Ưu tiên thúc đẩy hoạt động hợp tác tài chính APEC 2016
Đây là Hội nghị mở đầu cho các hoạt động hợp tác tài chính APEC trong năm 2016. Tại hội nghị này, bên cạnh việc kiểm điểm về kinh tế vĩ mô của khu vực và thảo luận về các chủ đề hợp tác ưu tiên của năm do nước chủ nhà Peru đề xuất, hội nghị cũng sẽ dành thời gian cho những đề xuất về cải cách tiến trình hợp tác tài chính APEC hướng tới mục tiêu thiết thực và hiệu quả.
Tại Hội nghị, các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF và ADB đã báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô, tình hình tài chính quốc tế và khu vực.
Các tổ chức tài chính quốc tế đều có chung nhận định, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn ra chậm hơn dự kiến và không đồng đều. Nền kinh tế Hoa Kỳ mặc dù có những dấu hiệu tích cực song chưa đạt được tăng trưởng như dự kiến. Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ còn thấp hơn các năm trước, chỉ đạt mức 6,3% trong năm 2016 so với 6,5% của năm 2015 (theo IMF).
Việc kinh tế Trung Quốc giảm tăng trưởng được coi là một trong những rủi ro quan trọng nhất của kinh tế toàn cầu trong năm 2016, bên cạnh những yếu tố khác như việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ, những biến động địa chính trị và việc suy giảm giá hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là giá dầu mỏ.
Nhằm thúc đẩy những nỗ lực hợp tác tài chính trong năm 2016, nước chủ nhà Peru đã đề xuất các nội dung ưu tiên trong hợp tác chính trong năm 2016, bao gồm tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, phát triển các công cụ tài chính ứng phó với tác động thiên tai và xây dựng cổng thông tin về PPP trong khu vực nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về PPP cho các nước trong khu vực.
Hội nghị cũng đã thảo luận về những kinh nghiệm của Mexico và Philippines trong việc xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính bao trùm, nghe báo cáo trình bày của ABAC về việc triển khai xây dựng cổng thông tin PPP, báo cáo trình bày của OECD về dự án BEPS và những kinh nghiệm của Mexico và Nhật Bản trong việc triển khai kế hoạch hành động BEPS của mỗi quốc gia.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã nghe báo cáo của Úc về tiến độ triển khai sáng kiến Chứng chỉ quỹ khu vực châu Á (ARFP) với việc 7 nước tham gia ARFP đã cơ bản nhất trí về các điều kiện của sáng kiến và dự kiến sẽ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác vào đầu năm 2016, mở đường cho việc triển khai ARFP trong năm 2017.
Trong nỗ lực đổi mới tiến trình hợp tác tài chính APEC, vào cuối năm 2015 tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC, các Bộ trưởng đã thông qua Kế hoạch hành động Cebu với những định hướng hợp tác dài hạn đặt ra cho 10 năm tới trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của APEC về tự nguyện và không ràng buộc.
Cũng tại hội nghị lần này, các Thứ trưởng tài chính đã tiếp tục xem xét và thảo luận về đề xuất mới về cải cách tiến trình hợp tác tài chính APEC do Úc, Canada, New Zealand và Singapore đề xuất. Những đề xuất cải cách tập trung vào việc giảm bớt những nội dung mang tính thủ tục để tăng cường thảo luận về những vấn đề thực chất được nhiều nước quan tâm, cân bằng sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế truyền thống (IMF, WB, ADB) với các tổ chức khác, đặc biệt là G20 và ASEAN, đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin với các tiến trình hợp tác khác trong APEC. Đây được coi là nỗ lực tiếp theo Kế hoạch hành động Cebu nhằm đưa tiến trình hợp tác tài chính APEC đi vào những hoạt động thực chất và hiệu quả hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho các thành viên APEC.
Tham gia với tư cách là nước sẽ chủ trì APEC trong năm 2017, đoàn đại biểu Việt Nam đã thể hiện quan điểm ủng hộ những đề xuất cải cách theo hướng giúp tiến trình hợp tác tài chính APEC trở nên hiệu quả và thiết thực hơn, đồng thời chia sẻ với các nước về một số chủ đề quan tâm và dự kiến sẽ thúc đẩy trong năm chủ trì 2017.
Trong số những vấn đề đó, đáng chú ý là nỗ lực thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của các nền kinh tế khu vực, trong đó có Việt Nam, vào dự án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của OECD, tăng cường hợp tác trong việc phát triển các công cụ tài chính ứng phó với tác động thiên tai, thúc đẩy tài chính xanh, và một số chủ đề quan tâm khác.
Nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác trong việc chuẩn bị cho APEC 2017, đoàn Việt Nam cũng đã có các cuộc gặp song phương với các đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, Úc, Peru (chủ trì APEC 2016), Papua New Guine (chủ trì APEC 2018). Tại các phiên làm việc song phương, Việt Nam cũng đã giới thiệu về các chủ đề quan tâm của Việt Nam, và đề xuất sự ủng hộ từ các đối tác trong việc chuẩn bị cho APEC 2017 nói chung và các chủ đề cụ thể nói riêng. Các đối tác đều đánh giá cao việc Việt Nam đã có sự chuẩn bị sớm các chủ đề hợp tác, và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và chủ trì APEC 2017.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Việt Nam có thể bứt phá tăng trưởng công nghiệp vào 2025
Đà Nẵng: Cần đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Yếu tố nào có thể tạo áp lực lạm phát trong năm 2025?
4 lĩnh vực được ưu tiên vay vốn 'xanh'
Năm 2025, cơ chế giao tín dụng liệu thông thoáng hơn?
Còn nhiều yếu tố tiềm ẩn tác động làm tăng CPI năm 2025