TS Trần Đình Nhã: Có khả năng giàn khoan Trung Quốc "lùi chiến lược"
“Việc họ dịch chuyển giàn khoan chỗ này hay chỗ kia cũng đều vẫn nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, vẫn gây khó khăn và căng thẳng cho tình hình ở Biển Đông”.
ĐBQH, TS. Trần Đình Nhã – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp chiều 28/5.
PV: Ông bình luận gì trước việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 hàng chục hải lý về phía đảo Tri Tôn? Phải chăng đây là một bước đi tiếp theo trong chiến lược của họ?
Có nhiều khả năng xảy ra, trong đó có khả năng họ lùi chiến lược. Mọi hành động đều có sự tính toán hết từ phía Trung Quốc. Phía Việt Nam ta rất nhất quán trong đường lối đấu tranh với Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Việc họ dịch chuyển giàn khoan chỗ này hay chỗ kia cũng đều vẫn nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, vẫn gây khó khăn và căng thẳng cho tình hình ở Biển Đông.
PV: Trước động thái di chuyển giàn khoan của Trung Quốc thì đấu pháp của Việt Nam có gì thay đổi không thưa ông?
Không có gì thay đổi cả. Chúng ta vẫn yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam. Chúng ta có rất nhiều phương án đã được lên kế hoạch rồi, nhưng vẫn tùy vào thái độ và sự hành xử của Trung Quốc mà đưa ra những động thái cho phù hợp.
PV: Bước tiếp theo của Việt Nam khi Trung Quốc vẫn cứ khăng khăng giữ nguyên thái độ sai trái là gì thưa ông?
Chúng ta vẫn theo đúng luật pháp quốc tế và Luật Biển, có những cấp độ xử lý, dần dần từng trường hợp. Nếu Trung quốc vẫn khăng khăng giữ lập trường thì phải đưa ra tòa án Quốc tế để phân xử.
PV: Ông nhìn nhận thế nào về việc Trung Quốc đưa tàu chiến, tàu rà soát bom mình vào vùng thềm lục địa Việt Nam?
Đó là hành vi uy hiếp đối với lực lượng chấp pháp của Việt Nam, là phô trương sức mạnh quân sự của họ.
Theo luật pháp quốc tế, tàu thuyền quân sự cũng có thể đi qua vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, nhưng trong trường hợp Trung Quốc là sự phô trương sức mạnh và đe dọa tàu bè của Việt Nam.
Theo luật pháp quốc tế, vũ khí trên tàu phải được che hết. Nhưng Trung Quốc không những không che mà còn chĩa súng về phía ngư dân Việt Nam. Đó là sự vi phạm trắng trợn luật Biển của phía Trung Quốc.
PV: Ông đánh giá thế nào về công tác hỗ trợ ngư dân trên biển của chúng ta khi họ đang phải ngày đêm đối mặt với nhiều rủi ro?
Đúng là từ trước tới nay việc hỗ trợ ngư dân của ta có nhưng chưa đủ tầm. Sắp tới đây, chúng ta sẽ có đề án để hỗ trợ mạnh hơn, nhiều hơn cho ngư dân, từ việc củng cố lại tàu thuyền cho tới những vấn đề khác.
Còn hành vi đâm tàu cá của Việt Nam ngang nhiên giữa ban ngày thì việc lên án của ta là rõ ràng. Hành vi đó, có người còn cho là khủng bố, vì nếu hành xử văn minh không ai làm như thế cả.
Xin cảm ơn ông!
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo