TS Lê Đăng Doanh: Doanh nhân là nhân vật trung tâm của xã hội
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ với Báo điện tử Doanh nghiệp Việt Nam nhân kỉ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, 13/10.
PV - Cuối tháng 8/2004, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI đã đề xuất ra đời Ngày Doanh nhân Việt Nam lên Văn phòng Chính phủ và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Là chuyên gia kinh tế khi đó, ông có biết vì sao đề xuất đó được thông qua khá nhanh?
TS Lê Đăng Doanh - Trong những năm ấy vai trò của doanh nhân ngày càng tăng, những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong việc tạo việc làm và tạo ra luồng đầu tư cũng như sản xuất kinh doanh rất đa dạng, cho nên được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đồng thuận ngay lập tức, được hưởng ứng mạnh mẽ. Đấy cũng là một trong những quyết định để tôn vinh và thừa nhận vai trò của doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế dân doanh.
PV - 10 năm kể từ khi ra đời Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về vị thế của cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước?
TS Lê Đăng Doanh - Vị thế của cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã được tăng lên, đã được khẳng định ở trong các nghị quyết của Đảng, đã thừa nhận kinh tế tư nhân là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển. Vai trò của doanh nhân Việt Nam cũng được thừa nhận trong thành phần của Mặt trận Tổ quốc và rất nhiều hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp được thành lập.
Tuy vậy, tôi thấy vai trò của doanh nhân Việt Nam cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa và được tôn trọng hơn nữa trong xã hội. Đặc biệt đối với những đóng góp của họ trong việc tạo công ăn việc làm, từ thiện, làm những công việc xã hội. Tôi nghĩ đấy là những điều cần phải được phát huy và tôn vinh một cách xứng đáng.
Mặt khác, trong đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay cũng có không ít những người chưa hoàn thành tốt các nhiệm vụ đối với nhà nước như nhiệm vụ về thuế, vẫn còn có không ít doanh nghiệp không bảo vệ môi trường, không xử lý nước thải, cũng như một số doanh nhân – doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội, không đối xử tốt với người lao động.
Tôi nghĩ, trong thời gian sắp tới những điều đấy cần phải được điều chỉnh để được xã hội thừa nhận một cách xứng đáng hơn.
PV – Từ những tiếp xúc của ông với giới doanh nhân – doanh nghiệp Việt Nam những năm qua, ông thấy đâu là những ưu, nhược điểm lớn nhất của họ trong giai đoạn hiện nay?
TS Lê Đăng Doanh - Ưu điểm lớn nhất của các doanh nhân Việt Nam là tinh thần năng động, sự nhạy bén trong đánh giá tình hình, nhận biết nhu cầu của xã hội. Cái thứ hai là rất chịu khó, rất sáng tạo trong khi làm kinh doanh, kiên trì trong việc theo đuổi mục tiêu của mình.
Nhược điểm của doanh nhân Việt Nam lúc này là rất ít người đầu tư vào khoa học công nghệ và ít tính chuyên nghiệp.
Thế hệ doanh nhân thứ ba, tức là thế hệ mới đây được đào tạo và suy nghĩ có bài bản thì những người đấy tốt hơn. Còn thế hệ đầu tiên chủ yếu kinh doanh dựa vào mối quan hệ. Đây là những người không có vốn khoa học công nghệ và không có được khả năng đổi mới và thực hiện quản trị hiện đại, cho nên vai trò của họ dần dần bị hạn chế.
Hiện nay chúng ta có 463.000 doanh nghiệp đang còn hoạt động mà chỉ có 220 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đó là những doanh nghiệp đã có một sản phẩm sáng tạo mới hoặc có bằng sáng chế nào đấy. Như vậy tỷ lệ doanh nghiệp khoa học công nghệ. chỉ bằng 0,06%. Và điều đấy là rất đáng lo ngại.
Tôi cho rằng sắp tới đây chúng ta hội nhập sâu rộng hơn, tầng lớp doanh nhân phải chứng tỏ có bản lĩnh, phải nâng cao năng lực cạnh tranh và phải biết vận dụng khoa học công nghệ.
PV – Nếu phải so sánh thế hệ doanh nhân hiện nay với thế hệ doanh nhân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, ông thấy họ có những điểm gì chung và những điểm gì khác biệt?
TS Lê Đăng Doanh – Hai thế hệ này rất khác nhau. Doanh nhân trước Cách mạng tháng Tám tương đối ít, đấy là những người thực sự đi tiên phong. Còn doanh nhân bây giờ đông đảo và là một thế hệ mới, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, nhiều người đã làm cho các công ty nước ngoài. Họ có kinh nghiệm và có trình độ quản trị hiện đại. Đấy là điểm mới và tôi nghĩ rằng đó là niềm hy vọng cho sự phát triển của đất nước trong thời gian sắp tới đây.
PV – Doanh nhân hiện nay không chỉ làm kinh tế, mà không ít người còn tham gia vào các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, ông thấy những đại biểu Quốc hội – doanh nhân đã đóng góp như thế nào cho quá trình hình thành chính sách hoạt động sản xuất kinh doanh ?
TS Lê Đăng Doanh - Những doanh nhân là đại biểu Quốc hội chỉ có một số rất ít lên tiếng ở hội trường, còn trong khi họp tổ họ nói gì cho đến nay báo chí chưa công bố, chưa biết được. Tôi nghĩ những doanh nhân là đại biểu Quốc hội có lẽ cần phải có đóng góp một cách hiệu quả hơn nữa và mạnh dạn hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của tầng lớp doanh nhân.
PV – Sang năm 2015, khối Asean sẽ thành một cộng đồng, sự cạnh tranh sẽ cao hơn. Doanh nhân – doanh nghiệp phải chuẩn bị những để đủ sức canh tranh với các đối thủ lớn?
TS Lê Đăng Doanh - Trong quá trình mở cửa này thì doanh nhân Việt Nam có một số lợi thế năng động và chịu khó nhưng cũng có những nhược điểm như tôi đã nói, về năng lực khoa học công nghệ, hiểu biết về hội nhập quốc tế, kinh nghiệm quốc tế của họ còn hạn chế. Những mặt đó họ cần phải học tập và sớm đầu tư vào khoa học công nghệ, sớm đầu tư vào nguồn nhân lực, đầu tư vào hiện đại hóa quản trị nếu không có thì họ sẽ gặp khó khăn.
PV – Nhân 10 năm ngày thành lập doanh nhân Việt Nam, ông có tâm tư gì muốn chia sẻ với các doanh nhân?
TS Lê Đăng Doanh - Tôi muốn chúc giới doanh nhân Việt Nam nghị lực, sự dũng cảm, sự sáng tạo để tiếp tục kinh doanh một cách thành công.
Bởi trong thế kỷ 21 này, doanh nghiệp là thể chế quan trọng nhất trong xã hội, doanh nhân là nhân vật trung tâm của xã hội bởi họ là người hiểu biết luật pháp, biết vận động và huy động được nguồn vốn, tạo công ăn việc làm, sản xuất ra của cải và dịch vụ cho xã hội, đóng góp tiền thuế để nuôi nhà nước. Cho nên, một đất nước mạnh là đất nước cần có rất nhiều doanh nghiệp và những doanh nghiệp giỏi, có thương hiệu để đại diện cho dân tộc đấy trên trường quốc tế. Ví dụ như người ta nói đến Hàn Quốc là người ta nói đến Samsung, Huyndai. Việt Nam cũng cần phải có các thương hiệu như vậy trên trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất