Vào nơi công khai sản xuất rượu độc
Làng Đại Lâm (Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) từng nổi tiếng với nghề nấu rượu gạo. Tại đây, nhà nhà làm rượu, người người bán rượu nhưng dần dần, nghề nấu rượu gạo mai một dần vì ít lãi.
Thay vào đó, dân chuyển sang nấu rượu sắn. Có thời, về Đại Lâm, la liệt sắn được phơi ven đường. Nhưng giờ về đây, sắn rất ít, thay vào đó là những thùng phuy nhựa được đặt ngay ven đường làng.
Đi dọc theo con đê làng Đại Lâm, đã ngửi thấy mùi rượu, mùi cồn nồng nặc. Thỉnh thoảng, lại thấy chiếc xe tải chở rượu đế từ Đại Lâm đi bán khắp các tỉnh, thành như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…
Đi cả làng mới thấy 1 đống sắn phơi mốc meo và bẩn.
Bác D., dân làng Đại Lâm cho biết: “Trước đây, nhà tôi cũng nấu rượu gạo, nhưng chả lãi lời nhiều nên bán hết đồ nghề rồi. Giờ làng này, chủ yếu làm rượu pha cồn mới lãi. Cứ 1 lít cồn pha với 2,5 lít nước là có rượu êm ru, người uống còn khó phát hiện hơn là rượu sắn. Rượu sắn uống nồng lắm, chứ rượu pha cồn này uống rất vào”.
Khắp làng, đâu đâu cũng thấy thùng phuy xanh đựng cồn. Mỗi phuy này đựng được 228 lít cồn 90 độ.
Chúng tôi vào một gia đình chị H., ban đầu, chị giới thiệu chuyên bán rượu gạo xịn. Rượu gạo nếp vỏ tẻ có giá 15.000 đến 17.000 đồng/lít. Để tạo lòng tin, chị H. dẫn chúng tôi vào bếp nấu rượu của gia đình chị.Tuy nhiên, khi bán cho khách, chị lại múc rượu từ một chiếc can khác. Sau hồi trò chuyện, chị H. bật mí: “Rượu gạo xịn thì chỉ bán cho những người sành, khách hàng xịn thôi. Mua 15.000 đồng bán 35.000 đồng/lít.
Còn nếu đổ buôn cho các quán hàng thì mua rượu pha này, giá rẻ lắm chị để cho 9 ngàn đồng/lít. Hoặc nếu các em muốn mua cồn về tự pha cũng được. Tuy nhiên, pha rượu chỉ có bọn chị trong nghề mới làm được cho phù hợp tỷ lệ và độ cồn. Nhà chị bán rượu đi khắp nơi: Hà Nội, Hải Dương, cứ gọi là cả ô tô vài tấn mỗi chuyến”.
Ngoài sân nhà chị H. hàng chục thùng phuy nhựa xếp thành hàng. Thùng là rượu đã pha, thùng đựng cồn nguyên chất 90 độ vừa lấy về.
Nhanh nhảu, chồng chị H. dùng búa mở thùng cồn. Mùi cồn nồng nặc bốc lên. Chúng tôi hỏi làm công nghệ pha rượu cồn, chị H. chia sẻ: “Nhà chị dùng nước qua máy lọc pha với cồn rồi thêm ít hương liệu là ngon ngay. Còn lại, mỗi nhà mỗi bí quyết nên chất lượng rượu cũng khác nhau.
Nếu muốn ngon, em pha thêm ít rượu gạo xịn vào, đảm bảo người uống không nhận ra, rất êm mà thơm nhé”.
Chị H. khuyên: “Em nên mua hàng đã pha, bọn chị vận chuyển đến tận nơi, lấy chút lãi thôi. Chứ em mua cồn về pha sẽ mất uy tín đó. Mà pha như vậy mệt lắm, cồn, nước rồi ngoáy lên… vất vả lắm em ạ”.
Tận mắt xem cảnh pha rượu từ cồn và nước lã
Rời nhà chị H, chúng tôi đến nhà chị T. cùng làng, chị hồ hởi mời chào mua rượu. Nếu mua rượu gạo xịn chị dẫn đến nhà cô em bán với giá 15.000 đồng/lít, rượu này nhiều người ở Hà Nội vẫn về mua cho người quen. Rượu làm 100% từ nếp vỏ tẻ.
Chúng tôi hỏi mua rượu pha cồn, chị T. không ngần ngại dẫn chúng tôi ra trước nhà đon đả: “Các em bây giờ mới đi buôn, hay buôn lâu rồi? Nếu làm ăn được với chị, chị sẽ ra xem ngoài đó, rồi tư vấn để em cạnh tranh được thì thôi”.
“Cồn nhà chị pha là cồn xịn đấy nhé, các em không cẩn thận thì có nhiều loại cồn làm rượu lắm”.
Sau hồi hỏi han về giá cả, chị T nói, nếu em mua, chị để cho giá 8,5 ngàn đồng/lít cùng độ với rượu của họ. Chị T. chỉ vào chai rượu mẫu chúng tôi mua và đề nghị cho thử độ rượu.
Nhanh tay, chị T. rót rượu vào một ống tre, trong có đặt cái đo độ rượu. Chiếc đo độ rượu này chia làm 2 phần, 1 phần thể hiện độ rượu là 45 độ phía dưới, một phần phía trên là độ nóng lạnh của cồn. Theo lời người làm rượu ở đây thì đo được từ mức 23 độ nóng lạnh.
Chị T. bảo: “Như vậy, giá rượu ở độ 23 đến 25 chị lấy em giá 8,5 ngàn đồng/lít. Còn nếu thêm 1 độ là 1 giá, 10 độ là 10 giá em ạ, cứ thế mà tính”.
Khi chúng tôi hỏi thử luôn hàng, ban đầu chị T. từ chối khéo: Chị chưa có rượu ở đây, nếu mua, chị sẽ pha cho, đảm bảo đúng độ bọn em yêu cầu. Tuy nhiên, khi chúng tôi khăng khăng đòi thử hàng, chị T. liền xuống cửa hàng, múc rượu vào ống tre và cho nhiệt kế đo độ cồn vào.
Mức cồn chỉ 40 độ nóng lạnh, chị T vội xuống bếp, múc ngay một ca chất lỏng, cho vào bát, rót rượu 40 độ từ can đó pha vào. Nhanh tay, tôi hớp chất lỏng ở bát đó nhấp thử, đích thị là nước lã, không mùi, không vị.
Chị T. cho rượu vào, dùng tay ngoáy ngoáy bát, rồi đặt nhiệt kế vào đo, độ cồn vẫn cao, chị T. lại rót thêm nước lã vào đến khi nhiệt kế chỉ 23 độ cồn thì dừng lại và đem rượu cho chúng tôi thử.
Lúc này chúng tôi đã có một mẻ rượu để uống thử chỉ trong vòng vài phút. Trong khi đó, quy trình làm rượu ngon, tinh khiết, đảm bảo chất lượng An toàn vệ sinh thực phẩm lại hoàn toàn không đơn giản.
Bà Hoàng Thị Liên Hương, phòng kỹ thuật công nghệ của Halico cho biết: So với quy trình làm rượu đế chỉ trong “nháy mắt” là có cả thùng rượu thì mỗi chai rượu tinh khiết có mặt trên thị trường được trải qua rất nhiều công đoạn sản xuất và sau thời gian dài hàng tháng. Hệ thống này cho phép chưng cất liên hoàn qua 8 tháp khử tối đa các độc tố methanol, aldehyde.
Với nhiều công đoạn và dây chuyền hiện đại, thì rượu nhà máy bao giờ cũng đảm bảo độ tinh khiết.
Chính vì vậy, không khó khi so sánh 2 quy trình chúng tôi vừa nêu lên, để bạn có thể lựa chọn cho mình một giải pháp thông minh, bảo vệ sức khỏe khi tham gia các cuộc uống rượu.
Theo VTC News
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội