Từ việc cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở Quảng Ninh: Hãy dừng lại những bài viết thiếu thiện chí
Mặc dù có một số nội dung hữu ích, phê bình bệnh hình thức trong hoạt động từ thiện hiện nay, nhưng những bài viết này đã tuỳ tiện sử dụng khá nhiều ngôn từ để suy diễn, tưởng tượng ra những góc cạnh thấp hèn của nhân cách và áp đặt cho các nhà hảo tâm một cách ác ý, cực đoan và rất thiếu trách nhiệm. Những bài viết này không những đã xúc phạm tới những người làm từ thiện mà còn gây bất bình, phẫn nộ đối với đông đảo người dân, đặc biệt là nhân dân Quảng Ninh.
Những người viết mấy bài nói trên đã rao giảng khá nhiều về cách làm từ thiện, nhưng hình như họ chưa ra khỏi nhà hoặc họ còn thiếu kiến thức tổng hợp vì họ thậm chí không biết một cách đầy đủ rằng, người dân vùng lũ lụt trước mắt cần gì và sau này cần gì? Mì tôm, nước sạch rất cần để dùng ngay, quần áo khô cần có để thay, đêm đầu tiên cần có chăn màn để ngủ...Nhưng sau đó, cái họ cần nhiều hơn là xây dựng lại nhà cửa, mua sắm lại đồ dùng, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, chăn nuôi gia súc...Nói cách khác, cái cần nhất, nhiều nhất, tiện lợi nhất cho người dân bị nạn là tiền.
Vì vậy, nếu ai cũng chỉ đem mì tôm, nước uống, quần áo, chăn màn...đi làm từ thiện, liệu đã phải hữu ích cho tất cả những người bị lũ lụt? Để chăm lo, đáp ứng những yêu cầu cấp thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và đời sống của người bị nạn trong những thời khắc bấn loạn đầu tiên thì không ai nhanh bằng hàng xóm, láng giềng, tổ dân, khu phố và chính quyền, đoàn thể tại địa phương.
Các hoạt động quản lý về an ninh, trật tự, chăm sóc y tế...đã có các cơ quan chức năng định hướng thực hiện. Phần đông những người có hảo tâm sẽ hành động với tinh thần: Ai có dao dùng dao, ai có súng dùng súng, ai không có dao, súng thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc.
Với những “đại gia”, họ sẽ làm từ thiện thế nào? Người sản xuất xi măng chắc chắn sẽ tặng xi măng để xây nhà; nhà dệt may sẽ tặng quần áo, chăn màn, giầy dép; chủ trang trại sẽ tặng lợn giống, gà giống; Công ty sản xuất mì ăn liền sẽ tặng mì ăn liền; Doanh nghiệp làm nước uống sẽ tặng nước uống; các nghệ sĩ làm từ thiện bằng các chương trình nghệ thuật...Phải chăng, tất cả họ toàn mang đồ ế, đồ thừa đi làm từ thiện?
Với ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, trong khả năng và điều kiện của mình, để quyết định nhanh nhất cho hoạt động từ thiện, ngay ngày đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh Quảng Ninh, ông đã mang đến 2 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Tiếp theo đó, đại diện các công ty thành viên của Tập đoàn Tuần Châu đã tổ chức nhiều đợt cứu trợ.
Có thể cảm thấy hơn 2 tỷ đồng là quá nhỏ nhoi so với thiệt hại mà nhân dân Quảng Ninh phải gánh chịu và so với cả những lần đã làm từ thiện trước đó, ông Tuyển quyết định bán đấu giá ngay chiếc xe có sẵn để có thêm một khoản tiền đáng kể hơn, đồng thời mua thêm nhiều máy lọc nước giá trị gần 1 tỷ đồng ủng hộ cho đồng bào bị nạn.
Ngoài ra, với cơ sở lưu trú có sẵn, việc Tập đoàn Tuần Châu thông báo rộng rãi cho mọi đối tượng cơ nhỡ do lũ lụt, nhất là nhân dân khu vực gần kề nếu cần thiết có thể đến đây tạm trú và được chu cấp ăn uống.
Thế nhưng, những việc làm đó lại bị mấy người mổ xẻ, dè bỉu và khoác cho một loạt từ ngữ ác ý là “chiêu PR”, là “đánh bóng tên tuổi”, là “hình thức”, là “mạnh miệng”, là “khoe xe, khoe tên”...Họ nhiếc móc, chê bai cả cái xe của ông chỉ vì nó mang trên mình một thương hiệu nổi tiếng, thật chẳng còn hiểu ra làm sao...!
Giá như những người viết bài hiểu rằng, với 12 tỷ đồng (gần 600.000 USD) của ông Đào Hồng Tuyển và tập thể cán bộ nhân viên Tập đoàn Tuần Châu đã dành cho đồng bào bị lũ lụt ở Quảng Ninh, hoàn toàn đủ để quảng bá thương hiệu, tên tuổi nhiều lần trên những kênh truyền hình hàng đầu thế giới và rất nhiều hình thức đánh bóng tên tuổi khác nữa. Phải chăng, ông Đào Hồng Tuyển và đội ngũ chuyên gia của Tập đoàn Tuần Châu đã hết năng lực tư duy và không còn nghĩ ra được giải pháp tiếp thị nào khác?
Đã có không ít người dân “khó xử” vì không biết bao giờ mới ăn hết mì tôm, trong khi có rất nhiều thứ khác họ đang rất cần kíp để nhanh chóng ổn định lại cuộc sống. Phải chăng, tác giả của các bài viết đó đã phản ứng một cách nôn nóng theo bản năng, hay tầm nhìn của họ chỉ dừng lại ở mức sự vụ, tiểu tiết như vậy?
Thiết nghĩ, dù là những người bình thường nhất hay các “đại gia” nổi tiếng và giàu sụ, thì trước những việc làm thiện tâm, đóng góp hiệu quả cho xã hội và nhân dân của họ, cần đánh giá một cách thật sự công bằng và khách quan, chứ không thể cứ thấy “đại gia” làm từ thiện thì lại chụp lên họ những ngôi từ thiếu thiện chí như “làm PR”, “đánh bóng tên tuổi”, “chơi nổi”, “khoe của, khoe xe”...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng có tỷ lệ dân số khu vực thành thị cao nhất nước
Nâng cấp cho hệ thống cảng biển Việt Nam tiếp nhận tàu có trọng tải lớn
Đà Nẵng: Đường hoa xuân Bạch Đằng sẽ tổ chức kéo dài gần 5 tháng
Đại học Đông Á công bố phương án tuyển sinh năm 2025
ABBANK được vinh danh nhà tuyển dụng yêu thích 2024
Những trường hợp tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động cơ sở đăng kiểm