Xã hội

Vầng Trăng Khuyết 2015: Thạch Phương Lynh Cô gái của khát vọng và yêu thương!

(DNVN) - "Mọi thứ trong cuộc đời đều có giá của nó. Được cái này thì phải mất cái kia, muốn nhận ắt phải cho, muốn có thành công và hạnh phúc lâu bền cũng phải trả giá bằng chính nổ lực và cố gắng”.

Tâm lý này đã hằn sâu trong tim với Thạch Phương Lynh - một cô gái khuyết tật nhưng đã vượt qua tất cả những đắng cay trong cuộc đời mình bằng sự nỗ lực hết mình, bằng niềm tin yêu tha thiết nhất đối với con người và cuộc đời này.

Cơn tai biến quái ác

Chị Thạch Phương Lynh cất tiếng khóc chào đời vào năm 1986 tại một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long là Sóc Trăng - nơi xứ sở của những ngôi chùa, của những lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Được biết, Lynh hiện đang là một trong 10 gương mặt xuất sắc nhất được lọt vào đêm chung kết cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2015 nhưng đằng sau sự thành công này là cả một chuỗi ngày gian truân vất vả.

Thạch Phương Lynh một trong 10 gương mặt xuất sắc lọt vào đêm Gala.

Có lẽ cuộc đời Lynh sẽ đỡ gian truân vất vả và hoàn toàn bình thường như những người khác nếu không xảy ra trận tai biến ác quỷ lúc chị 3 tuổi. Theo lời của chị, chị sinh ra với cơ thể lành lặn, tròn trịa và bụ bẫm như bao đứa trẻ khác cho đến khi cơn sốt bại liệt ập đến đã cướp đi đôi chân khỏe mạnh, khiến cho ánh mắt chị không còn nét hồn nhiên của một cô bé ba tuổi mà thay vào đó là vẻ buồn rười rượi mà không kém phần u uất. 

Kể từ trận tai biến quái ác đó, Lynh bị cách ly hẳn với thế giới bên ngoài, lúc nào cũng thấy cuộc sống mình là một mảng màu u tối và mất hẳn niềm vui của cuộc đời. Chị sống trong nỗi đau mất mát của bản thân đồng thời lại bị kiềm kẹp trong khuôn khổ của gia đình.

Tuy nhiên, nhờ sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình và ý thức tự lập của bản thân. Từ nhỏ Lynh đã biết ý thức để không là gánh nặng của người khác. Chị luôn cố gắng bằng mọi cách để tự lập trong sinh hoạt cá nhân dù là những việc nhỏ nhặt nhất cho đến những việc tưởng chừng như vượt quá tầm với đối với một người không thể tự đứng trên đôi chân của mình.

Do gia đình không được đầm ấm và kinh tế lại xuống trầm trọng, học hết phổ thông Lynh quyết theo nghề giáo viên và chị theo chọn trường không thu học phí và ở gần nhà để có thể tự mình lắc xe đi học mỗi ngày. Trong suốt bốn năm học nghề, những ngày mưa gió, đường xa gồ ghề, những lúc ốm đau, những vết trầy xước do lật xe, những lời chọc ghẹo của bạn bè...  không chỉ để lại vết thương trên thân thể mà còn hằn sâu trong trái tim Lynh biết bao nhiêu năm tháng.

Đến khi hoàn thành khóa học chị bắt đầu cầm hồ sơ đi xin việc làm, nhưng cuộc sống khi ra ngoài xã hội lại khó khăn, khốc liệt hơn rất nhiều chứ không tốt đẹp như những gì chị vẫn tưởng. Chị cho biết, người không khuyết tật xin việc đã khó, người khuyết tật (NKT) như chị thì càng gặp nhiều chướng ngại hơn, đi đến đâu chị cũng gặp những ánh mắt ái ngại và những lời từ chối. Nhà tuyển dụng chỉ nhìn vào đôi chân khuyết tật của chị mà không cần biết bằng cấp đạt loại gì, năng lực như thế nào. 

 

Thành quả của khát vọng

Không bằng lòng với số phận chị tiếp tục hành trình tìm kiếm việc làm và cuối cùng trời cũng không phụ lòng người khi chị cũng đã tìm được công việc phù hợp với mình, mặc dù không được đứng lớp như mơ ước nhưng Lynh cũng được nhận vào làm việc tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng. 

Với môi trường này, Lynh được tiếp xúc với rất nhiều người cùng cảnh ngộ, thế giới trong chị như dần mở rộng ra. Lúc đó, Lynh quyết thay đổi cách nhìn của mọi người đối với NKT qua tính cách của mình, qua khả năng làm việc của bản thân mình. Do đó, Lynh không ngừng học tập trau dồi kiến thức và thử sức mình ở nhiều lĩnh vực (Mỹ thuật, Âm nhạc, Nghiệp vụ Sư phạm, Thư ký Văn phòng, Thư viện, Tin học, Ngoại ngữ, Kh’mer ngữ….) để được mọi người chấp nhận là một nhân viên biên chế của trường. 

Đồng thời, ngoài công tác Văn thư và quản lý Thư viện, chị cũng luôn cố gắng giúp đỡ bạn bè đồng nghiệp và đặc biệt các em học sinh khuyết tật của mình (vào giờ giải lao, Lynh thường dành thời gian hướng dẫn cho học sinh khiếm thị cách chơi đàn và ôn bài với các em, những buổi chiều thì Lynh giúp các em khiếm thính học vi tính...). Chị muốn dành tất cả tình yêu thương và tâm huyết của mình cho các em, để các em thấy rằng thế giới này là một nơi tốt đẹp để sống. 

Chị Lynh cho biết, phần thưởng lớn nhất mà chị nhận được là sự tin tưởng, thương yêu của các em, đó chính là động lực vô cùng lớn lao động viên chị tiếp tục phấn đấu. Qua sự cố gắng và nhiệt tình giúp đỡ mọi người trong công việc nên chị đã chứng minh được rằng chị có thể giúp đỡ được những người không khuyết tật bằng chính khả năng, trí tuệ của NKT. 

 

Chia sẻ kỉ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời mình, Lynh chia sẻ: "Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi là một lần được dạy thay lớp khiếm thị, tôi và các em đã tìm đến nhau bằng tất cả sự đồng cảm và sự quan tâm thật sự của thầy và trò. Tuy không thể nhìn thấy bằng đôi mắt như bao người khác nhưng các em sống rất tình cảm vì các em luôn cảm nhận sự quan tâm của mọi người bằng những giác quan khác và chính bằng con tim nhạy cảm của mình. Tôi tin các em cảm nhận được trái tim đầy tình yêu của tôi dành cho các em. Buổi chia tay trả lớp cho giáo viên chủ nhiệm là kỷ niệm đáng nhớ và đẫm nước mắt nhất trong cuộc đời tôi".

Chị cũng cho biết, sau bao năm phấn đấu, vào tháng 9/2014 chị đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được làm việc và hưởng lương đúng chuyên ngành vừa tốt nghiệp sau bao nhiêu năm vất vả với những tờ bằng cấp không được công nhận. Và nhất là được sống trong tình yêu thương, hòa mình vào cộng đồng (NKT và người không khuyết tật) để giúp đỡ NKT cùng hòa nhập cộng đồng, vươn lên, sống một cuộc sống hữu ích.

Sau này, khi tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ NKT Thành phố Sóc Trăng. Với tấm lòng yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ những NKT cùng cảnh ngộ, Lynh đã cùng các thành viên trong CLB xây dựng tình đoàn kết, giúp đỡ NKT cải thiện cuộc sống, tìm kiếm các chương trình giúp đỡ NKT hòa nhập cộng đồng, chia sẻ cho những thành viên trong CLB những kiến thức cơ bản về NKT, những quyền lợi mà NKT được hưởng, tìm và giới thiệu những công việc NKT có thể làm để tự chăm lo bản thân… 

"Hiện nay không ít NKT phải sống trong sự phân biệt của những người xung quanh, NKT bị kỳ thị, xa lánh bởi xã hội thay vì được cảm thông. Tôi hy vọng cộng đồng xã hội nhìn nhận NKT bằng ánh mắt thông cảm, hỗ trợ động viên NKT để chúng tôi tự tin và hòa nhập cộng đồng. NKT chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi cho NKT, cơ hội việc làm, chế độ chính sách …. Mong rằng một ngày thật gần nhiều công trình tiếp cận cho NKT sẽ được xây dựng để xóa bỏ bớt rào cản giữa người và người", chị tâm sự.

Chị Lynh hiện đang là một trong 10 gương mặt xuất sắc nhất được lọt vào đêm chung kết cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2015, chia sẻ về ước muốn của chị thông qua cuộc thi này chị cho biết muốn được gửi đến tất cả mọi người hình ảnh của một vầng trăng khuyết nhỏ bé ở “phum sóc” Sóc Trăng với một tấm lòng “khát vọng và yêu thương” tất cả mọi người. 

 

"Tôi khát khao được sống trong một xã hội không định kiến sắc tộc, tôn giáo, màu da và nhất là xóa bỏ rào cản với NKT…. Nơi đó, người và người cùng nắm tay nhau, xây dựng một cuộc sống bình đẳng hơn, tốt đẹp hơn. Tôi muốn nhắn nhủ với tất cả các bạn khuyết tật một thông điệp “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như hạt cát vô danh. Chúng ta sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác”. Vì vậy các bạn hãy tự tin phát huy khả năng mình vì vẻ đẹp là nằm ở nghị lực và tâm hồn luôn biết yêu thương của chúng ta, chính nét đẹp ấy sẽ in sâu trong lòng người khác đấy các bạn!", Lynh chia sẻ.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo