Vận tải biển Việt Nam chìm dần
Theo tính toán của Cục Hàng hải Việt Nam, vận tải biển là lĩnh vực quan trọng nhất trong logistics, có tới 90% hàng hóa xuất nhập khẩu ở nước ta đi qua đường vận tải biển. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng chuyên chở được 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phần còn lại đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Do các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển ở Việt Nam còn là những doanh nghiệp nhỏ, hạn chế về năng lực, vốn ít… nên khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giảm, các doanh nghiệp này lập tức có nguy cơ mất cân đối tài chính.
Tài chính bất ổn
Nhiều chủ tàu đã phải bỏ tàu trốn nợ ngân hàng. Mới đây, chủ tàu Dynamic Bright và tàu Đại Phát đã cầm cố tàu để vay tiền của công ty cho thuê tài chính II của Agribank (ALCII). Tới kỳ trả nợ, ALCII đợi mãi vẫn không thấy chủ nợ đến thanh toán, đành “chạy bổ” đi tìm - mới hay, tàu đã bị bỏ mặc ở khu neo đậu Ninh Tiếp (Cát Hải – Hải Phòng). Không chỉ ở Hải Phòng mà tại Nam Định, Quảng Ninh cũng xảy ra nhiều trường hợp tương tự.
Một tàu của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam
Theo báo cáo của Cục hàng hải Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải, đến tháng 8/2012, cả nước hiện có 43 tàu đang neo đậu lâu ngày trong vùng nước cảng biển từ năm 2007-2008, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có 14 tàu, Quảng Ninh có 3 tàu, Hải Phòng 4 tàu… Số lượng tàu biển neo đậu dài ngày không hoạt động đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ tàu và người thuê tàu không có nguồn hàng, giá cước giảm mạnh, trong khi chi phí vận hành tàu tăng. Khó khăn của doanh nghiệp vận tải đã kéo theo khó khăn cho ngân hàng, tình trạng nợ xấu của các ngân hàng, các công ty cho thuê tài chính ngày càng cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 2011 tổng dư nợ cho thuê tàu của 8 công ty cho thuê tài chính trong nước là hơn 8.700 tỉ đồng.
Cần cơ chế cho cả chủ và tàu
Một chuyên gia trong ngành vận tải hàng hải cho biết: Tình trạng khó khăn của các chủ tàu vận tải biển đa số là các cty tư nhân. Dự tính, hiện có đến 60% lượng tàu biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... không hoạt động. Nhiều doanh nghiệp bán tàu để trả nợ với giá rất rẻ, song cũng khó tìm được người mua. Theo chuyên gia này, để xảy ra tình trạng bi đát trên, ngoài các nguyên nhân khách quan là nền kinh tế khó khăn – còn có nguyên nhân chủ quan. Vì việc đầu tư tàu vận tải biển cần nguồn vốn rất lớn và không ai có thể đủ nguồn vốn tự có để thuê mua tàu - mà đều phải vay ngân hàng và doanh nghiệp phải tự xoay sở. Trong khi nước ta chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ các chủ tàu trong việc cho vay lãi suất ưu đãi; cũng như chưa có hệ thống giám sát chặt chẽ giá trị thực của con tàu, các doanh nghiệp phải thuê mua tàu của các công ty tài chính với giá rất cao, và phải chịu lãi suất cao. Mặt khác, hiện nay dù không hoạt động, nhưng các doanh nghiệp hoặc chủ tàu vẫn phải đóng phí neo đậu hàng ngày cho các con tàu, trong khi các nước trên thế giới, để khuyến khích tàu cặp bến, họ gần như không thu phí neo đậu tàu, mà họ chỉ thu thông qua dịch vụ khác.
Nhà nước cần ban hành quy chế định giá lại những con tàu biển.
Để cứu đội tàu biển quốc gia - giải pháp cấp bách lúc này là nhà nước nên có cơ chế tài chính riêng biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển giữ lại tàu hoặc mua lại tàu, nhất là những doanh nghiệp vẫn còn năng lực tốt, còn đang cầm cự để hoạt động. Đồng thời, nhà nước cần ban hành quy chế định giá lại những con tàu biển.
Theo chủ một công ty vận tải biển ở Hải Phòng cho biết: hiện giá tàu đã giảm 40% - 50%, nếu cộng với khấu hao tài sản đã sử dụng nhiều năm thì giá trị thực của con tàu còn thấp hơn nữa, nhưng các công ty tài chính không định giá lại, mà cho thuê nguyên giá thì không ai dám thuê mua lại tàu. Hơn nữa với lãi suất vay 15%/năm hiện nay, thì doanh nghiệp vận tải rất khó làm ăn có đủ lãi để trả lãi vay ngân hàng…
Như Trâm (Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo