Khám phá chùa Dơi - Sóc Trăng
Đây là công trình nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo Nam Tông Nam bộ và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999. Ngôi chùa tọa lạc trong khuôn viên rộng 4ha, bao gồm các công trình: tòa chánh điện, dãy nhà sala, các tòa bảo tháp để tro cốt người chết…
Nơi đây chính là địa điểm trú ngụ của rất nhiều loài dơi to lớn, số lượng ước tính lên đến hàng triệu con. Điểm đặc biệt này cũng chính là lý giải cho nguồn gốc tên gọi của chùa đồng thời tạo nên nét độc đáo, chuyên biệt hấp dẫn mọi du khách đến tham quan.
Tòa chánh điện mới được xây dựng lại trên nền cũ và được sơn son thiếp vàng, bên ngoài trang trí hoa văn đẹp mắt với tâm điểm là bức tranh Đức Phật nhập niết bàn. Mái chùa được chạm trổ hoa văn rắn thần Naga tinh xảo, phần tiếp giáp giữa cột đỡ và phần mái có biểu tượng tiên nữ Kemnar.
Bên trong chánh điện là bức tượng Phật Thích Ca cao khoảng 2m, đặt trên bệ thờ cao khoảng 1,5m. Dọc theo 4 bức tường là những tấm phù điêu vẽ hình sự tích Đức Phật từ lúc sinh ra đến khi nhập niết bàn. Rời tòa chánh điện, chúng tôi ghé qua dãy nhà sala nằm ở phía đối diện. Đây là nhà hội của sư sãi, tín đồ và phòng nghỉ của sư trụ trì, đồng thời cũng là nhà khách. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội được xem dàn nhạc cổ truyền Khmer biểu diễn, với nhạc công là các chú bé người bản xứ. Những đôi tay bé nhỏ đánh, gõ thoăn thoắt tạo ra nhưng thanh âm vui tai, khiến nhiều du khách hào hứng hòa theo điệu nhạc.
Đi dạo trong khuôn viên chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tán cây cổ thụ xanh mướt với những tán lá trải dài, rợp bóng mát. Đây chính là nơi sinh sống của những con dơi to lớn với đủ chủng loại đặc biệt. Lạ kỳ thay, dơi ở đây không bao giờ ăn và phá hại trái cây trong khu vực chùa. Hằng ngày, chúng treo mình lủng lẳng trên các nhánh cây trong khuôn viên chùa như những chùm quả nặng trĩu níu giữ ánh nhìn của mọi du khách. Không gian gần gũi, thanh tịnh chỉ có tiếng cây lá xào xạc và thỉnh thoảng xen vào những âm thanh của gió, tiếng kêu của những chú dơi con… Tất cả tạo thành một bức tranh thiên nhiên phong phú và sống động.
Loài dơi trú ngụ trong chùa là giống dơi ngựa quý hiếm (người địa phương thường gọi là dơi quạ). Đàn dơi này gắn liền với nhiều câu chuyện kỳ lạ. Chẳng hạn như có rất nhiều ngôi chùa tĩnh lặng ở Sóc Trăng nhưng đàn dơi chỉ chọn chùa Dơi làm nơi trú ngụ suốt hàng trăm năm qua; ngoài ra, đàn dơi cũng chỉ đậu trên những cây mọc trong chùa, còn cây của nhà người dân kế bên dù cành có mọc sang khuôn viên chùa thì đàn dơi cũng tuyệt nhiên không đậu.
Hay chuyện những con dơi ở đây chỉ chấp nhận sự chăm sóc của các nhà sư, người ngoài đến gần chúng sẽ trở nên hung dữ… Dù không ai có thể lý giải được nguyên nhân của những câu chuyện này nhưng bất cứ ai đến đây đều cảm thấy thích thú khi ngắm nhìn hàng nghìn con dơi treo ngược trên những cành cây.
Qua đó, toàn bộ quần thể kiến trúc chùa Dơi hiện lên một cách hài hoà, làm chúng ta liên tưởng đó là cả một rừng hoa văn với những bố cục đối xứng, gọn gàng, những đường nét uyển chuyển đầy ấn tượng… Với những công trình kiến trúc độc đáo và khác biệt, Chùa Dơi đã được công nhận là di tích nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1999. Chùa chính là tác phẩm của sự kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên, văn hoá và cuộc sống đời thường, là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật tuyệt vời nhất được tạo ra từ tinh thần lao động cần cù và sáng tạo qua đôi bàn tay khéo léo của người Khmer. Đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn đối với nhưng ai yêu thích du lịch tâm linh và thích khám phá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Động thái đáng chú ý của Đàm Vĩnh Hưng sau ồn ào kiện tụng với tỉ phú Mỹ vì đứt lìa ngón chân
Bất ngờ với thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới, vượt qua nhiều cường quốc sắc đẹp
Thanh Hằng diện đầm nặng 20kg đính kết từ 1000 bông hoa đỏ rực
Đà Nẵng: Triển lãm tranh dân gian kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam
Hoa hậu Thanh Thủy trở về Việt Nam sau khi giành vương miện Miss International 2024
Văn Anh và Kim Nhã nói về tình yêu đồng giới trong showbiz Việt