Tin tức - Sự kiện

Từ Ba Vì, đạp xe lên... đỉnh Everest: Những con người “nặng nợ” với Việt Nam

3 giờ sáng một ngày mùa đông giữa tháng 12.2014, dưới chân Vườn quốc gia Ba Vì, một “ông Tây” bắt đầu hành trình chinh phục độ cao của đỉnh Everest. Nhưng Ba Vì thì liên quan gì đến Everest?

David Lloyd đang hoàn thành chặng cuối trước khi “chinh phục Everest”

 

Câu trả lời: độ cao của đỉnh Everest sẽ được thiết lập nếu người ta leo lên và leo xuống núi Ba Vì đúng 9,2 lần. Tức là gần 200km đường đèo liên tục. Và anh thực hiện nỗ lực phi thường ấy để giúp trẻ sơ sinh Việt Nam.

 

Không duyên, mà có nợ

 

Vườn quốc gia Ba Vì là một địa điểm nổi tiếng của loài bướm. Ở đấy, ngoài 4 loài bướm đã được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam, bạn, nếu là một khách du lịch may mắn, có thể bắt gặp những đàn bướm dập dìu kín như đám mây nhỏ kín cả một khoảng đồi.
 
 
Nhưng ngày thứ bảy hôm ấy, dưới chân núi, xuất hiện những cánh bướm lạ từ phương Tây xa xôi: Dọc hai bên đường, người ta thấy những tấm áp phích màu hồng, phía trên có hình một con bướm trắng và lá cờ của Vương quốc Anh. Một cuộc hội thảo về bướm của các viện sĩ hoàng gia? Thật ra, là một cuộc chạy xe đạp từ thiện. Những cánh bướm là biểu tượng của Newborns Vietnam - một tổ chức chuyên gây quỹ để mời các chuyên gia y tế hàng đầu nước Anh đến đào tạo cho cán bộ y tế Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc trẻ sơ sinh.
 
 
Khi tôi hỏi Suzanna Lubran - giám đốc tổ chức, rằng tại sao biểu tượng của bà lại là những cánh bướm, bà đưa hai bàn tay lên nâng niu một cánh bướm tưởng tượng, giọng run rẩy: “Những cánh bướm mong manh lắm, chúng như những đứa trẻ mới sinh vậy. Nhưng bướm cũng là một loài mạnh mẽ. Chúng tôi chọn cánh bướm, để biểu trưng cho sự mong manh, nhưng cũng là sự mạnh mẽ của những sinh linh mới chào đời”.
 
 
Newborns Vietnam quyên góp mỗi năm hàng trăm nghìn bảng Anh để đưa chuyên gia y tế của Anh đến Việt Nam. Họ gây quỹ bằng những cuộc chạy xe đạp thường niên. Mỗi “vận động viên” sẽ quyên vài nghìn bảng Anh cho quỹ Newborns, rồi được các Mạnh Thường Quân tài trợ tiền vé và ăn ở để đến Việt Nam, thực hiện những hành trình hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây số bằng xe đạp dọc đất nước. Những cuộc đi xe ấy, mang lại chất lượng chăm sóc y tế và cơ hội sống cho nhiều trẻ sơ sinh Việt Nam.
 

Suzanna cười to khi tôi nói với bà rằng Ba Vì là mảnh đất của những loài bướm. Bà không biết điều đó. “Ôi, thế là chúng tôi đã về nhà”. Người phụ nữ tóc bạc trắng, có gương mặt hồn hậu, chẳng mang một mối lương duyên đặc biệt nào với Việt Nam. Bà có thể đã là một nhân viên y tế bình thường ở nước Anh, nếu như không phải theo chồng đến Việt Nam công tác 8 năm về trước.

 

“Tôi không có việc gì để làm, và bắt đầu tìm cách giúp đỡ các bệnh viện của nước bạn”. Thế rồi bà nhận ra rằng những khiếm khuyết và đòi hỏi của hệ thống chăm sóc sức khỏe nước ta còn cần rất nhiều sự giúp đỡ, và quyết định thành lập Newborns. Câu chuyện của Suzanna rất đỗi bình dị. 

 

Thậm chí, bà còn chẳng nhớ được một kỷ niệm đặc biệt nào với Việt Nam khi được hỏi. “Ngày nào tôi cũng đi từ nhà đến bệnh viện, rồi từ bệnh viện về nhà, không có khoảnh khắc đặc biệt nào”. Như thể việc làm điều gì đó cho đất nước này, là một sứ mệnh hiển nhiên của bà.

 

Ông Giles Lever - Đại sứ Vương quốc Anh đồng hành cùng David

 

Everest trong tưởng tượng

 

David Lloyd quyết định rằng anh sẽ leo lên đỉnh Ba Vì liên tục 9 lần bằng xe đạp - để tổng chiều cao mà anh chinh phục, đúng bằng độ cao của núi Everest nổi tiếng so với mực nước biển, 8.848 mét. Để gây quỹ cho Suzanna, anh tự quyên góp bằng kênh riêng, và một doanh nghiệp, khi biết tin, tặng anh một chiếc xe đạp xịn để bán đấu giá.
 
 
David hiểu rằng anh sẽ không thể hoàn thành cuộc hành trình “kinh khủng” ấy trong vòng một buổi: Anh bắt đầu từ 3 giờ sáng, với Suzanna đứng đợi ở chân núi. David đã sống ở Việt Nam 4 năm như một lữ khách, và anh yêu xe đạp. Cũng gần giống như bà giám đốc của Newborns Vietnam, cũng không có điều gì quá đặc biệt ở con người này. Chỉ đơn giản là họ cảm thấy mình có thể và nên làm gì đó cho Việt Nam.
 
 
Cuộc hành trình không dễ dàng. David bị chuột rút ngay ở chặng thứ 5, lúc khoảng 10 giờ sáng. Nhưng anh không bỏ cuộc. Chặng thứ 6, theo mô tả của chàng trai người Anh này, là một cơn ác mộng. Đến buổi chiều, một số tay xe đạp khác, từ nước Anh tới nhập hội và đi cùng David một số chặng. Trong số này, có cả ông Giles Lever - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam. Ông bắt đầu leo lên đỉnh núi cùng David từ chặng thứ 8. 
 
 
Có một động lực kỳ lạ được truyền cho những người chứng kiến từ cuộc “hành xác” của David Lloyd. Những đồng đội của anh, có người mà mỗi lần nhấn pê-đan đã thành một cử chỉ nặng nề, vẫn cố gắng leo kỳ được lên đến đỉnh, dù chỉ một lần. Sau chặng thứ 8, ông đại sứ Lever đã dừng lại nghỉ ở khu resort giữa chân núi. Nhưng ngay khi vừa thấy bóng David vút qua trên con đường hoàn tất chặng cuối cùng, ông lại không đừng được, vội vàng lấy xe, lảo đảo lấy đà trên đường dốc, rồi cố gắng lao theo người đồng hương. Những khuôn mặt không cố giấu sự mệt mỏi, bởi trong sự mệt mỏi ấy xen lẫn niềm tự hào nơi những người đã chinh phục được một thử thách - và làm việc thiện.
 
 
Chúng tôi lên đón David ở gần đỉnh núi, nơi anh chính thức hoàn tất cuộc “chinh phục Everest” trong tưởng tượng của mình. Người anh hùng không có dáng vẻ oai dũng: Anh đang run lên vì lạnh, mồ hôi như tắm trong cái lạnh buốt của mùa đông trên núi cao, và thở chẳng ra hơi để đáp lại những lời chúc mừng. Nhưng ai cũng hiểu, đó mới là hình dáng của một nhà chinh phục – người đã đổ tất cả sức lực để đạt được cái đích mình đặt ra.
 

Một ngày nào đó, bạn có thể bắt gặp một phụ nữ phương Tây tóc bạc trắng, đang chậm rãi đạp xe dọc bờ biển Đà Nẵng. Đó là Suzanna - một người đang nâng niu những đứa trẻ Việt Nam bằng hai tay như nâng niu một cánh bướm mỏng, cùng với sự giúp đỡ tận tâm từ những người đồng hương của bà. Có lẽ trong khoảnh khắc, bạn sẽ tự hỏi rằng điều gì khiến cho những con người này “nặng nợ” với Việt Nam như thế?

 

 Tôi không có việc gì để làm, và bắt đầu tìm cách giúp đỡ các bệnh viện của nước bạn”. Suzanna Lubran  - Giám đốc Tổ chức  Newborns Vietnam.

 

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo