Tin tức - Sự kiện

Tỷ lệ tử vong sau sinh của các dân tộc thiểu số cao gấp đôi so với người Kinh

Đây là thông tin được chia sẻ tại Diễn đàn thường niên về phát triển dân tộc thiểu số vừa tổ chức tại Hà Nội.

 Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc vừa tổ chức diễn đàn thường niên: "Mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020".

 

 Diễn đàn Phát triển Dân tộc thiểu số được tổ chức thường niên từ năm 2008 đã thành một kênh trao đổi thông tin quan trọng, kết nối nhiều bên liên quan và đã góp phần đưa ra nhiều định hướng chính sách phát triển phù hợp với dân tộc thiểu số. 

 
Diễn đàn lần này tập trung vào việc xác định các khoảng cách trong phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số và đề xuất các hành động ưu tiên để đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 – 2020 cũng như các kế hoạch của ngành. 
 
 
Phát biểu tại diễn đàn, ông Danh Út, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng sự thiếu đồng bộ của chính sách và các bất cập trong quy trình xây dựng chính sách - chưa tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan bộ ngành liên quan, của địa phương, cơ sở và đối tượng thụ hưởng; chính sách thiếu tính ổn định, lâu dài, thiếu tính chất đặc thù của vùng miền, dân tộc, đối tượng thụ hưởng…
 
Do vậy khi triển khai thực hiện sẽ không khả thi hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của đồng bào dân tộc thiểu số là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Ông cũng đề nghị xây dựng khung chính sách tổng thể, đồng bộ, thay cho việc đưa ra nhiều chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách, chương trình, dự án khác nhau như hiện nay.
 
 
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La. Ảnh: Hoàng Tuấn
 
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, tuy nhiên khoảng cách phát triển của đồng bào vùng Dân tộc thiểu số còn thấp và sự chênh lệch giữa các vùng dân tộc thiểu số và vùng đồng bằng, đô thị còn cao.
 
Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số ước tính đã chiếm tới 56% tổng số hộ nghèo của cả nước. Người dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, như chăm sóc sức khoẻ, nước sạch và giáo dục. 
 
 
Tỷ lệ tử vong sau sinh cao gấp 2 lần so với người Kinh và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở một số nhóm dân tộc thiểu số chiếm tới 33% so với bình quân cả nước là 15,3%. Môi trường sống gắn bó mật thiết của dân tộc thiểu số là rừng hiện đang bị tàn phá nghiêm trọng, tính đa dạng sinh học của nhiều vùng rừng quý hiếm đang mất dần. 
 
 
Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan cho biết: “Sự thay đổi sâu sắc về cấu trúc nền kinh tế và việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của chính sách Đổi mới của Chính phủ Việt Nam thể hiện qua các hoạt động như di dân, công nghiệp hoá và đô thị hoá đã tạo ra các lực đẩy để giảm nghèo và cải thiện phúc lợi xã hội, xong lại gần như chưa chạm được tới các vùng dân tộc thiểu số”.
 
Ông Hoan khẳng định Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ điều này và kêu gọi các ngành, các cấp cùng giúp sức xây dựng Kế hoạch hành động thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước và đề xuất một cơ chế phối hợp, theo dõi đánh giá việc thực hiện các mục tiêu này giữa các Bộ, ngành và các địa phương. 
 
 
Tại diễn đàn, Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc, hoan nghênh cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và đánh giá cao thời điểm của việc xây dựng Kế hoạch Hành động này để đặt ra các mục tiêu ưu tiên cho phát triển dân tộc thiểu số như một “trụ cột trong khung kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020” của quốc gia, trong bối cảnh toàn cầu đang xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.
 
 
 “Việt Nam cần xử lý xu hướng bất bình đẳng gia tăng trong bối cảnh nước có thu nhập trung bình. Kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của Việt Nam từ giai đoạn đầu của quá trình Đổi mới cho thấy hoàn toàn có thể tránh được một sự đánh đổi giữa bình đẳng và hiệu quả kinh tế và có thể thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm dân tộc thiểu số và mặt bằng chung  bằng việc ghi nhận tính đa dạng và trao quyền cho cộng đồng như một nguồn vốn xã hội  và  sử dụng  năng lực sẵn có của cộng đồng dân tộc thiểu sổ để nắm bắt các cơ hội phát triển mới và phát huy tiềm năng của họ”,  Tiến sĩ Mehta nói.
 
 
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự diễn đàn cũng đã chia sẻ một số mô hình phát huy hiệu quả năng lực nội sinh của cộng đồng và đề xuất đưa các thực tiễn tốt này vào các chương trình, chính sách giảm nghèo và hỗ trợ vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020.
 
Các mô hình có thể kể đến là: mô hình cộng đồng làm chủ để tích hợp các nguồn vốn hỗ trợ trên địa bàn và huy động nội lực của cộng đồng dân tộc thiểu số, quản lý rừng dựa vào cộng đồng và cơ chế chia sẻ lợi ích với người dân./.
 
Hoàng Tuấn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo