Vầng Trăng Khuyết 2015: Nghị lực phi thường của cô giáo trẻ Nguyễn Minh Tâm
"Hạnh phúc luôn ở phía trước, hãy mạnh dạn dấn bước để nắm bắt lấy nó vì lối đi ở ngay dưới chân mình" là những gì cô giáo Nguyễn Minh Tâm (sinh năm 1986, Ấp Tịnh Đông – xã Tịnh Thới – Thành phố Cao Lãnh – tỉnh Đồng Tháp) tâm niệm sau tất cả những biến cố xảy ra trong cuộc đời.
Năm 2008, cô giáo Nguyễn Minh Tâm tốt nghiệp đại học và trở thành cô giáo dạy toán đúng như nguyện vọng. Được phân công về một trường huyện và Minh Tâm luôn cảm thấy vui và hạnh phúc vì được đứng trên bục giảng.
Nhớ lại phút định mệnh đã khiến cô từ người khỏe mạnh, bình thường trở thành người mất đi bên chân trái, cô giáo Nguyễn Minh Tâm cho biết: "Chiều hôm ấy, tôi đến nhà một em học sinh để vận động em đến trường, trên đường về thì tai nạn xảy ra. Tai nạn bất ngờ đã lấy đi của tôi một bên chân trái. Khi tôi tỉnh dậy trên giường bệnh, thì bao nhiêu dự định, bao nhiêu ước mơ đều tan biến hết. Nó ra đi cùng với một chân của tôi, ra đi khi vừa mới… bắt đầu."
Tưởng chừng những dự định, ước mơ còn dang dở của cô giáo trẻ sẽ khép lại sau vụ tai nạn bất ngờ. Nhưng vượt lên số phận, cô giáo Nguyễn Minh Tâm đã vươn lên bằng nghị lực phi thường, bằng tình yêu và lòng đam mê da diết với nghề giáo.
Trong đó, không thể không kể đến nguồn cổ vũ động viên lớn lao từ bàn tay tảo tần của mẹ, từ những lời chia sẻ chân thành của đồng nghiệp và những ánh mắt như chờ đợi, tha thiết mong cô giáo sớm trở lại của những học sinh thân yêu...
"Đó là hạnh phúc đồng thời là động lực để tôi đứng dậy. Tôi hiểu rằng cuộc sống của mình chưa phải là đường cùng, tôi phải tiếp tục sống tự tin và mạnh mẽ để không phụ lòng mọi người." cô giáo Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.
Trong những tháng ngày nằm viện điều trị, trăn trở, suy nhĩ, cô giáo Minh Tâm hiểu ra rằng, trong cô luôn có một sự khao khát được đứng lớp, muốn được cống hiến hết khả năng của mình cho giáo dục.
Dù nghị lực là thế, và hiểu rõ sứ mệnh thiêng liêng của người lái đò, nhưng thật khó khăn để bắt đầu và thích nghi với đôi chân quen mà lạ. "Tôi từng nghĩ rằng nếu phải chống nạng để được đi dạy, tôi cũng chấp nhận."
Sau khi xuất viện, cô giáo Nguyễn Minh Tâm trở về trường tiếp tục sự nghiệp giảng dạy. Để bắt đầu lại, cô giáo trẻ đầy tâm huyết ấy đã gọi các em học sinh yếu kém đến để dạy miễn phí. Lúc đầu, do đi lại chưa quen, nên cô giáo Tâm vẫn phải chống gậy để đến lớp.
"Những ngày đầu luyện tập đi chân giả, tôi vừa đau vừa vất vả nhưng nghĩ đến lúc mình có thể đi lại thuận tiện, tôi càng quyết tâm hơn...Có lúc tôi sợ những học sinh cá biệt có thể trêu chọc, thậm chí bắt chước dáng đi của tôi. Tôi cũng sợ ánh mắt ái ngại của phụ huynh khi họ thấy một giáo viên khuyết tật dạy con mình…" Cô giáo trẻ tâm sự.
Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, người giáo viên đầy bản lĩnh quan niệm rằng những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. "Tôi dạy các em bằng cả tấm lòng của mình, bằng tất cả tình thương, nhiệt huyết của một giáo viên trẻ yêu nghề và có trách nhiệm."
Những trái ngọt đã thành quả từ một hạt giống tốt, dần dần cô giáo Tâm tạo được ấn tượng tốt với các em học sinh. Chính vì điều đó mà càng ngày người giáo viên trẻ ấy càng cảm nhận được lòng kính yêu của các em và thái độ chăm chỉ học tập.
"Tôi cũng nhận được sự tin tưởng của phụ huynh học sinh và cả lãnh đạo nhà trường khi kết quả học tập của học sinh mà tôi dạy được nâng cao.". Chia sẻ về cuộc sống gia đình, cô giáo Minh Tâm cho biết: "Cuộc sống của hai mẹ con trước đây đã gặp khó khăn, càng thêm phần khó khăn sau khi tôi bị tai nạn. Mẹ thì đã già, chỗ ở lại chưa ổn định, tôi trở thành lao động chính để xoay xở cho cuộc sống của hai mẹ con."
Và sau bao năm vất vả và cố gắng hơn người bình thường cô giáo trẻ đã tích góp, chắt chiu từ những đồng lương giảng dạy cũng như được sự giúp đỡ của người thân, họ hàng, cô giáo Tâm đã mua được đất và xây dựng được ngôi nhà khá khang trang cho mẹ.
Bên cạnh đó, để chứng minh mình là một giáo viên có năng lực chuyên môn cô giáo Nguyễn Minh Tâm đã hai lần dự thi và đạt giáo viên dạy giỏi của trường và còn tham gia vào các buổi sinh hoạt câu lạc bộ hoặc những hội thảo của trường tổ chức. Hiện tại cô giáo Nguyễn Minh Tâm đang đăng ký theo học lớp cao học để nâng cao chuyên môn.
Gửi gắm thông điệp về những khó khăn, chia sẻ với cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết", cô giáo Nguyễn Minh Tâm luôn trăn trở: "Nếu là người không khuyết tật bạn sẽ không bao giờ thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi mà phụ nữ khuyết tật phải trải qua trong cuộc sống, nhất là trong vấn đề hôn nhân. Là phụ nữ ai chẳng muốn được làm vợ, làm mẹ. Với phụ nữ khuyết tật niềm khao khát ấy còn mãnh liệt hơn rất nhiều."
Theo tôi, mỗi người đều có quyền chọn cho mình một cách sống, một hướng đi và phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. “Hạnh phúc là bằng lòng với những gì mình có. Tôi hạnh phúc khi có những người thân để yêu thương và chia sẻ."
Tôi hạnh phúc khi bạn bè, đồng nghiệp, các em học sinh luôn bên cạnh. Tôi hạnh phúc khi mình làm được những điều bình thường: tôi có thể tự đi lại được, tự chạy xe gắn máy, tự tin khi đứng trên bục giảng... Hạnh phúc với tôi được gom nhặt từ những điều nhỏ bé, giản dị xung quanh. Tôi dần dần bỏ qua được mặc cảm, tự ti của bản thân để sống lạc quan, yêu đời, tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Chính vì thế, cô giáo Minh Tâm luôn quan niệm, phụ nữ khuyết tật phải tự tin vươn lên, hòa nhập, với cộng đồng, mở rộng lòng mình với mọi người xung quanh, cho mình cơ hội với người khác giới, biết thể hiện bản thân mình, tạo cho mình một cuộc sống độc lập. Và quan trọng là "không bao giờ đánh mất tiềm tin vào bản thân mình".
End of content
Không có tin nào tiếp theo