Tự ý tăng giá bán sẽ bị phạt tối đa 35 triệu đồng?
Đó là một trong những quy định mới vừa được Bộ Tài chính bổ sung trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm đã được quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn, do Nghị định 109 chưa bổ sung các quy định này.
Theo đó, trong Dự thảo, Bộ tài chính đề xuất bổ sung thêm các hành vi vi phạm về đăng ký giá, kê khai giá như hành vi không thông báo bằng văn bản về mức giá đăng ký, kê khai cho cơ quan nhà nước trong các trường hợp phải thực hiện thông báo theo quy định; hay hành vi áp dụng mức giá đăng ký, kê khai không đúng thời hạn theo quy định kể từ ngày thực hiện đăng ký giá, kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, hành vi tự ý tăng giá theo giá đã đăng ký, kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có văn bản yêu cầu giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa giải trình xong về mức giá đăng ký, kê khai cũng sẽ bị phạt.
Cụ thể, theo quy định mới tại Dự thảo, Bộ Tài chính kiến nghị sẽ phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi kê khai giá sai so với mẫu văn bản kê khai giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo bằng văn bản về mức giá đăng ký, kê khai cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp phải thực hiện thông báo theo quy định...
Về hành vi áp dụng mức giá kê khai không đúng thời hạn có thể bị phạt phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Về hành vi tự ý tăng giá, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tự ý tăng giá theo giá đã kê khai, đăng ký với cơ quan Nhà nước trong trường hợp các cơ quan này đã có văn bản yêu cầu giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa giải trình xong; Phạt tiền từ 30-35 triệu đồng đối với hành vi tự ý tăng giá trong khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân chỉ áp dụng mức giá mới và yêu cầu kê khai lại mức giá.
Dự thảo cũng quy định, sẽ phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi khai man, khai khống hồ sơ thanh toán để nhận tiền trợ giá, trợ cấp, trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ giá, trợ cấp, trợ cước; hành vi sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng được sử dụng tiền trợ giá, tiền trợ cấp, tiền trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ giá, trợ cấp, trợ cước.
Cũng theo Bộ Tài chính, để bảo đảm thống nhất với quy định hiện hành (khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 29/10/2014/TTLT-BTC-BCT quy định về tính lãi suất số dư tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá) và từ thực tiễn sử dụng Quỹ bình ổn giá trong thời gian qua cho thấy phát sinh hành vi chậm hoặc hoặc không kết chuyển tài khoản Quỹ bình ổn giá theo quy định.
Vì thế, Dự thảo Nghị định quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi chậm kết chuyển hoặc không kết chuyển tài khoản Quỹ bình ổn giá theo quy định. Bên cạnh đó, buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền do trích lập không đúng hoặc không trích lập Quỹ bình ổn giá và phần lãi tính trên số dư Quỹ bình ổn giá phát sinh.
Hiện, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hoá đơn đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý công khai trước khi trình lên Chính phủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phát triển các khu thương mại tự do sẽ là bàn đạp thúc đẩy dịch vụ logistics
Giá vàng thế giới ngày 14/11: Giảm phiên thứ 4 liên tiếp do USD tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 14/11/2024: Xu hướng tăng giảm không đồng đều
Sẽ áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ ngày 20/11
Tổng giám đốc công ty Văn hoá Tân Bình ALT 'mua chui' hàng trăm ngàn cổ phiếu
Giá ngoại tệ ngày 14/11/2024: USD đạt đỉnh cao nhất trong năm, cán mốc 106,51