Thị trường

VAMC mua nợ theo giá thị trường

Trước cuối năm nay, VAMC sẽ bắt đầu áp dụng thí điểm mua nợ theo giá thị trường và hoàn toàn chuyển sang mô hình này vào năm 2016.

Theo thông tin được đăng tải trên trang web tài chính Bloomberg, từ nay đến cuối tháng sau, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ thí điểm mua nợ theo giá trị thực thay vì giá trị sổ sách từ các ngân hàng.

Từ trước đến nay, VAMC vẫn đang mua nợ xấu dựa trên giá trị sổ sách của các ngân hàng, trong khi các tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản lại theo định giá trước đây cao hơn giá thị trường hiện tại.


Trả lời phỏng vấn với Bloomberg, ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch của VAMC cho hay VAMC có kế hoạch triển khai thí điểm phương pháp mua nợ xấu theo giá trị hiện tại của thị trường trước cuối năm 2014.

Ông Hùng cho biết phương pháp mới sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu và khuyến khích các ngân hàng cho vay hơn nữa.

Đến nay, VAMC đã mua vào khoảng 97.000 tỷ đồng nợ xấu và đặt mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ nâng con số lên 200.000 tỷ đồng. Hiện tại, có tới 95% các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua có tài sản đảm bảo là bất động sản. Theo ước tính của ông Hùng, VAMC cũng sẽ bán ra tổng cộng khoảng 4.000 tỷ đồng đến cuối năm nay. Hiện tại VAMC đã bán được 3.500 tỉ đồng. VAMC cũng đặt mục tiêu trong năm 2015 sẽ tăng ít nhất là gấp đôi khối lượng nợ bán ra để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% của chính phủ.

Nói về hoạt động của VAMC trong thời gian qua, trả lời phỏng vấn báo chí, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sự hạn chế của mô hình VAMC hiện nay không chỉ đơn thuần là về mặt tài chính, mà vướng mắc đầu tiên chính là pháp luật xung quanh các quy chế liên quan tới vấn đề tài sản, quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Theo phân tích của TS. Thành, có thể thấy rằng việc thu gom nợ xấu mới chỉ là bước ban đầu. VAMC mua nợ xấu không phải để xếp vào kho mà để tập trung phân loại, đánh giá, phân tích thực trạng từng khoản nợ để xem con nợ (các doanh nghiệp) có khả năng phục hồi,  rồi cùng phối hợp với các tổ chức tín dụng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp: điều chỉnh thời hạn trả nợ, điều chỉnh hạ lãi suất. Nếu doanh nghiệp nào có phương án kinh doanh hiệu quả sẽ tiếp tục được vay vốn để phục hồi sản xuất và có cơ hội trả nợ.

Tuy nhiên, TS. Thành nhìn nhận, qua theo dõi tiến trình xử lý nợ xấu theo cách của VAMC trong một năm qua, có thể thấy bản chất vấn đề chúng ta đang bị mắc hiện nay chủ yếu nằm ở khâu pháp lý. Đây là một đặc thù rất Việt Nam khi quyền tài sản thế chấp, trong nhiều trường hợp, chưa được xác định đầy đủ.

Cụ thể, VAMC đã rất thận trọng khi chọn mua trước các khoản nợ xấu được thế chấp bằng bất động sản hoặc các công trình xây dựng dở dang. Nhưng khi tiến hành phát mãi các tài sản thế chấp này, thực tế cho thấy có nhiều vướng mắc pháp lý không dễ vượt qua được. Đây là đặc thù của Việt Nam khi quyền tài sản thể chấp liên quan đến ngân hàng chưa được xác định đầy đủ, hoặc việc chuyển giao trên thực tế đòi một chi phí hoặc thủ tục giải chấp cực kỳ phức tạp, đặc biệt khi có sự cố bất hợp tác từ chủ sở hữu hiện thời (tức con nợ).

Vnmedia
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo