Vẫn xẻ thịt thú hoang dọc đường hành hương
Vì sao mà hàng trăm, hàng nghìn lễ hội tưng bừng trên cả nước Nam này, chỉ có chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) là khủng khiếp, đau đầu, không tài nào khắc phục nổi cái nạn xả thịt thú rừng, máu me be bét, đầu lâu, xương sườn, lòng dồi tim gan động vật tóe loe mãi ra như thế? Vì sao cả Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đủ các ban ngành trung ương, các tổ chức bảo tồn danh tiếng, rồi huyện, xã đều vào cuộc, mà chuyện bày bán “thú rừng” nơi cửa Phật… đâu vẫn còn nguyên đấy?
Bi đát, hổ thẹn cứ “lồi lồi trôi ngược” năm này qua năm khác - vì sao? Vì nhiều lẽ lắm, nhưng cái lẽ chính thì ai cũng biết, dù chẳng dám, hoặc chẳng nỡ, hoặc ngượng mồm không chịu nói ra: Vì tiền! Vì giá bán các cửa hàng, các vị trí “xả thịt thú rừng” ở Chùa Hương lên đến vài chục, vài trăm triệu đồng cho một mùa hội, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Năm 2014 này, PV Lao Động và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tiếp tục đi điều tra, thống kê: Máu của thú hoang vẫn chảy nơi cửa Phật, minh chứng cho những lời nói dối.
“Thú rừng” giả và máu “thú rừng” làm giả
Mùa lễ hội năm 2014 này, cũng như từ mấy năm đằng đẵng vừa qua, hai cụm từ “thú rừng” và “Chùa Hương” lại tiếp tục nóng ran trên báo chí và dư luận. Thật đáng sợ, cách đây hơn 4 năm, trên Lao Động, tôi đã thực hiện phóng sự ảnh “Kinh hoàng nạn xả thịt thú rừng ở Chùa Hương”, với các bức hình đã chụp rồi không dám tin, đã xem rồi phải xem lại vì tưởng mình hoa mắt. Ngay vùng trung tâm lễ hội, một bước chân nữa đến cửa Phật theo đúng nghĩa đen, giữa lễ hội quốc gia (nay thuộc) thủ đô Hà Nội, từng con nai, hoẵng, cầy, cáo, nhím, sóc (gắn biển “thú rừng” hẳn hoi) đồng loạt bị treo mõm, để nguyên lông lá, xả từng tảng thịt ra bán, máu chảy ròng ròng.
Con nai to như con bò, người ta mổ moi lôi bộ lòng con vật ra, rồi cứ thế “tùng xẻo”, máu me hứng vào một cái chậu tanh tưởi. Đồ tể rúc cả mình vào trong bụng con vật bị hành quyết mà xẻo. Khách đều hí hửng, ăn chán thì làm một tảng mang về nhà nhậu tiếp. Bấy giờ vài tờ báo bày tỏ quan điểm bức xúc, nói rõ sự phản cảm và mức độ trầm trọng của việc đồng loạt ngót trăm cái cửa hàng bán thú rừng ở nơi “Thoảng bên tai một tiếng chày kình/khách tang hải giật mình trong giấc mộng” (thơ Chu Mạnh Trinh). Giấc mộng đó, rồi cả sự thoát tục, sự thơ thới an nhàn khi đến cửa Phật đẹp và thiêng liêng “đệ nhất nước Nam” này, liệu có còn không?
Nhiều nhà báo, nhiều chuyên gia bảo tồn động vật đã rất hy vọng có sự giác ngộ, xấu hổ của ai đó có trách nhiệm, để có thể chuyển biến tình hình. Trước lễ hội 2014, Truyền hình Việt Nam có mời người viết bài này và GS-TS Đặng Hoành Loan nói chuyện về lễ hội, rồi các phỏng vấn ở các chương trình sau đó nữa, chúng tôi đều thẳng thắn nói về “chi tiết” này: Không thể chấp nhận được nếu còn tái diễn máu me be bét, thịt thà vương vãi, thú treo cả con đỏ đòng đọc máu da, lông, thịt, xương nhầy nhụa nơi “cửa Phật”. GS Đặng Hoành Loan dùng đến cụm từ “tín đồ bẩn” để chỉ một ai đó đi chùa, quản lý chùa, liên quan đến lễ hội của nhà Phật mà lại dung dưỡng, tiếp tay, hưởng ứng việc giết thú hoang, giết động vật kiểu tùng xẻo tàn độc như vậy.
Tôi bảo, con gà ta nuôi rồi ta thịt, người Việt Nam cũng có người ngại cắt tiết, người mổ thịt cũng an ủi nó “tao hóa kiếp cho mày”, ý rằng ta tạo điều kiện cho mi sang một kiếp khác sung sướng và đáng mong chờ hơn. Việc treo một con vật lên dây, lên móc rồi tùng xẻo, rồi moi lòng, rồi ngắm nghía ngã giá, rồi hứng máu me, rồi để con vật dạng tay dạng chân cho hàng vạn người ngắm xả thịt… là rất dã man khi “ông đi qua” cầu Phật, “bà đi lại” lễ chùa. Chuyện lại xảy ra ở ngôi chùa quy mô, danh tiếng, mỹ miều, nơi tổ chức lễ hội cấp quốc gia suốt 3 tháng ròng!
Báo chí lên tiếng ra rả suốt hàng nghìn ngày qua, chắc chắn không một ai thống kê được số bài báo, số ý kiến, số người thất vọng và hoang mang vì cái sự thực đáng sợ kia. ENV - một tổ chức uy tín của Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam - đã mấy mùa lễ hội qua cử hàng chục “điều tra viên” liên tục đeo bám chụp ảnh, ghi âm, thống kê các nhà hàng bán thịt thú rừng, chụp từng cái thực đơn, cái hóa đơn thanh toán ghi rõ “thú” loại gì; chụp cả các loài thú hoang từ lúc đang sống cho đến khi bị “hành hình” rồi treo lủng lẳng. Suốt mùa lễ hội năm 2013, ENV bám trụ, ngày nào cũng có người giả dạng khách hành hương, thay cả nhân viên, thay cả trang phục để “thọc sâu bám rễ”, rồi họ yêu cầu lực lượng liên ngành đi kiểm tra đột xuất, bắt giữ, xử lý.
Cuối cùng, họ có thông cáo gửi báo chí, gửi “Ông Hoàng Mạnh Sơn - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức”, gửi tiếp lên “Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội”. Theo đó, chỉ trong 2 ngày 21 và 22 tháng 2.2013, các “chiến binh” của ENV (toàn nam thanh, nữ tú trẻ măng) đã ghi nhận được 46/50 nhà hàng công khai quảng cáo bán thịt động vật hoang dã (ĐVHD), chiếm 92%. Họ bán từ dọc suối Yến, bán ngược lên tít tận cửa Thiên Trù! 9 cuộc khảo sát quy mô, đầy đủ sau đó, cũng ghi nhận kết quả tương tự. Nhiều nhà hàng còn bán cả rùa, sóc, nhím còn đang sống; giấy phép kinh doanh được cấp phép một đằng buôn bán một nẻo, và không thấy ai sờ gáy bao giờ.
Quyết liệt hơn, ENV đề nghị được đột xuất đi kiểm tra cùng kiểm lâm huyện Mỹ Đức, “ghé thăm” 17 nhà hàng thì có 7 “tụ điểm” không có giấy phép kinh doanh ĐVHD, giấy phép một đằng “giết mổ” một nẻo. Trước sân chùa, có tới 5/7 nhà hàng vẫn ngang nhiên treo móc ĐVHD lên bán, bất chấp sát cạnh đó là trụ sở công an. UBND TP.Hà Nội đã giao Sở NNPTNT phối hợp với Sở Công thương, Công an TP.Hà Nội, huyện Mỹ Đức tổ chức kiểm tra theo kiến nghị của ENV. Thậm chí, cả một chốt liên ngành, gồm cả cảnh sát môi trường còn về gần khu trung tâm làm việc suốt ngày đêm, suốt thời gian mấy tháng lễ hội dài đằng đẵng.
Tuy nhiên, sau đó, ENV bí mật trà trộn vào du khách, tiếp tục điều tra và kiến nghị, rằng tình trạng vẫn… “mèo lại hoàn mèo”. Thậm chí, ENV tổ chức căng hàng loạt pano rất ý nghĩa, vừa có không khí lễ lạt hội hè, lại vừa bảo tồn ĐVHD treo dọc suối Yến: “Đầu năm tích đức - cả năm an lành. Hãy cứu lấy các loài động vật hoang dã bằng cách không tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng. Nếu ai phát hiện… hãy gọi Đường dây nóng miễn phí: 18001522”. Nhiều người thích thú, ủng hộ, xúc động trước việc làm quyết liệt và tử tế của ENV. Tuy nhiên, được ít ngày thì “thế lực” nào đó đi gỡ hết các tấm pano kia xuống! Anh chị em đành ngậm ngùi đi chụp các bức ảnh người ta gỡ pano lấy vật liệu quây quầy hàng!
Phía sau cảnh động vật rừng bị “bêu xác” là cái gì?
Ngày 18.2.2014, ông Douglas Hendrie - một chuyên gia bảo tồn tâm huyết người Mỹ đang làm cố vấn cho ENV và bà Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc ENV cùng các “điệp viên” chống lại tình trạng giết hại động vật ở Chùa Hương rủ tôi lên đường “trẩy hội”. Phải nói rằng, chiến dịch làm “thanh sạch” lễ hội năm qua của ENV đã nhận được sự ủng hộ lớn trong dư luận, báo chí, song ở góc độ hiệu quả thì vẫn như húc đầu vào đá. Vừa đến bãi ôtô, tức là khu bến đò để chuẩn bị đi dọc suối Yến, ông bạn Tây của tôi đã choáng váng không biết ngồi đâu, ăn ở đâu, nói gì, khi mà nhìn đâu cũng thấy động vật bị tàn sát, chủ quán xưng xưng giới thiệu thú rừng, cầy hương, chồn cáo “rừng xịn 100%”. Con vật nhia răng trắng nhởn, sạch lông, thui vàng, để “nguyên chiếc” trên khay, trông rất rùng rợn.
Tôi, Nguyễn Phương Dung, Nguyễn Văn Quân (Trưởng ban Động vật hoang dã của ENV) và mấy bạn PV đi khảo sát cả một ngày. Trở về, các thước phim, ảnh và các bản báo cáo nói rất ngắn gọn và biểu cảm: Mọi thứ vẫn như năm ngoái và những năm trước. Tức là tận sân Thiên Trù, thịt nhím, sóc, hươu, nai vẫn bày bán, trưng biển (đầy thách thức!) hẳn hoi.
Trong ngày 18.2.2014, trong 45 nhà hàng được khảo sát điều tra, thì 37 “địa chỉ” vô tư bán thịt động vật mà hầu hết chủ nhà hàng đều khẳng định chắc nịch, rồi biển hiệu ghi rõ là ĐVHD. “Nét mới” duy nhất là năm nay một số nhà hàng có để thú rừng sau lớp kính mờ mờ. Mờ một chút thôi, vẫn quá đủ bắt mắt. Nhiều nhà hàng thái sẵn các khay thịt thú đỏ đọc, vàng ruộm rồi cắm “biển” thịt nai, thịt sóc, thịt nhím, thậm chí thịt “rừng” hẳn hoi. Đặc biệt, phớt lờ công văn của UBND TP.Hà Nội, rất nhiều nhà hàng vẫn treo cả con nai, con hươu to như… thây người, lông đầu lông đuôi còn nguyên, con vật tội nghiệp bị mổ phanh, tứ chi bị đẽo gọt nham nhở đỏ quạch máu, xương sườn cái bị “gặm”, cái còn nguyên lớp da thui vàng. Cảnh tượng trông còn kinh dị hơn năm trước.
Năm 2013, đủ các động thái của cơ quan chức năng, từ bộ, đến UBND TP.Hà Nội, đến huyện, xã và các tổ chức bảo tồn danh tiếng nhất, cơ bản đều thất bại trước sức mạnh của “thế lực” quyết định việc bán thịt động vật một cách tàn nhẫn và phản cảm ở khu vực lễ hội Chùa Hương. Bộ Tài nguyên - Môi trường có công văn yêu cầu chấn chỉnh, khuyến cáo không tiêu thụ động vật hoang dã. Thứ trưởng Bộ VHTTDL có công văn tương tự. Phó Chủ tịch UBND Hà Nội có công văn yêu cầu tất thảy cán bộ, bà con “nói không với các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD nguy cấp”.
Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội và hàng loạt ban ngành vào cuộc, thậm chí họ còn liên kết thành lập các chốt chống lại nạn xẻ thịt ĐVHD nơi cửa Phật. Năm nay, trước lễ hội, các nhà báo rồi ENV đã rất vui mừng khi thấy bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - ký công văn yêu cầu “xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp kinh doanh động vật hoang dã quý hiếm”, không để tái diễn tình trạng treo móc động vật nguyên con, cả tảng, tươi sống trong lễ hội Chùa Hương”. Tuy nhiên, đến cuộc họp báo trước lễ hội, thì ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2014 - đã dội gáo nước lạnh vào niềm mong mỏi lương thiện của nhiều người.
Ông cho biết, sẽ vẫn phải treo thú lên thôi, vì đó là “cách bảo quản truyền thống”. Phải treo mới đảm bảo chất lượng, đảm bảo cả số lượng thịt thà chừng 3 tấn để phục vụ tới 60.000 thực khách trong mỗi ngày! Ông này còn nói nhiều câu rất “ngộ nghĩnh”, khiến các chuyên gia bảo tồn chỉ còn bịt mũi cười, rằng: Nếu không cho “treo” động vật lên, thì Ban tổ chức “rất khó quản lý”, và năm nay họ chỉ có thể chỉ đạo treo thế nào để “bắt mắt(?), không phản cảm” (từ ngữ trích nguyên văn). Báo chí trích dẫn: Có thể treo hành, ớt, tỏi các thứ để ngụy trang cho xác thú nó bớt phản cảm. Phải nói, đây là những ý tưởng và từ ngữ khiến bất kỳ ai cũng phải… giật mình!
Lời giải cho bài toán nằm ở đâu? Ở tiền, tôi và nhiều người nghĩ như vậy. Bản thân ENV cũng đã có nhiều cuộc phỏng vấn cho kết quả tương tự. Người viết bài này cũng bật máy ghi âm ghi lời nói trung thực của những người kinh doanh ăn uống ở trước Thiên Trù. Họ bảo, tết ra, thịt thà, gà lợn, bánh trái, một số dân “hành hương” chán ngấy rồi, họ thích ăn thú rừng. Đặc biệt là các hàng quán ở đây đã trở thành “điểm hẹn” treo xác, xẻ thịt để ăn và khênh thịt thú mang về rồi. Vì thị trường “đến hẹn lại lên” này nó béo bở thế nên họ phải “đấu thầu”, mua bán chỗ rất phức tạp và tốn kém, có thể một đến vài trăm triệu một chỗ bán hàng trong một mùa hội(!).
Có con số đưa ra là: 400-500 triệu đồng/suất. Chúng tôi không bình luận về điều này, chỉ thông tin thêm rằng, con số chính thức mà ông Trưởng ban Nguyễn Văn Hậu đưa ra với báo giới đã đủ để choáng rồi: Giá ban đầu vài chục triệu đồng/chỗ bán hàng, sau họ mua đi bán lại, đến người kinh doanh cuối cùng có thể ở mức 200-300 triệu đồng/chỗ. Mấu chốt câu chuyện nằm ở đây: Liệu những người nhận tiền có dám phản đối việc kinh doanh “phát đạt” của những người đã bỏ vài trăm triệu ra mua một “chỗ ngồi” bán hàng kia nữa không? Điều này lý giải vì sao ngay gần trụ sở cơ quan quản lý, mặc báo chí kêu ra rả như ve mùa hạ ở Hương Tích, người ta vẫn vô tư treo động vật bán, xẻ thịt hoang thú bán(?!). Câu chuyện ở đây là sai phạm/phản cảm diễn ra, họ không muốn xử lý, chứ không phải là xử lý mà không được.
Năm 2013, con số có thể thống kê được, tạm công bố là huyện Mỹ Đức thu 80 tỉ đồng từ lễ hội Chùa Hương. Cuộc chiến “tiền lẻ” đã bị đẩy lên đỉnh điểm trên cả nước, lên tận Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, làm thay đổi cả quan điểm về việc in tiền lẻ… cũng chỉ vì những đoàn xe tải chở tiền nhiều tỉ đồng ra khỏi Chùa Hương! Lắm kỷ lục buồn “phát tích” từ lễ hội khổng lồ này. Nhiều người không lý giải nổi, rằng tại sao chuyên gia quốc tế và Việt Nam đều khẳng định nhiều loại thú bày bán ở Chùa Hương là ĐVHD 100%, trong khi những người có trách nhiệm lại cứ khăng khăng tất thảy chúng là thú nuôi.
Liệu có ai từng nghe nói dân ta nuôi hàng loạt sóc để bán ra thị trường giết thịt không? Có ai tin sóc bán la liệt, cả con sống lẫn con chết là sóc nuôi không? Quan trọng hơn nữa, các chủ nhà hàng, các biển hiệu đều nói rằng họ bán thú rừng, treo cổ thú rừng lên hành quyết, thì riêng việc quảng cáo bán thịt động vật hoang dã đã đủ để vi phạm luật pháp. Khoản 9, điều 12, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 29/2004/QH11: “Nghiêm cấm hành vi vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, xuất khẩu động vật rừng trái với quy định của pháp luật”. Do đó, mọi hành vi quảng cáo, trưng bày trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ chúng đều là vi phạm pháp luật.
Thật ra thì việc vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng của chúng ta còn nhiều. Chỉ có điều, cái nực cười, cái bất bình lớn xung quanh việc treo, móc, hành quyết, bêu đầu bêu xác động vật và ĐVHD ở khu vực Chùa Hương nó nằm ở chỗ hơi khác. Ở chỗ, người ta cứ ngụy biện, cứ dối trá, cứ có dấu hiệu bảo kê cho các hành vi sai trái, hành vi “khó tin nhưng có thật” kia một cách rất hài hước, rất đáng xấu hổ.
Lẽ ra, các bức ảnh chúng tôi chụp ở lễ hội chùa Hương 2014 dưới đây đã nói hết tất cả rồi. Giờ chỉ nói thêm: Chốn cửa Phật thiêng liêng kia không nên làm những điều vấy bẩn. Và các bộ ngành, các quan chức khả kính đã lên tiếng, hàng nghìn tác phẩm báo chí đã kịch liệt lên án nhiều năm, thì dù “chuyển nhượng” vị trí bán hàng giá vài trăm triệu/suất, cơ quan quản lý ở địa phương cũng vẫn phải nể nang chuyện “quan trên trông xuống người ta trông vào” chứ? Cứ trây ì, cãi chày cãi cối hoặc “im lặng là vàng” một cách rất đáng xấu hổ. Nam mô A Di Đà Phật!
Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo