VCCI và không chỉ PCI
Khi lần đầu tiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố, có chủ tịch tỉnh gọi điện phản ứng, là tại sao “đám doanh nghiệp” lại dám đánh giá địa phương?
Chi tiết này được TS. Lê Đăng Doanh đặc biệt nhấn mạnh ở một diễn đàn kinh tế lớn, khi ông nói đến vai trò của sự đánh giá độc lập trong tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi đang diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam.
Ông kể, lần đầu tiên chuẩn bị công bố PCI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) "ngại" đến mức phải mời Ban nghiên cứu của Thủ tướng cùng đứng ra xếp hạng. Song phản ứng gay gắt từ một số vị “quan đầu tỉnh” ở tác động không mong muốn có lẽ đã góp phần đưa PCI thành “ví dụ rất tốt về sự đánh giá độc lập, khách quan”, theo lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.
Dẫn chứng gần đây nhất là sau khi PCI của Hà Nội bị tụt hạng tới 15 bậc, từ 36 xuống còn 51, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị không chỉ lắng nghe dư luận mà còn đề nghị thảo luận tìm nguyên nhân với sự cầu thị.
Với sự trợ giúp của VCCI, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có nghị quyết và chương trình hành động để cải thiện chỉ số PCI nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thân thiện, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, lãnh đạo VCCI cho biết.
Như vậy, PCI đã không thể tách rời “thương hiệu” của VCCI. Nhưng tổ chức có gần 11.000 hội viên trực tiếp và trên 100.000 hội viên gián tiếp không chỉ có PCI, mà còn gắn liền với nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp - doanh nhân khác.
Trên con đường chưa có tiền lệ và không có mô hình định sẵn, dẫu nhìn nhận rằng khó có thể tránh được khuyết điểm, song Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi trải lòng với báo chí ngay trước thềm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đã hơn một lần nhắc đến hai chữ “sát sạt”, đặc biệt là trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn hết sức cam go của nền kinh tế.
"Thời gian qua, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp của VCCI. Tuy nhiên, những thất bại, đổ vỡ, trả giá của doanh nghiệp cũng có trách nhiệm của VCCI. Tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động tham mưu chính sách của VCCI đối với nhiều vấn đề quan trọng của nền kinh tế đất nước còn chưa đủ mạnh, những cảnh báo cho doanh nghiệp còn hạn chế, VCCI cũng chưa hình dung hết được diễn biến của tình hình và xu thế", ông Lộc tâm tư.
Sẽ chẳng bao giờ là đủ, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang gửi gắm không ít kỳ vọng ở tổ chức đã có 50 năm đồng hành cùng doanh nghiệp với không ít thăng trầm này…
Thời sự nhất trong hành trình phía trước, đó là các công việc đang được chuẩn bị cho một cuộc đối thoại của lãnh đạo VCCI, liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp với lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội về các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nằm trong chương trình của kỳ họp thứ 5 tới đây.
Đồng thời, VCCI cũng đang dự kiến cho các buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan đến nội dung tại Nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
"Đã bắt đầu từ lâu và VCCI vẫn đang đeo đuổi, đó là kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bắt đầu từ 1/7/2013. Có thể nhiều ý kiến cho rằng, lúc này lấy đâu ra thu nhập mà nộp thuế, nhưng chính sách không thể chỉ nhằm vào các doanh nghiệp quá bi đát", ông Lộc nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về sự chuyển dịch những gam màu của bức tranh doanh nghiệp trong năm 2013, Chủ tịch VCCI cho rằng cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bởi bên cạnh những cản ngại mang tính ngắn hạn thì vấn đề cơ bản thuộc về cơ cấu, năng lực cạnh tranh không thể khắc phục trong ngày một ngày hai.
Vì vậy, "góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch được VCCI xác định là công việc rất quan trọng trên hành trình phía trước", ông nói.
Minh Trí
Theo Vneconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo