Tương lai của báo điện tử: Ai viết bài, người đó bán
"Trả tiền rồi mới được đọc nội dung" sẽ không chỉ là hướng đi cho báo chí mà còn là xu thế phát triển cho cả những người cầm bút, nhà xuất bản và các trang viết bài trực tuyến dạng khác.
SA Mathieson là sáng lập viên của trang Beacon – một trong các trang viết của hơn 80 nhà báo đến từ 30 quốc gia khác nhau. SA Mathieson cũng là người đứng đầu một dự án gây quỹ tài trợ tập thể (crowdfunding) để phục vụ cho các nhà báo kể trên và hiện đang là cây viết tự do cho tờ The Guardian của Anh.
Trong một bài viết đăng trên blog Báo chí Trực tuyến BJO, Mathieson đã đưa ra những nhận định về hướng phát triển của báo chí trong tương lai.
“Nếu bạn cho rằng báo chí tương lại sẽ hướng đến việc xuất bản miễn phí, hoặc ít nhất, chỉ sống bằng tiền quảng cáo, bạn đã nhầm”, Mathieson khẳng định. Theo ông, trong tương lai, kể cả báo điện tử và nhiều dạng trang viết khác cũng sẽ dần hướng tới xu thế bắt người đọc phải trả tiền.
Gần đây, Tổ chức đánh giá báo chí Columbia đã công bố một bản báo cáo cho thấy số lượng người đọc trả tiền trên ấn phẩm điện tử của tờ Financial Times (FT) đã tăng gần gấp đôi so với ấn phẩm báo in của hãng này, đưa tổng số độc giả trực tuyến của FT lên đến 99.000 người.
FT có nhiều lựa chọn cho các độc giả, trong đó gói thuê bao thấp nhất có giá 5,19 bảng Anh/tuần (tương đương 182.000VND/tuần). Mỗi tài khoản không trả tiền sẽ chỉ được đọc miễn phí 8 bài báo/tháng và nếu muốn đọc bài thứ 9 thì chủ tài khoản bắt buộc phải “chịu chi”.
Financial Times là một trong những "anh cả" của làng báo, đã đi đầu trong cuộc chơi “bán báo điện tử” và trở thành hình mẫu cho rất nhiều các hãng xuất bản "đàn em" noi theo.
Một số tờ như The Times, thường khóa tất cả các nội dung trên trang đối với độc giả chưa trả tiền, trong khi đó, một số tờ khác như Telegraph, New York Time, Economist thì cho phép độc giả chưa mua báo được đọc một số lượng bài viết nhất định trước để "câu kéo" trước khi bắt độc giả phải "móc hầu bao".
Đây không chỉ là hướng đi cho báo chí mà còn cho cả các trang viết khác, trong đó có Beacon, một trang viết của chính Mathieson.
Hiện Beacon đang là "đất sống" của khoảng 80 cây viết từ hơn 30 nước khác nhau. Ban đầu các bài viết trên Beacon được xuất bản miễn phí cho tất cả mọi người và sau đó Beacon sẽ kêu gọi tài trợ.
Giờ đây, Beacon đã đang tập trung vào việc "bán báo điện tử" cho các thuê bao hơn là đi "nài xin" lấy một món tiền ủng hộ từ độc giả.
Số tiền thu được từ các thuê bao trên Beacon sẽ được dành ra 2/3 để trả cho các nhà báo có đóng góp bài trên trang. Ngoài ra, các tác giả sẽ có thêm một phần tiền thưởng bổ sung.
Số tiền này được trả dựa vào đánh giá của chính độc giả: cuối mỗi bài viết đều có nút “Worth It”, số lượng đánh giá và thang điểm đánh giá của độc giả sẽ quyết định số tiền thưởng mà các tác giả nhận được. Phần tiền này sẽ được Beacon trả cho các tác giả vào cuối tháng qua tài khoản PayPal.
Hiện nay, Beacon đang bán gói thuê bao cho độc giả với giá 5 USD/tháng và luôn hiển thị một phần đầu câu chuyện trong mỗi bài viết để “câu” sự tò mò của độc giả.
Rất nhiều tờ báo khác cũng đang bán thuê bao hàng tháng với giá tương tự như Beacon, trong đó có New Yorker, The Arts Desk, Amazon Singles hay Private Eye… Đó có vẻ như là mức giá “chấp nhận được” với người Anh hiện nay.
Có một sự thật là các báo điện tử có trả tiền đang phải cạnh tranh khốc liệt với các báo điện tử miễn phí khác, trong đó có những ông lớn như BBC, NHS và The Guardian.
Những tờ báo này đang phát triển để có thu nhập từ nhiều nguồn khác hơn là thu tiền của độc giả, trong đó có việc chú trọng phát triển các phiên bản báo điện tử trên điện thoại và máy tính bảng.
Tuy nhiên, trong một lần giao lưu trực tiếp với độc giả, Alan Rusbridger, Tổng biên tập của The Guardian, đã trả lời một cách thận trọng về việc không loại trừ xu hướng thu tiền từ bạn đọc báo điện tử trong tương lai.
Thêm nữa, thông qua các trang như Beacon, Tinypass và Amazon, người cầm bút và nhà xuất bản giờ đây có thể tìm thấy một hướng đi mới: xuất bản một cái gì đó thật sự đặc biệt và kiếm được những khoản thu nhập xứng đáng từ tiền bán thuê bao cho các bạn đọc.
Đây rõ ràng là một hướng đi mới, nó sẽ giúp báo chí ngày càng đỡ bị lệ thuộc vào các khoản tài trợ hay quảng cáo hơn, nhưng đồng thời, điều này cũng đặt ra thách thức cho những người cầm bút: muốn bán được báo, những người viết phải có những bài báo thật sự chất lượng.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ông Trần Chí Cường làm Trưởng Ban chỉ đạo phát triển ngành logistics Đà Nẵng
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội
Doanh nghiệp Pháp muốn đầu tư vào hạ tầng giao thông tại Long An
Đề xuất giải pháp phát triển cảng biển khu thương mại tự do Đà Nẵng
Hướng nghiệp sớm, hình thành đội ngũ lao động trẻ có tay nghề cao
An Giang bàn giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế
Cột tin quảng cáo