Thị trường

Vàng giả đang xâm lấn thị trường Việt

(DNVN) - Dù vàng giả phát hiện chưa nhiều, nhưng gần đây có khá nhiều tiệm vàng ở các địa phương bị lừa mua vàng giả của Trung Quốc, gây thiệt hại lớn khiến dư luận xôn xao.

Mới đây, thông tin một tiệm vàng ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) “dính” cú lừa mua phải vàng giả trị giá 10 tỉ đồng khiến giới sản xuất, kinh doanh vàng chấn động.

Theo thông tin điều tra ban đầu, vào 9h ngày 2/12, một nhóm gồm ba người nước ngoài và một thông dịch viên nữ người Việt đã đến tiệm vàng N.P (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) để bán gần 60 kg vàng cám với giá hơn 10 tỉ đồng.

Sau khi chủ tiệm vàng cho nấu thử một số vàng cám thì xác định là vàng thật nên giao tiền.

Sau khi lấy đủ hơn 10 tỉ đồng tiền mặt, nhóm này rời đi thì chủ tiệm vàng N.P mới phát hiện bị lừa nên đã trình báo cơ quan công an.

Được biết, nhóm người trên đã được cơ quan công an xác định là ba người Trung Quốc.

Trước đây, nhóm người này từng hai lần đến tiệm vàng N.P bán vàng cám tương tự như trên nhưng số lượng ít. Cả hai lần nhóm này thuê hai thông dịch Việt Nam. Qua hai lần giao dịch, tiệm vàng N.P kiểm tra xác định là vàng thật nên đã từng mua.

Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ 2 trong số 5 nghi can gây án khi chúng đang trên đường chạy về khu vực biên giới với Campuchia.

Trước đó, thông tin vàng được làm giả tinh vi tại Hạ Long (Quảng Ninh) cũng đã gây hoang mang dư luận. Anh T.Q.P, chủ một tiệm vàng ở phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long kể trên báo Tuổi Trẻ, anh mua 7 lượng vàng nguyên liệu từ 2 người khách. Hơ qua lửa đèn khò thấy sản phẩm không bị đen mà chỉ hơi sạn, anh nghĩ đó là vàng thật kém chất lượng nên mua. Sau đó, kết quả phân kim cho thấy, vàng này chỉ có 50% vàng nguyên chất, 50% là vonfram.

Anh Đ., chủ một tiệm vàng khác ở Hạ Long cũng mua phải 3 lượng vàng kém chất lượng. Trên báo này, anh Đ. cho biết dùng đèn khò thấy có sạn trong vàng. Khi nấu nguyên cục, lật ngược, anh thấy có màu trắng, đổ lại thành vàng nguyên khối, đưa vào máy đo quang phổ không ra kết quả.

Vàng giả hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam theo đường xách tay
Vàng giả hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam theo đường xách tay.

Cách phân biệt vàng giả

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp vàng, thời gian trước đây, vàng giả được nhận định chủ yếu là làm từ vonfram và dễ dàng bị các tiệm vàng phát hiện bằng các phương pháp kiểm tra. Tuy nhiên, hiện nay, vàng giả lại tái xuất với mức độ tinh vi hơn, thậm chí vàng giả có thể qua mặt nhiều loại máy móc.

Nên đọc

Mới đây, Tập đoàn VBĐQ DOJI đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhất trên mẫu vàng giả thu được trên thị trường vừa qua. Ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, nghi vấn chất đưa vào vàng không phải vonfram thông thường vì vonfram thông thường khó hòa tan trong vàng với hàm lượng lớn, đồng thời nó có thể bị phát hiện khi nấu chảy khối vàng ra. Khả năng đây có thể là một dạng hợp kim của một số kim loại thuộc nhóm nguyên tố nặng như: Ir (Iridium), Os (Osmium), W (Volfram), Ru (Ruthenium), Pd (Paladium)...

Vật liệu này có thể hòa tan một phần trong vàng nên có thể pha trộn với tỷ lệ cao hơn và khó bị phát hiện bằng phương pháp thông thường hoặc máy phổ X-quang. Tuy nhiên khi pha trộn vào vàng, chúng vẫn tồn tại ở dạng hạt nhỏ nên sau khi phân kim có thể tách riêng chúng ra và thu được các hạt kim loại.

Về phương thức làm vàng giả tinh vi, ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty Vàng Agribank, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam cho biết trên trang Zing, vonfram được nghiền dưới dạng bột rất mịn và được trộn khi vàng nóng chảy. Sau đó, lớp bọc bên ngoài là vàng nguyên chất. Thông thường, tỷ trọng giữa vàng và vonfram không được quy định, dao động 50:50, 60:40, 70:30… Tỷ trọng kim loại trộn kèm càng cao, vàng càng kém nguyên chất.

 

Theo ông Trúc, cách làm giả này thực ra không khó vì khi nghiền vonfram dưới dạng bột thì mỗi hạt chỉ có kích thước vài micromet được trộn vào vàng đang nóng chảy, sau đó được bọc vàng nguyên chất thì khó có thể phát hiện ra.

Hiện nay, hầu hết các tiệm vàng đều áp dụng phương pháp dùng đèn khò đốt để phân biệt vàng thật, giả được. Nhưng, theo các chuyên gia, cách này thường không chính xác 100%.

Theo ông Trúc, những cách phân biệt vàng thật, giả thường được áp dụng là tỷ trọng, huỳnh quang tia X và phân kim. Với vàng trộn vonfram theo cách như trên, phương pháp tỷ trọng khó có thể phát hiện ra. Thậm chí, việc dùng huỳnh quang tia X đôi khi cũng không phát hiện được vàng nguyên chất hay pha trộn vì tia này chỉ bắn được chuyên sâu dưới 1 mm, không vào được lớp có bọc vonfram. Do vậy, cách tốt nhất là cần cắt thỏi vàng ra, dùng lửa khò thật kỹ. Nếu như vàng tan mà vẫn còn lớp bột ráp bám trên bề mặt cắt thì nhiều khả năng là vàng đã bị pha trộn kim loại khác.

Còn theo Giáo sư Phan Trường Thị, cách để nhận biết độ nguyên chất của vàng nhanh và chính xác nhất là đo bằng máy phân tích, phân kim.

Tuy nhiên, để tránh mua phải vàng giả, người dân nên chọn mua những cửa hàng vàng của các thương hiệu lớn. Đặc biệt, khi mua vàng miếng, cần chọn mua những loại vàng miếng SJC bởi đây là vàng của các doanh nghiệp được kiểm chứng chất lượng.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vàng cần thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và các phương pháp kiểm tra đo đạc khác nhau để giám định và đánh giá chất lượng tuổi vàng như: soi bề mặt, đo tỉ trọng, phổ kế X-quang có độ chính xác cao. Khi cảm thấy nghi vấn nhưng chưa đủ điều kiện trang thiết bị máy móc cho việc giám định thì nên tới các đơn vị có đủ điều kiện tiêu chuẩn, sử dụng các thiết bị kĩ thuật cao để giám định sâu hơn.

An Nhi (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo