TS Lê Hồng Sơn: Văn bản sai nhiều nhưng chưa xử ai
Văn bản sai nhiều nhưng chưa xử ai
Thời gian qua, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành nhưng đã vấp phải sự phản ứng của dư luận như: Nghị định quy định xe chính chủ, Thông tư quy định bán thịt trong vòng 8 tiếng, Nghị định quy định tổ chức tang ma cho CBCC-VC... Những VBQPPL được ban hành đã thừa nhận sai; tạm ngừng vẫn chậm sửa; không hợp lý nhưng im lặng... coi như sự đã rồi. Theo Luật ban hành văn bản pháp luật phải xử lý như thế nào?
TS Lê Hồng Sơn: Có nhiều nguyên nhân mà tôi cũng đã nêu, khách quan có, chủ quan có: văn bản của Bộ Văn hóa, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT cấm “học sinh sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật”; quy định “ngực lép, chân ngắn”; muốn nhận được bảo hiểm y tế phải chứng minh không vi phạm pháp luật; Thịt 8 tiếng; Chó mèo chính chủ v.v..
Gần đây có nghị định về Chứng minh nhân dân, quy định tang lễ, xe chính chủ, thông tư sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013…
Văn bản, quy định đã có, tuy chưa thật “đặc định”. Vấn đề là chưa làm đến nơi đến chốn mà thôi. Ví dụ, một công chức nhiệm vụ cơ bản là tham mưu ban hành thế chế nếu tham mưu sai, không đạt chuẩn thậm chí gây hậu quả thì có trách nhiệm kỷ luật. Trách nhiệm kỷ luật của công chức mức thấp là khiển trách cảnh cáo, cao là buộc thôi việc.
Cũng còn một hình thức xử lý nữa là cắt thi đua của người đó nếu tham mưu thể chế để sai sót. Theo tôi biết, cắt thi đua người ta đã làm nhiều ở nơi này, nơi khác còn cách chức buộc thôi việc nếu luận riêng về lỗi ban hành, tham mưu thể chế sai thì được một số rất ít trường hợp. Người ta chưa đẩy vấn đề đến mức cách chức, buộc thôi việc tham mưu, ban hành thể chế sai. Đây là một thiếu sót.
Cũng có thể quy trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự tội cố ý làm trái tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, các tội tham nhũng…Trong thực tế, rất nhiều trường hợp mà tham mưu và ban hành thể chế sai gây hậu quả các mức khác nhau trong xã hội. Nhưng thực tế chưa xử ai cả. Mà có xử thì cũng chỉ luận tội cùng với một loạt các tội khác và phần này thường bị yếu, bị chìm đi.
Cũng có trường hợp cố ý ban hành, tham mưu thể chế sai với những mục đích khác nhau mà theo như người ta nói là “lợi ích nghành”, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ địa phương”. Nhưng thực tế tôi cũng chưa thấy phiên tòa nào xử riêng đối với tội phạm này. Loại sai phạm này.
Trong thực tế cũng không loại trừ một số trường hợp, người soạn thảo, ban hành văn bản do bị “lốp by đen” – vận động, tranh thủ tiêu cực. Họ nhận được những lợi ích này, khác mà đã ban hành văn bản, thể chế sai để phục vụ cho lợi ích cho một số người, một nhóm người. Đáng tiếc chúng ta cũng chưa tập trung phát hiện loại tội này. Theo tôi đây là loại tội hết sức nguy hiểm. Tác động, chi phối để làm lợi ngay từ khâu thể chế chính sách.
Văn bản “chết yểu” có yếu tố lợi ích nhóm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo quyết liệt việc ban hành và thẩm tra kịp thời, xử lý những văn bản, thông tư không đúng quy định, xa rời thực tế. Theo ông, làm thế nào để chỉ đạo của thủ tướng được thực hiện một cách nghiêm túc, chứ không có tình trạng bát nháo, sai đâu sửa đấy như hiện nay?
TS Lê Hồng Sơn: Ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất là soạn thảo và ban hành văn bản. Đây là khâu sáng tạo-sản xuất, thể chế quy phạm. Hiện nay, khâu này còn nhiều vấn đề.
Thứ hai, khi ban hành rồi vấn đề hậu kiểm, tiếp nhận dư luận để điều chỉnh chính sách kịp thời là vấn đề đang được quan tâm.
Cả hai khâu này, nếu làm tốt, làm quyết liệt, hiệu quả thì chỉ đạo và mong muốn của Thủ tướng đã giải quyết được cơ bản.
Tuy nhiên, công tác tiếp nhận thông tin của dư luận với một văn bản được dư luận quan tâm, phản ứng, còn rất chậm, ì ạch như sên. Sai trái quá rõ. Bất hợp lý quá rõ nhưng phải nhiều tháng sau mới đề xuất được phương án. Dư luận bức xúc. Thủ tướng băn khoăn là có lý. Ở đây trách nhiệm không ai khác là người đứng đầu các Bộ, ngành địa phương. Không thể trì trệ, lơ mơ.
Quy định phạt xe chính chủ gây nhiều tranh cãi.
Tôi cho rằng, giải pháp cơ bản ở đây là quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc điều hành chỉ đạo, vận hành toàn bộ hệ thống trong phạm vi thẩm quyền để xử lý cho được băn khoăn, day dứt của Thủ tướng. Tình trạng này không thể để tồn tại lâu hơn nữa.
Vậy, theo ông, "vấn đề" của khâu soạn thảo nằm ở đâu?
TS Lê Hồng Sơn: Khâu này, cũng còn nhiều điểm nghẽn. Thứ nhất, các quan hệ xã hội phát triển rất nhanh ngày càng đa dạng phức tạp nên phát hiện, nắm được thần của vấn đề, xác định được nhu cầu ban hành thể chế để ban hành, điều chỉnh hoàn toàn không dễ.
Thứ hai, lực lượng tham gia soạn thảo có nhiều hạn chế về trình độ nhận thức kể cả nhận thức về xác định nhu cầu quản lý, nhu cầu ban hành thể chế lẫn nhận thức về việc soạn thảo, lập một dự thảo thế nào cho đúng chuẩn. Đấy là chưa kể vừa qua bộc lộ một số trường hợp bị lợi ích cục bộ, ngành, địa phương, lợi ích nhóm chi phối muốn lái thể chế theo mục đích chủ quan.
Cũng có trường hợp học chưa hết sách “nhận thức lơ mơ”nên quá trình xây dựng một dự thảo cứ phải loay hoay mất nhiều thời gian, công sức. Nhiều dự thảo vừa đưa ra thẩm định đã bị đổ ngay do chưa đạt chuẩn cả nội dung thể chế lẫn câu chữ, ngôn ngữ, kỹ thuật lập pháp.
Thứ ba, nhận thức và sự quan tâm điều hành chỉ đạo của lãnh đạo cũng hời hợt, qua loa đại khái chỉ lo tập trung chỉ đạo vụ việc còn làm thể chế thì khoán cho cấp dưới.
Thế còn khâu hậu kiểm, thưa ông?
TS Lê Hồng Sơn: Khâu hậu kiểm cũng còn nhiều vấn đề. Thứ nhất, thiếu một cơ chế mang tính độc lập cao, có quyền năng thực sự để xem xét phán quyết một VBQPPL có hợp pháp, hợp hiến hay không, có tuyên hủy nó hay không. Hiện chúng ta, đang nghiên cứu xác lập Hội đồng hiến pháp mà nhiệm vụ của nó là xem xét và phán quyết tính hợp hiến của một văn bản QPPL.
Cũng có thể, xác lập cơ chế tài phán đối với một VBQPPL không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp. Có thể nghiên cứu giao việc này cho tòa án nhân dân để đảm bảo tính khách quan, độc lập và hiệu lực của cơ quan tư pháp đối với một văn bản QPPL.
Còn cơ chế kiểm tra-hậu kiểm hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì nhưng cơ chế này, vẫn còn yếu ở chỗ nó không có quyền năng độc lập để phán quyết mà vẫn chỉ là tham mưu giúp người đứng đầu cơ quan hành chính. Ở khâu hậu kiểm thì cũng còn một loạt vấn đề về tổ chức nhân sự, về trình độ bản lĩnh, nghiệp vụ kể cả về chế độ chính sách cũng có điểm chưa ổn.
Trách nhiệm thuộc Bộ Tư pháp
Về vấn đề ra luật, ngày càng có nhiều văn bản pháp luật đưa ra bị dư luận đánh giá là bất hợp lý, thậm chí ngớ ngẩn. Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật có phải chịu trách nhiệm gì về thực tế này không? Hay hiện tại, việc ra bản văn quy phạm pháp luật vẫn kiểu mạnh ai nấy làm, Bộ nào ra văn bản quy phạm pháp luật dựa theo lợi ích của chính bộ đó?
TS Lê Hồng Sơn: Xin nói ngay, Cục KTVB được giao trách nhiệm hậu kiểm. Nghĩa là, văn bản đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành rồi thì Cục mới vào cuộc để kiểm tra. Việc, chuẩn bị, soạn thảo, lấy ý kiến, thảo luận như thế nào Cục kiểm tra văn bản không được biết.
Vừa qua, cũng có một số ý kiến băn khoăn về trách nhiệm của Cục đối với một số văn bản dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định nhưng sau đó nhiều văn bản đã phải sửa đổi hoặc hủy bỏ. Xin nói luôn, cũng có một số vấn đề thấy vướng quá, thấy có những hạt sạn lớn thì tôi cũng buộc phải nêu vấn đề. Đồng thời cũng có báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp. Xem lại ý kiến thẩm định và việc tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp như thế nào. Cục KTVB không được giao nhiệm vụ thẩm định.
Bộ Tư pháp với chức năng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kiến nghị xử lý, xử lý theo thẩm quyền hoặc xử lý theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với các văn bản trái pháp luật.
Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Để những văn bản ban hành sai, sửa đổi, hủy bỏ như thời gian qua, Bộ Tư pháp có phải chịu trách nhiệm, thưa ông?
TS Lê Hồng Sơn: Trước hết đó là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Tư pháp. Bộ trưởng và các Thứ trưởng. Các đơn vị thuộc Bộ thì có Vụ pháp luật hình sự-hành chính; Vụ pháp luật dân sự-kinh tế; Vụ pháp luật quốc tế là 3 đơn vị chủ công được giao nhiệm vụ thẩm định những văn bản thuộc lĩnh vực tương ứng.
Nhiệm vụ thẩm định của Bộ Tư pháp là đối với các dự án, dự thảo, VB QPPL của Thủ tướng trở lên, đó là quyết định chỉ thị của Thủ tướng; Nghị định của Chính phủ; Luật, pháp lệnh của quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội….Còn nhiệm vụ kiểm tra của Cục kiểm tra văn bản là thực hiện việc hậu kiểm- kiểm tra sau đối với Thông tư của các Bộ; Nghị quyết quyết định của chỉ thị của HĐND, UBND cấp tỉnh.
Ban hành sai chỉ cần thu hồi, hủy bỏ rồi làm lại mà không ai phải chịu trách nhiệm, dân lãnh hậu quả, theo quy định có phải bồi thường thiệt hại cho dân không? Cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường, thưa ông?
TS Lê Hồng Sơn: Việc bồi thường thiệt hại cũng là một vấn đề. Đáng tiếc là Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước vừa rồi đã không xác lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi ban hành văn bản QPPL sai trái. Tôi cho rằng, vấn đề này cũng cần phải nghiên cứu để bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền, xác định trách nhiệm đầy đủ của cơ quan nhà nước, cá nhân công chức khi ban hành, thể chế pháp luật sai trái cho xã hội, cho công dân.
Theo tôi đây cũng là một trong những lý do để tình trạng ban hành văn bản, thể chế sai chậm khắc phục ít nhiều gây hậu quả cho xã hội.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo