Tin tức - Sự kiện

Tuyển sinh lớp 6 tại Hà Nội: Học sinh không cần luyện thi

Sau 3 năm xét tuyển hồ sơ học bạ để tuyển sinh lớp 6, năm nay các trường “đặc thù” được phép tuyển sinh kết hợp xét tuyển song song với bài kiểm tra đánh giá năng lực các môn tổ hợp. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường này khuyến cáo, học sinh không nên đi luyện thi vì đề thi cơ bản, kiến thức chỉ tập trung trong chương trình lớp 5.

Lo học sinh bị áp lực

Năm nay, Hà Nội cho phép các trường đặc thù, không thực hiện nhiệm vụ phổ cập tuyển sinh theo hình thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với làm 2 bài thi đánh giá năng lực gồm: tổ hợp KHTN, Toán và bài tổ hợp KHXH; tiếng Việt và tiếng Anh. Nội dung kiểm tra thuộc kiến thức chương trình tiểu học, tập trung chủ yếu ở lớp 5. Hình thức làm bài thi trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận, trong đó đảm bảo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Thời gian làm mỗi bài thi là 60 phút.

Phụ huynh xếp hàng mua hồ sơ vào lớp 6 trường đặc thù tại Hà Nội những năm trước.

Chị Nguyễn Thị Như Hoa, ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân (Hà Nội) có con đang học lớp 5, Trường tiểu học Đặng Trần Côn cho biết, chị dự định cho con được thi vào một trong những trường có chất lượng cao gần nhà. Tuy nhiên, khi tìm hiểu chị thấy hoang mang vì năm nay, ngoài xét hồ sơ, học bạ trường còn tiến hành bài kiểm tra tổ hợp trong đó tập hợp kiến thức nhiều môn. “Nếu chỉ thi kiến thức Văn, Toán, ngoại ngữ học sinh còn biết tập trung ôn luyện 2-3 môn, năm nay trường thi tổ hợp KHTN và tổ hợp KHXH rồi Ngoại ngữ với kiến thức rất rộng nên gia đình lo lắng sẽ quá sức với học sinh”, chị Hoa nói.

Theo chị Hoa, nếu tuyển sinh bằng xét học bạ như năm trước đúng là không công bằng giữa các học sinh. Nhưng tuyển sinh bằng hai bài thi đánh giá năng lực và ngoại ngữ khiến cả học sinh và phụ huynh bị áp lực. “Coi như năm nay con không có kỳ nghỉ hè, vì học xong cuối tháng 5 con phải tập trung ôn luyện để thi vào cuối tháng 6, rồi chờ đợi kết quả nữa”, chị Hoa nói.

Tương tự, một phụ huynh khác dự định năm nay sẽ cho con thi tuyển vào lớp 6, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam chia sẻ, năm nào trường này cũng có chỉ tiêu ít nhưng lượng hồ sơ  dự tuyển cao vượt gấp hàng chục lần. Để tuyển được học sinh giỏi, chắc chắn năm nay trường sẽ ra đề hóc búa. “Phụ huynh nào cũng dự đoán điều đó nên phải chạy đua cho con đi học thêm. Ở đâu nghe tiếng thầy giỏi, cô giỏi lại cho con đi học thêm các môn cơ bản vậy”, phụ huynh này nói.

Trên diễn đàn hội cha mẹ học sinh của một trường khá nổi tiếng thời điểm này cũng rầm rộ bởi câu chuyện nên cho con ôn luyện như thế nào, chọn thi vào lớp 6 trường nào để đảm bảo chất lượng học tập vừa đỡ bị sức ép.

Không cần đi học thêm

 

Trường THCS Đoàn Thị Điểm năm nay dự kiến sẽ tuyển 750 chỉ tiêu vào lớp 6 theo phương thức xét điểm tuyển sinh từ cao tới thấp. Điểm tuyển sinh được tính với điểm xét kết quả học tập cuối năm ở bậc tiểu học và bài kiểm tra đánh giá năng lực nhân hệ số 2. Học sinh đăng ký dự thi sẽ được lựa chọn một trong 2 bài kiểm tra đánh giá năng lực bao gồm: Bài tổ hợp khoa học và Toán hoặc bài kiểm tra Tiếng Việt, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm.

Ông Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho rằng, phương án làm bài kiểm tra đánh giá năng lực như năm nay sẽ tuyển được học sinh có năng lực thực chất hơn so với việc xét tuyển hồ sơ như các năm trước. Tuy nhiên, ông không đồng tình với cách làm bài thi tổ hợp nhiều môn vì vô hình sẽ gây áp lực cho học sinh. Ông Thống cũng cho rằng, việc yêu cầu các trường tổ chức thi vào cuối tháng 6 cũng khiến học sinh căng thẳng, mất thời gian đi ôn tập.

Thay vào đó, ngay sau khi kết thúc chương trình lớp 5, Hà Nội nên đồng ý cho các trường tiến hành ngay bài kiểm tra, khi đó các em vừa học xong sẽ không phải đi ôn luyện vừa được nghỉ hè. “Việc làm bài kiểm tra thực ra rất đơn giản, chỉ cần xem học sinh có năng lực IQ, EQ như thế nào để xếp lớp, tránh việc tuyển sinh nặng nề, căng thẳng cho cả thầy và trò”, ông Thống nói.

Cũng theo ông Thống, đề thi tuyển sinh lớp 6 của trường năm nay sẽ chỉ tập trung xoay quanh các môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ. Các môn khác sẽ hỏi các câu rất cơ bản, dễ trả lời, học sinh không cần đi học thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Marie Curie Hà Nội cho biết, năm nay trường tuyển 360 chỉ tiêu vào lớp 6. Trường đã trình một phương án cụ thể lên UBND quận Nam Từ Liêm đi kèm đề minh họa. Nhà trường dự kiến sẽ tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra, đánh giá vào ngày 17/6 tới.

 

Ông Khang cũng chia sẻ quan điểm, học sinh không nên đi học thêm vì đề kiểm tra kiến thức cơ bản, dễ trả lời, không hỏi sâu, tỉ mỉ để yêu cầu học sinh phải ghi nhớ hay học thuộc. Ông ví dụ, ở môn Lịch sử đề ra câu hỏi trắc nghiệm trong chương trình lớp 5 như: Chiến thắng Điện Biên phủ trên không diễn ra ở địa phương nào? A: Điện Biên; B: TP Hà Nội; C: Quảng Bình.

Hay ở môn Địa lý có câu: Trên thế giới, có bao nhiêu châu lục? Đáp án: A: 4; B:5 và C:6.

Trường Lương Thế Vinh năm nay cũng dự kiến sẽ tuyển 560 học sinh, ít hơn năm ngoái 40 em. Phương thức tuyển sinh của trường năm nay là xét tuyển theo học bạ và kết quả 2 bài thi kiểm tra, đánh giá năng lực theo dạng tổ hợp Toán - Khoa học và Tiếng Việt - Tiếng Anh- Lịch sử - Địa lý. Trong đó, môn Tiếng Việt học sinh làm bài theo hình thức tự luận, các môn khác theo hình thức trắc nghiệm. Trong đó, điểm xét tuyển sẽ được tính bằng điểm học bạ cộng điểm 2 bài thi nhân hệ số 2 cộng điểm ưu tiên (nếu có). Những năm trước, Trường Lương Thế Vinh luôn có lượng hồ sơ cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu, vì vậy năm nay trường quy định cụ thể, học sinh dự tuyển phải có 3 năm học lực giỏi từ lớp 1 đến lớp 3. Riêng lớp 4 và lớp 5, học sinh phải đạt điểm 9 trở lên trong các bài kiểm tra định kỳ cuối năm 2 môn Tiếng Việt và Toán. Ở phần đánh giá năng lực, phẩm chất, học sinh cũng phải đạt yêu cầu.

Trong số các trường đặc thù “nóng” tuyển sinh vào lớp 6 thì năm nay, Trường THCS Nguyễn Siêu không thực hiện bài kiểm tra và tuyển 240 học sinh dựa vào khả năng tiếng Anh. Nhà trường đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh qua việc tổ chức chương trình “Một ngày là học sinh THCS”. Học sinh đăng ký tham gia sẽ có các hoạt động trải nghiệm, thông qua đó, nhà trường lựa chọn những em có năng lực.

Trong khi đó, Trường THCS Cầu Giấy, THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam thời điểm này vẫn chưa có phương án tuyển sinh cụ thể. Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy cho biết, năm nay, trường phải trình 2 phương án tuyển sinh lên phòng GD&ĐT, UBND quận bao gồm, phương án tuyển sinh lớp 6 và phương án tuyển sinh song bằng. Đến thời điểm này, trường vẫn chưa công bố được cho phụ huynh phương án cụ thể. Trong khi đó, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định ngày thi tuyển là 29 và 30/6 nên bà Kim Anh cho biết, sẽ cố gắng công bố phương án sớm nhất để phụ huynh, học sinh chuẩn bị.

 

“Học sinh chỉ cần học cơ bản kiến thức trong chương trình lớp 5, sẽ làm tốt bài kiểm tra, đánh giá năng lực. Việc đi học thêm là không cần thiết và không phù hợp với dạng bài kiểm tra, đánh giá như năm nay”. (Ông Nguyễn Xuân Khang).

Nên đọc
Theo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo