Vào TPP: Dệt may trước thách thức không nhỏ
Tin tức trên báo Nhịp cầu đầu tư, dệt may vốn được coi là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP đi vào hiệu lực nhưng trước mặt, ngành dệt may sẽ phải đối diện với những thách thức không hề nhỏ.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2015 vẫn giữ vững vị trí thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm trở lại đây của toàn ngành vẫn giữ ở mức cao là 16,4% CAGR.
Tính đến giữa tháng 12 năm 2015, giá trị xuất khẩu hàng dệt, may đã đạt 21,6 tỷ USD (tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái , thấp hơn so với năm cùng kỳ 2014 là +16%). Nếu tính cả hàng xơ, sợi dệt và nguyên phụ kiện các loại, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức 25,3 tỷ USD (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014 là tăng 17%).
Theo chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015 dự kiến đạt 27,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2014 nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra trước đó là 28 tỷ USD.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn tăng trưởng tại các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng đà tăng đã có phần chững lại do giá đầu vào giảm mạnh khiến giá đầu ra duy trì ở mức thấp và tỷ giá giữa USD/VNĐ liên tục tăng trong năm qua.
Đáng lưu ý, trong 11 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tại các thị trường trong khuôn khổ Hiệp định TPP tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 55% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Trong thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, ngành dệt may đang nhận được khá nhiều sự quan tâm và đánh giá cao về triển vọng phát triển do dệt may là một trong số ít ngành vẫn giữ được tăng trưởng dương và ổn định. Trong năm 2016, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu ở mức 31 tỷ USD.
Bên cạnh đó, dệt mang đang đứng trước rất nhiều cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do TPP – EU – Hàn Quốc – Liên minh Thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan).
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), bức tranh triển vọng của ngành dệt may trong năm 2016 cũng tồn tại không ít khó khăn và thách thức. Chính sách lương thay đổi, áp lực tỷ giá giữa các quốc gia trong vùng và các ràng buộc kèm theo khi gia nhập FTA khiến một số lợi thế cạnh tranh của ngành cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu như trước đây, nhân công rẻ là một trong những lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam thì giờ đây, lợi thế này đang dần mất đi khi lương cơ sở và lương tối thiểu đều được Chính phủ điều chỉnh tăng từ năm 2016.
Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá khiến giá hàng xuất khẩu kém cạnh tranh, xu hướng phá giá đồng nội tệ so với đồng USD của các nước xuất khẩu dệt may đang diễn ra mạnh mẽ.
TPP yêu cầu nguồn gốc xuất xứ “từ sợi trở đi” còn FTA Việt Nam – EU yêu cầu “từ vải trở đi” đối với các sản phẩm dệt may xuất nhập khẩu trong khu vực hiệu lực của thương mai tự do. Do vậy, mặc dù thị trường TPP và EU rất tiềm năng nhưng trong ngắn hạn, phần lớn các sản phẩm dệt may hiện nay của Việt Nam sẽ khó được hưởng lợi được về thuế xuất nhập khẩu.
Đứng trước những khó khăn này, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hộiTheo TPP, doanh nghiệp chỉ có thể hưởng lợi nếu đáp ứng tiêu chí “từ sợi trở đi”, nghĩa là nguyên vật liệu phải tự sản xuất hoặc nhập khẩu trong nội khối.
“Từ sợi trở đi” thì Việt Nam có đáp ứng được không khi quá nửa nguyên phụ liệu hiện nhập khẩu từ Trung Quốc mà Trung Quốc không phải nội khối TPP? Vậy phải đầu tư nhà máy sợi thôi. Báo Hải quan thông tin.
Hiện ở Việt Nam có khoảng 3 triệu cọc sợi, trong đó 2 triệu cọc có tuổi đời 15 năm, 1 triệu cọc có tuổi 7 năm. 7 năm có phải một nền công nghiệp hiện đại? không phải. 15 năm có là công nghiệp không? Là công nghiệp nhưng đáng phải thay thế.
Trong Hiến pháp ghi, kinh tế Nhà nước có vai trò chủ đạo, vậy vai trò chủ đạo sẽ thể hiện ở chỗ nào? Nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn ở những doanh nghiệp khác thì Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư nhà máy sợi với công nghệ hiện đại hàng đầu. Như vậy hai năm sau, TPP đi vào hoạt động chúng ta mới kịp có nhà máy.
Đến lúc đó, sau khi Nhà nước đầu tư xong phải cổ phần hóa, thoái vốn để các thành phần kinh tế khác tham gia. Điều này là bởi 95% doanh nghiệp chúng ta là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chứ không phải là vừa, nên để huy động nguồn lực làm được khoảng 300-500 nghìn cọc sợi mất cỡ 200 triệu USD, doanh nghiệp tư nhân không thể làm được mà chỉ có Nhà nước. Nhà nước phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện nếu không khối FDI sẽ vào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo