Tin tức - Sự kiện

Từ chuyện cướp lộc thánh, ngẫm ra cuộc đời

Không hiểu sao người ta lại lấy làm hoan hỷ, sung sướng với những thứ cướp được ở nơi tôn nghiêm chốn cửa đền. Ở nơi linh thiêng đó người ta còn cướp được, vậy tự hỏi ở đời, nếu có cơ hội, bao nhiêu người sẽ ngoảnh mặt làm ngơ mà không cướp “lộc đời”?.

Người dân lao vào tranh cướp hoa tre trên sân Đền Trình (Đền Gióng, Hà Nội).

Vào dịp đầu xuân, các lễ hội truyền thống thường được tổ chức. Mặc dù các cơ quan chức năng đã phối hợp với các địa phương quản lý lễ hội, song ở nhiều lễ hội vẫn xảy ra cảnh “chướng tai gai mắt” và còn tồn tại một số hoạt động thiếu lành mạnh.

 
Hội Gióng diễn ra hàng năm vào mùng 6 tết Nguyên đán tại sân Đền Trình (đền Gióng, Hà Nội), thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi trên cả nước đến tham gia. Thế nhưng, năm nay, trớ trêu thay, lại diễn ra một cảnh tượng người dân lăn lộn, chen nhau cướp lộc thánh.
 
Sau ít phút làm lễ, hoa tre (Hoa tre là một vật mang tính biểu trưng, tượng trưng cho cây tre, gậy tre của Thánh Gióng đánh giặc khi xưa) được rước bằng kiệu xuống đền Trình để làm lễ. Vài giây khi bài văn tế kết thúc, chiếc kiệu hoa tre đã bị người dân lao vào tranh cướp trong cảnh hỗn loạn. Mặc cho những người bảo vệ cầm gậy đánh thẳng tay, đám đông vẫn chen lấn, giằng cướp chỉ để lấy được chút lộc thánh. Không ít những người bị đánh khuỵu, nằm lăn lộn mặc tiếng gào thét, la ó.
 
Với mong muốn được hưởng may mắn vào đúng giờ “thiêng” người ta sẵn sàng chen lấn, xô đẩy giẫm đạp lên nhau để giành giật “lộc thánh”.
 
Còn nhớ, năm ngoái, cảnh tượng cướp đồ thờ cúng cũng diễn ra không mấy đẹp mắt tại đền Trần. Ngay sau thời điểm Lễ khai ấn, người ta đã hỗn loạn xô đẩy ngay bên trong đền để giành giật, cướp các đồ thờ cúng, hoa quả, chân hương tại các bàn thờ. Những người giữ đền cũng chỉ biết lắc đầu bất lực trước sự hỗn tạp, chợ búa của đám người dự lễ.
 
Người ta lấy làm hoan hỷ, sung sướng với những thứ cướp được bởi họ coi cái cướp được ấy là lộc thánh ban. Họ bất chấp đấy là đồ thờ cúng, bất chấp sự tôn nghiêm chốn cửa đền.
 
Xưa nay, người đến lễ hội đều mang theo những điều mong nguyện, người cầu an, người cầu phúc, người cầu may, cầu duyên,…nhưng điều chính là để tâm an lành, khấn nguyện nhẹ nhàng để tĩnh lại lòng người.
 
Trong dòng chảy tất bật của cuộc sống, nhiều phong tục truyền thống đang bị lợi dụng, biến tướng, trá hình. Phong tục đi lễ, chùa đầu năm cũng không ngoại lệ.
 
Đền, Chùa chiền là nơi thanh tịnh, giản dị, người dân đi dự lễ, chùa cốt ở cái tâm, với tinh thần thành kính, tri ân trong sang. Thế nhưng giờ đây, người ta đi lễ, chùa với toan tính cầu cúng xin xỏ, đòi hỏi cho bản thân xin được giàu sang, phú quý, thăng quan phát tài,…chứ không phải để chiêm tưởng. Ngày nay người ta ra sức mặc cả với thần phật, ra sức "hối lộ" các "bậc bề trên". Bởi thế mà xưa nay, không chỉ lễ chùa, mà ngay những lễ hội phố hoa dù có hàng rào, lực lượng bảo vệ dày đặc nhưng hoa lá vẫn tả tơi. Nhiều người sau khi ngắm hoa đều tìm cách tranh bằng được một cành hoa đẹp mang về cho riêng mình như một thứ lộc riêng.
 
Từ chuyện cướp lộc thánh, ngẫm ra chuyện cướp lộc đời, nói như giáo sư Lê Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam), lễ hội phản chiếu nhân tâm của xã hội. Ở nơi linh thiêng đó người ta còn cướp được, vậy tự hỏi ở đời, nếu có cơ hội, bao nhiêu người sẽ ngoảnh mặt làm ngơ mà không cướp “lộc đời”?.
 
Thế nên mới có tình trạng hôi của trong tai nạn đang diễn ra ngày càng phổ biến, đơn cử là vụ hôi bia cuối năm 2013 ở Biên Hòa, Đồng Nai. Đã có nhiều lần, khi chiếc xe khách bị nạn, thay vì cứu nạn nhân, nhiều người dân đã lao vào tranh cướp tài sản của những nạn nhân đang hấp hối. Theo tiến sĩ Đinh Phương Duy, Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ TP.HCM, đại biểu HĐND TP.HCM, hôi của là một hành động rất đáng để lên án. Hành vi này được xem là mọi rợ trong một thế giới văn minh.
 
Hôi của của người bị nạn được xem là mọi-rợ-trong-một-thế-giới-văn-minh. Vậy thì, bao nhiêu tên quan tham nhũng, hối lộ được gọi là gì?. Dương Chí Dũng, Huỳnh Thị Huyền Như,...đã lợi dụng vị trí của mình làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước gây xôn xao dư luận suốt thời gian dài vừa qua. Bổng lộc từ Nhà nước trả cho, họ chưa thấy vừa nên lợi dụng quyền hạn, chức vụ của mình để ăn cướp của dân, như một thứ lộc có được từ chiếc ghế quan. Thứ “lộc đời” được tạo nên từ mồ hôi, nước mắt của dân chúng. Đồng tiền, lòng tham cộng với cơ chế lỏng lẻo có thể biến con người có thể đã từng tử tế, lương thiện thành tội phạm, phạm những tội mà chúng ta không tưởng tượng nổi.
 
Và cũng bởi người ta có thể cướp lộc thánh, nên dù lễ hội nhiều, người dân đi chùa lễ Phật nhiều nhưng cái ác trong xã hội vẫn tăng.
Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo