TS Nguyễn Đình Cung:EVN 'không làm gì' lỗi tại Bộ chủ quản
Chủ sở hữu đầu tư mà lại không đòi hỏi lợi nhuận, khi đặt lợi nhuận lại không đòi hỏi tỉ suất lợi nhuận phải cao hơn tỉ suất đầu tư là bao nhiêu mà chỉ đặt ra mục tiêu bảo toàn vốn thì tại sao doanh nghiệp phải có lãi?".
TS Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng, Viện nghiên cứu kinh tế cho biết.
PV:- Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây đã thẳng thắn chỉ rõ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không làm được gì. Theo Phó Thủ tướng, với mức lãi do sản xuất kinh doanh điện hơn 4.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận của EVN mới chỉ đạt 2,5%. Năm 2014, EVN đặt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 1%, trong khi chuẩn mực của thế giới là 7-12%. Ông bình luận như thế nào về phát biểu thẳng thắn của Phó Thủ tướng?
TS Nguyễn Đình Cung: - Một doanh nghiệp ở từng giai đoạn khác nhau và do yêu cầu của từng chủ sở hữu khác nhau sẽ có nhiều mục tiêu kinh doanh khác nhau. Hơn nữa, mục tiêu phải đạt được trên cơ sở nào chứ không phải mục tiêu phải đạt được bằng mọi giá.
Tuy nhiên, đối với EVN, chủ sở hữu (cụ thể là các Bộ chủ quản) đặt ra mục tiêu gì thì không thể hiện rõ ràng. Cùng với đó là cái giá yêu cầu phải trả cho mục tiêu đó cũng không thể đo lường được.
Đối với một doanh nghiệp nếu muốn được bền vững về tài chính thì khi bỏ tiền ra là phải hoàn lại được vốn. Không hoàn lại được vốn nghĩa là không có nguồn tiền để tái sản xuất. Tức là tỉ suất lợi nhuận thu được phải trên vốn đi vay, lợi tức tối thiểu phải bằng chi phí vốn đầu tư, lúc đó doanh nghiệp mới có lãi.
Nếu để thua lỗ triền miên thì đến một lúc nào đó doanh nghiệp sẽ sụp đổ, khi đó chắc chắn mục tiêu không thể đạt được. Đó là kịch bản mà ai cũng nhìn thấy và chỉ đạo của Phó Thủ tướng về việc EVN đặt mục tiêu 1% đồng nghĩa với không làm được gì là hoàn toàn chính xác.
Đối với EVN lãi suất thì phải tính hết chi phí vốn đầu tư không phải năm nay mà phải nhiều năm trước. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu phải bằng vốn đầu tư, vốn vay. Chỉ khi nào tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư, vốn vay khi đó mới được coi là lãi.
PV: - Theo ông, phát biểu thẳng thắn này thể hiện tín hiệu gì trong việc điều hành của Chính phủ, với các tập đoàn nhà nước?
TS Nguyễn Đình Cung: - Điều này cho thấy các doanh nghiệp nhà nước phải thay đổi. Như vậy, ít nhất cũng đã cho thấy một tín hiệu sẽ có kỳ vọng cao hơn, áp lực khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn của chủ sở hữu cũng như của quốc gia đối với EVN.
Rõ ràng 1% đã khiến Phó thủ tướng không hài lòng, trong khi đó thị trường đòi hỏi phải là 7-12% thì mới có lợi nhuận. Nhất là với EVN vay nhiều như vậy thì 7% cũng chưa phải là có lãi.
Như vậy, bắt buộc EVN phải thay đổi phương án kinh doanh, đầu tư kinh doanh, chi phí kinh doanh, phương án quản lý…. Lúc đó mới có thể tăng thêm lợi nhuận.
PV: - Cùng với EVN, Petrolimex, Tập đoàn Công nghệ Xây dựng Việt Nam cũng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn ở mức thấp. Nhìn vào mức lãi của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vừa được báo cáo, dư luân cho rằng, không chỉ những tập đoàn nói trên là “không làm gì”, theo cách nói của Phó Thủ tướng. Theo ông, tình trạng này ở các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã tới mức độ nguy hiểm nào?
TS Nguyễn Đình Cung: - Tôi không tin Petrolimex chỉ đạt tỉ suất lợi nhuận có 1,1%, vì trên thị trường chứng khoán nếu các nhà đầu tư không được chia tỉ suất lợi nhuận hoặc chia thấp như vậy thì không thể có giá cổ phiếu của Petrolimex sẽ lên.
Trong khi đó, rõ ràng tỉ suất lợi nhuận phải cao, lúc đó giá cổ phiếu mới lên được. Câu hỏi đặt ra là Petrolimex chia cổ tức bao nhiêu?
PV: -Vậy, theo ông nguyên nhân vì sao mà các con số thống kê đã chỉ rõ tình trạng này nhưng tình trạng này có vẻ như vẫn không hề được cải thiện?
TS Nguyễn Đình Cung: - Việc họ báo cáo như vậy thực ra cũng đúng thôi. Vì nguyên tắc bảo toàn vốn hiện nay của chúng ta là đầu năm một đồng, cuối năm cũng phải giữ được một đồng. Rõ ràng ở đây có vấn đề từ chủ sở hữu đã không có một đòi hỏi, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể với những doanh nghiệp này.
Chủ sở hữu đầu tư mà lại không đòi hỏi lợi nhuận, khi đặt lợi nhuận lại không có đòi hỏi tỉ suất lợi nhuận phải cao hơn tỉ suất đầu tư là bao nhiêu mà chỉ đặt ra mục tiêu bảo toàn vốn thì rõ ràng họ vẫn sẽ làm như vậy.
Nếu đầu năm có 100 đồng, cuối năm vẫn giữ được 100 đồng, thêm một đồng là có lãi thì tại sao các doanh nghiệp đó phải kinh doanh có lãi.
Từ đó sẽ kéo theo một hệ lụy, các doanh nghiệp không có sáng tạo, sáng kiến để thúc đẩy phát triển. Lãnh đạo lo làm việc khác hơn là đi tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm những cơ hội kinh doanh tốt vì không ai bị sao, không ai phải chịu trách nhiệm.
PV: - Một điểm đáng chú ý khác là, lãi của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đều có được từ tăng giá (lỗ là do đầu tư ngoài ngành), tức là lấy tiền từ túi người dân để có lãi. Như vậy, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước này phải được nhìn nhận thế nào mới chính xác?
TS Nguyễn Đình Cung: - Nếu lãi nhờ tăng giá thì không được coi là nỗ lực của doanh nghiệp, trong khi mình vẫn đang coi đó là sự nỗ lực của doanh nghiệp thì tội gì các doanh nghiệp không làm?. Vì tăng giá là cơ hội tìm kiếm lợi nhuận dễ nhất.
Đáng lẽ, tăng lợi nhuận phải là do tăng năng suất, tăng hiệu quả, chứ không phải nhờ tăng giá. Đối với các nước trên thế giới, họ không bao giờ chấp nhận những doanh nghiệp công ích có giá năm sau cao hơn năm trước. Tôi lấy ví dụ, năm nay có giá như vậy, sang năm năng suất phải tăng 3%, nếu hơn là có lãi, nếu kém là lỗ.
Như vậy, khi yêu cầu tăng lợi nhuận là phải tăng năng suất, tăng hiệu quả. Chứ không phải nhờ độc quyền, tăng giá đó không phải công lao của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ở Việt Nam không có áp lực buộc doanh nghiệp phải tăng năng suất.
Tôi nói như vậy nghĩa là về quản lý doanh nghiệp chúng ta phải thay đổi nhiều, vì cơ chế quản lý hiện nay không còn hiệu quả nữa, không phù hợp nữa. Thay đổi đầu tiên là các chủ sở hữu, chính là các Bộ chủ quản phải xác định được mình muốn gì ở các doanh nghiệp.
Sau đó đến sự thay đổi của các doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn phát triển được, muốn có lãi suất thì phải nâng cao năng suất, nâng cao hiệu quả. Lấy các chỉ tiêu về chất để đo lường hiệu quả kinh doanh chứ không thể lấy giá, thậm chí cũng không thể lấy lợi nhuận để đo lường trong bối cảnh các doanh nghiệp còn độc quyền như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo