Vấn đề tên lửa Triều Tiên gây tranh cãi: Điểm huyệt lẫn nhau
Việc Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch và phóng tên lửa đẩy vệ tinh lên quỹ đạo đã làm khu vực này lại trở thành tâm điểm quan tâm của cả thế giới.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã phản ứng ngay bằng nhiều biện pháp đối phó và trả đũa mới, trong đó có việc tăng cường hợp tác về quân sự và an ninh, nhưng đặc biệt hơn cả là đưa ra ý định triển khai tên lửa phòng không ở Hàn Quốc và đẩy mạnh vũ trang.
Mỹ siết chặt thêm những biện pháp trừng phạt Triều Tiên và cùng Trung Quốc bàn tính đưa ra nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Đáng chú ý không kém là việc Bình Nhưỡng chủ động đề nghị đàm phán hòa bình với Washington, cho dù đề nghị ấy đã bị Nhà Trắng bác bỏ.
Trong thực chất, những đối tác này đang tham gia một cuộc chơi chính trị an ninh mới ở khu vực, có bên chủ động và có phía bị bắt buộc.
Triều Tiên tung ra con chủ bài mới để tăng thế cho mình trong quan hệ với các đối tác khác, nhằm vào lo ngại lớn nhất của các đối tác này là việc duy trì chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời đối phó hoặc ít nhất thì cũng đề phòng khả năng Bắc Kinh điều chỉnh chính sách đối với Bình Nhưỡng.
Điều lo ngại lớn nhất của Triều Tiên là Trung Quốc thay đổi thái độ lâu nay và ngả dần về phía Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc lo ngại nhất là Triều Tiên vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng và đi đêm với Mỹ, bởi như thế Trung Quốc vừa bị mất vai trò lại vừa bị nguy hại trực tiếp về an ninh.
Mỹ chủ trương vừa phân hóa Trung Quốc với Triều Tiên vừa thúc ép Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng đặc biệt của mình để gia tăng áp lực với Triều Tiên. Bên này nhằm vào và tận dụng điểm yếu của bên kia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo