Vải thiều không còn phải lặn lội vào Nam để chiếu xạ đi Úc
Đây là cơ sở chiếu xạ thứ ba được Úc công nhận sau hai cơ sở tại TP. HCM là Công ty chiếu xạ Sơn Sơn và Công ty cổ phần chiếu xạ An Phú.
Việc công nhận chất lượng chiếu xạ của Trung tâm chiếu xạ Hà Nội giúp vải thiều có thể tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển vào TP HCM để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Úc. Từ đó, giá của vải thiều xuất khẩu sẽ giảm, cạnh tranh hơn.
Theo tính toán sơ bộ, nếu chiếu xạ và xuất khẩu tại phía Bắc, giá thành chiếu xạ vải thiều sẽ giảm từ 15 - 16 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, việc chiếu xạ tại phía Bắc cũng giảm thiểu hao hụt và hư hỏng trong quá trình vận chuyển từ Bắc và Nam.
Theo quy định của Úc, để xuất khẩu trái vải tươi của Việt Nam vào thị trường Úc phải đảm bảo 5 yêu cầu gồm: Vùng trồng, bao bì, nhãn mác, xử lý chiếu xạ và kiểm dịch.
Đối với vùng trồng, cơ sở trồng vải phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và thu hoạch đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại trên quả vải, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số.
Đồng thời, cơ sở phải lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất. Vải xuất khẩu không bị nhiễm sâu bệnh, không dính đất, không được để lẫn với các sản phẩm từ các vùng trồng chưa được cấp mã số và được đựng trong các thùng (hộp) và ghi rõ thông tin cơ sở trồng phục vụ cho việc truy nguyên nguồn gốc.Ngoài ra, vải phải được vận chuyển đến cơ sở đóng gói, được cấp mã số bằng phương tiện đảm bảo vệ sinh. Đối với cơ sở đóng gói vải, phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số.
Trước mỗi mùa xuất khẩu vải, cơ sở đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra đánh giá và công nhận đáp ứng điều kiện nhập khẩu của Úc.
Về bao bì và ghi nhãn: Bao bì đóng gói vải xuất khẩu sang Úc phải đảm bảo hạn chế việc lây nhiễm sinh vật gây hại, kẽ hở hoặc lỗ thoáng phải nhỏ hơn 1,6mm. Thùng các-tông đựng vải phải ghi rõ mã số cơ sở trồng vải, cơ sở đóng gói và cơ sở xử lý và ghi rõ bằng tiếng Anh “Treated with ionizing irradiation” hoặc “Treated with ionizing electrons” hoặc “Irradiated (food)”, và có thể in logo theo quy định đối với thực phẩm chiếu xạ trên bao bì các-tông.
Về xử lý chiếu xạ: Vải xuất khẩu đi Úc phải được xử lý tại các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận (gồm Công ty chiếu xạ Sơn Sơn và Công ty cổ phần chiếu xạ An Phú, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội) theo liều lượng quy định dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật của Việt Nam.
Và cuối cùng là yêu cầu về kiểm dịch lô vải xuất khẩu. Theo đó, lô vải xuất khẩu phải được kiểm dịch thực vật đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Úc và có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Giấy chứng nhận) do cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp, trên đó ghi rõ: “Lô quả này được sản xuất tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện nhập khẩu vải tươi vào Úc và tuân thủ quy định tại Chương trình xuất khẩu quả vải đã được chiếu xạ từ Việt Nam sang Úc”. Trong mục biện pháp xử lý trên Giấy chứng nhận ghi rõ “Liều chiếu xạ thấp nhất 400 Gy”.
Ngoài ra, ngày 14/6/2016, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNAL) có công văn số 1144/TCTHK-TTHH thông báo về việc triển khai hỗ trợ xuất khẩu vải thiều mùa vụ 2016. Trong công văn nêu trên, VNAL có thông báo sẽ giảm giá cước vận chuyển từ 10-55% (tùy điểm đến) so với giá hàng mau hỏng tại bảng giá công bố hiện tại, áp dụng cho nguồn hàng trái vải xuất đi thị trường quốc tế mà VNAL đang khai thác đường bay thẳng (giá cước trên chưa bao gồm phụ thu nhiên liệu và phụ thu bảo hiểm mà hãng đang áp dụng).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng