TS Nguyễn Sĩ Dũng: 'Quan chức hành chính không nên kiêm đại biểu Quốc hội'
- Thưa ông, nếu điểm lại đặc điểm nổi bật nhất của Quốc hội Việt Nam trong chặng đường 70 năm qua, ông sẽ nhấn mạnh những điều gì?
- Theo tôi, đặc điểm nổi bật nhất của Quốc hội Việt Nam trước tiên là ra đời trong cuộc đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc. Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945 thì đầu năm 1946 (6/1/1946) Quốc hội khóa 1 được bầu. Sau đó, Quốc hội hoạt động trong điều kiện kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ cho đến năm 1975. Điều kiện chiến tranh chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến cách thức tổ chức và điều hành công việc của Quốc hội.
Thứ hai là Quốc hội chịu sự ảnh hưởng chủ yếu của mô hình cơ quan dân cử Xô Viết, nhưng đang ngày càng đổi mới để trở thành một cơ quan lập pháp thực sự có quyền năng. (Nói chịu ảnh hưởng chủ yếu của mô hình Xô Viết là vì Quốc hội khóa 1 trong thời kỳ đầu từng vận hành như một nghị viện phương Tây). Quá trình đổi mới của Quốc hội vẫn đang diễn ra, nhiều phương thức hoạt động đã vượt ra khỏi hệ chuẩn Xô Viết.
Đặc điểm nổi bật thứ ba là đại biểu không phải là nghị sĩ chuyên nghiệp. Điều này đang được khắc phục bởi tỷ lệ đại biểu chuyên trách ngày một cao, cơ hội để họ trở thành chuyên nghiệp cũng nhiều hơn. Chuyên trách chưa phải là chuyên nghiệp. Nhưng muốn chuyên nghiệp không thể không chuyên trách.
- Gắn bó với hoạt động của Quốc hội qua nhiều nhiệm kỳ, ấn tượng sâu sắc nhất của ông là gì?
- Ấn tượng thì rất nhiều, nhưng ấn tượng đầu tiên là khi cuối năm 1987 tôi về làm việc ở Quốc hội thì Quốc hội rất nghèo. “Cơm rau chấm với nước rau/ Ai về Quốc hội với nhau thì về” là câu thơ nói về đời sống của những người làm việc ở Quốc hội lúc ấy.
Ấn tượng thứ hai là phiên tranh luận quyết liệt về việc xóa bỏ độc quyền kinh doanh lương thực của Nhà nước. Tôi đã rưng rưng nước mắt khi Quốc hội thông qua quyết định nói trên. 2-3 năm sau, nước ta từ một nước thiếu ăn, dân chết đói đã trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba trên thế giới.
Ấn tượng thứ ba là lần đầu tiên truyền hình trực tiếp hoạt động chất vấn của Quốc hội.
- Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao. Trong các chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát, chức năng nào theo ông Quốc hội còn phải nỗ lực nhiều?
- Chức năng nào cũng cần nỗ lực nhiều hơn vì đây là những chức năng rất khó. Thực ra, các nghị viện trên thế giới coi chức năng quyết định các vấn đề quan trọng nằm trong lập pháp. Vì cho dù là lập pháp hay quyết định các vấn đề quan trọng thì việc Quốc hội làm là thẩm định các dự án của Chính phủ trình ra và thông qua hoặc không thông qua. Quyền lập pháp được hiểu là Quốc hội có thông qua thì mới thành luật, thành chính sách có hiệu lực thi hành.
Như vậy điều quan trọng là phải nâng cao năng lực thẩm định của Quốc hội. Năng lực này được thể hiện ở kiến thức, kỹ năng và quy trình thẩm định khoa học, khách quan. Ba chức năng của Quốc hội theo chuẩn quốc tế là: lập pháp, giám sát và đại diện. Chức năng đại diện thường được coi trọng nhất, vì nó là nền tảng để vận hành chức năng lập pháp, cũng như giám sát. Rõ ràng, câu hỏi lập pháp cho ai, giám sát vì ai sẽ do chức năng đại diện trả lời.
- Một trong những đòi hỏi lớn của cử tri đối với Quốc hội là tính độc lập, nhưng số đông đại biểu Quốc hội vẫn hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm. Điều này khiến nhiều hoạt động của Quốc hội được đánh giá là không có sự độc lập thực chất. Ông lý giải điều này như thế nào?
- Tôi đã lý giải điều này ở đặc điểm thứ hai của Quốc hội ta. Chúng ta chịu ảnh hưởng của mô hình Xô Viết. Trong mô hình này, các đại biểu không hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, cũng như đã nói ở trên, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đang ngày một nhiều hơn. Mục tiêu đặt ra là nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 sẽ có 35% đại biểu chuyên trách. Các đại biểu chuyên trách chắc chắn sẽ độc lập hơn.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng trong mô hình thể chế mà Chính phủ hình thành từ Quốc hội và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, thì thông thường các thành viên Chính phủ phải là đại biểu Quốc hội. Chỉ có quan chức hành chính mới không nên kiêm đại biểu Quốc hội, vì điều này tạo ra xung đột lợi ích. Các quan chức hành chính không thể giám sát các thành viên Chính phủ vì là cấp dưới.
- Hiến pháp quy định “Đảng lãnh đạo toàn diện”, liệu có mâu thuẫn nào nảy sinh khi Quốc hội thực hiện chức năng của một cơ quan quyền lực tối cao?
- Tôi nghĩ là không có mâu thuẫn. Quốc hội là cơ quan quyết định theo đa số. Mà Đảng thì bao giờ cũng có đa số rất lớn trong Quốc hội. Vấn đề chỉ là cách chúng ta tổ chức sự lãnh đạo của Đảng như thế nào mà thôi.
- Quốc hội sắp bước sang nhiệm kỳ mới, điều ông kỳ vọng nhất ở hoạt động Quốc hội khóa tới là gì?
- Điều tôi kỳ vọng nhiều nhất là Quốc hội sẽ hoạt động chuyên nghiệp hơn. Công việc của Quốc hội là rất khó. Không có khái niệm chuẩn, kiến thức chuẩn và quy trình chuẩn, mọi chuyện sẽ rất hình thức.
End of content
Không có tin nào tiếp theo