên diện tích sàn 24.316 m2. Chưa kể nhiều trường, trung tâm khác đóng trên các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương... cũng rộng lớn không kém và hầu hết đều đã được xây dựng hàng loạt nhà công năng phục vụ công tác quản lý người nghiện ma túy. Do một thời gian dài thiếu vắng học viên, TNXP phải đầu tư vào nuôi trồng. Tuy vậy, việc chuyển đổi cũng chỉ có thể thực hiện ở các diện tích đất trống, còn các khu nhà thì vẫn bị lãng phí.
TP HCM đã bỏ hơn 1.200 tỉ đồng cho đề án thí điểm cai nghiện tập trung, trong đó một phần lớn đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất. Ở giai đoạn cao điểm, hệ thống này đã tiếp nhận đến 30.000 người nghiện đến cắt cơn, giải độc, giáo dục và giải quyết việc làm.
Đà Nẵng gỡ khó
Chiều 5-11, TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện quy chế cai nghiện ma túy.Ông Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Đà Nẵng, cho biết từ đầu năm đến nay, địa phương này mới chỉ có 3 trường hợp được đưa vào trung tâm cai nghiện. Theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, công tác lập hồ sơ với người nghiện phải bao gồm nhiều cơ quan, ban, ngành phối hợp trong thời gian dài. Vì thế, khi hồ sơ được lập xong thì nhiều người nghiện đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.Bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng, hiến kế: “Để tránh việc người nghiện bỏ trốn trong thời gian lập hồ sơ thì sau khi test ma túy, cần lập hồ sơ tại chỗ, có cơ quan tòa án ở đó để thụ lý và đưa ra quyết định ngay”.Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định TP sẵn sàng bỏ ra mọi chi phí và xây dựng trung tâm cai nghiện để đáp ứng nhu cầu cai nghiện, giúp người nghiện làm lại cuộc đời.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo