Về Ba Vì gặp “trạng ăn”
Lịch sử Việt Nam từng có những ông trạng ăn nổi danh như Lê Nại ở Hải Dương (ăn 18 bát cơm, 12 bát canh), Lê Như Hổ ở Hưng Yên (một mình ăn hết một mâm xôi thịt)… Ngày nay, ở làng Tăng Cấu (xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội) có một người cũng được dân làng ưu ái gọi là “trạng ăn” vì sức ăn khỏe vô địch, lại còn tài hoa chữ nghĩa. Ông là Phùng Văn Lự, năm nay đã 75 tuổi.
Ăn không biết no
Ông Lự có vóc dáng nhỏ con, chỉ nặng 45kg. Nhìn người đàn ông nhỏ bé này, không ai trong chúng tôi nghĩ rằng ông có thể ăn một lúc 20 quả trứng vịt lộn, ăn hơn 20 bát cơm và uống vài lít nước trong một ngày. Ông Lự khề khà: “Chuyện đó có là gì. Lúc “đỉnh cao phong độ”, tôi ăn không thể kể được, cứ gọi là có bao nhiêu hết bấy nhiêu”.
Ông Lự kể, thời nhỏ, nhà ông thuộc hàng phú hào trong làng. Cha ông là địa chủ lớn, có trong tay hơn 30 mẫu ruộng, nhà có hàng chục trâu, lợn nên không bao giờ phải lo lắng chuyện cái ăn, cái mặc. Sức ăn của ông cũng vì thế mà có “đất dụng võ”. Nhà giàu có, ông là một trong số ít người được sắm xe đạp peugeot, được đi học Trường Tiểu học Phùng Hưng dưới thị xã Sơn Tây (do Pháp mở). Đi học xa nhà, được chu cấp tiền ăn, tiền học đầy đủ, nhưng tháng nào ông cũng phải lóc cóc đạp xe 15 cây số về nhà để xin thêm gạo.
“Từ năm 14 tuổi, tôi bắt đầu có cảm giác ăn không thấy no. Để khỏi phải xới cơm nhiều lần, tôi đã đổi ăn từ loại bát nhỏ sang bát tô, dùng đũa dài hơn để và cơm. Các bạn trọ cùng nhìn tôi ăn mà phát hoảng”, ông Lự cho biết.
Đến khi Pháp chạy, miền Bắc được giải phóng rồi cải cách ruộng đất, nhà ông bị tịch thu gia sản, ruộng đất, ông phải bươn trải để kiếm sống phụ giúp gia đình. “Cái bụng này vì thế cũng không được đầy đủ nữa”, ông Lự cười tếu.
Năm 1960, ông viết đơn xin gia nhập vào quân ngũ, được phân về quân khu Tây Bắc dưới quyền chỉ huy của tướng Chu Huy Mân (Quân khu trưởng) và Bằng Giang (Quân khu phó). Thời chinh chiến, quân lương không được đầy đủ, người ăn khỏe như ông Lự lại càng “đói tợn”. Theo tiêu chuẩn, mỗi binh sĩ được 12kg lương thực mỗi tháng, sau tăng lên 15kg rồi 21kg. Nhưng số đó chẳng bù được với cái dạ dày “khổng lồ” của ông Lự.
“Đói, tôi thường phải ra hàng quán ăn thêm chứ không thì không chịu nổi”, ông Lự nhấp một ngụm trà rồi nói tiếp, “cũng may một điều là nhà tôi lúc đó cũng còn giữ lại được chút của nên mới chu cấp được như thế”.
Năm 1967, vì nhiều lý do khác nhau, ông Lự giải ngũ về quê. Năm 1971, ông cưới vợ rồi sinh con. Những năm sau giải phóng, kinh tế bao cấp khó khăn, thiếu thốn trăm bề, ông Lự phải làm quần quật, chạy ngược chạy xuôi để lo miếng ăn cho gia đình. Ông nói: “Mỗi ngày công hợp tác được 3 hoặc 5 lạng lúa, cả tháng được 3, 4 yến lúa, ăn làm sao đủ. Tôi phải chạy khắp Lào Cai, Yên Bái…, đâu cũng được, miễn là có miếng cơm”. Nhớ lại những tháng ngày đó, kí ức rõ nét nhất còn hằn lại đối với ông vẫn là “Đói. Đói lắm anh ạ”, ông Lự ngán ngẩm.
Sau đổi mới, ông thôi chạy các nơi, ở nhà làm đội trưởng sản xuất. Kỉ niệm vui nhất đối với ông khi đó là ở buổi liên hoan hợp tác xã năm 1995. Ông Nguyễn Anh Duyên - chủ nhiệm hợp tác xã khi đó - đã thách đấu ông ăn kem, cược rằng nếu ông có thể ăn được 30 chiếc kem thì sẽ trả toàn bộ số tiền mua. Đang đói và khát nước, ông Lự gật đầu không chút đắn đo.
“Trước sự chứng kiến của mọi người, tôi ăn hết nhẵn thùng kem gần 40 cái. Ông Duyên phải ngậm ngùi móc túi trả tiền hộ. Sau đó, khi vào mâm cỗ, tôi còn uống được chục lon bia rồi vẫn ăn cơm, uống rượu cho đến lúc tàn cuộc như bình thường”. Tất cả những người ngồi ở đó ngày hôm ấy đều phải lắc đầu, lè lưỡi, không dám thách đố thêm lần nào nữa.
Ngày cưới con gái, ông vào miền Nam gặp gỡ gia đình họ trai. Thanh niên trong miền đều tới chúc rượu và nài ông uống. Ông Lự đáp lại nhiệt tình, cứ mỗi chén rượu hoa hồng là một hớp, loáng cái đã đi hết một vòng cả chục người. Sau, thấy việc chúc riêng từng người mất thời gian, ông rót một bát rượu thật lớn, bố cáo rồi uống một hơi hết sạch trong ánh mắt kinh ngạc của mọi người.
Sức khỏe “vô địch”
Ăn khỏe là thế nên sức vóc của ông Lự cũng hơn người. Trông dáng người bên ngoài nhỏ con, nhìn yếu ớt, nhưng khi ông cởi áo ngoài, các cơ bắp mới nổi khuôn lên, lộ rõ vẻ rắn chắc. Khi tôi ngỏ ý muốn xem “sức mạnh”, ông Lự dắt tôi ra bờ ao chỉ vào đống gỗ lớn đang ngâm dưới ao rồi nói: “Chỗ đó tôi chỉ làm trong vòng buổi sáng là xong”. Ông cho biết, thời thanh niên, nhiều năm liền ông là quán quân vật làng Tăng Cấu, nổi tiếng khỏe trong hàng tổng. Hồi ở trong quân ngũ, nhờ khỏe mạnh, ông được đưa vào trường đào tạo võ thuật 9 tháng. Khi bế giảng lớp đào tạo, quân khu tổ chức buổi thi đấu, ông lên đài “thách đấu” với cả thủ trưởng. Chỉ trong vòng vài bước, ông đã quật ngã thầy dạy của mình nhờ việc cải tiến những chiêu thức rườm rà, không cần thiết. Thiếu tướng Bằng Giang, khi đó đang ngồi trên bục danh dự, đã rời khỏi chỗ ngồi, tiến tới khen ngợi và thưởng cho ông một tút thuốc lá Trường Sơn.
Giờ, tuy đã 75 tuổi nhưng ông vẫn tự hào cả đời mình chưa bao giờ ốm, phải nằm một chỗ. Nhà làm 9 sào ruộng ông đánh trâu tự cày, tự cấy. Những việc nặng mà sức vóc thanh niên còn ngại ngùng như đập đá, đốn gỗ…, ông vẫn làm phăng phăng như không có gì.
Tài hoa chữ nghĩa
Bên cạnh ăn khỏe, làm khỏe, ông Lự còn là người nhiều chữ nghĩa. Ông đọc rộng, biết nhiều. Trong căn phòng có rất nhiều sách kim cổ đủ loại và hàng chồng báo khác nhau. Các quyển sổ tay ố màu thời gian hoặc còn thơm mùi mực được ông lưu giữ cẩn thận với những nét chữ bay bướm. Ngồi tiếp chuyện với khách, ông có thể thao thao bất tuyệt về chuyện chính trị, chuyện danh nhân kim cổ, chuyện trong nước, chuyện quốc tế.
Thuở nhỏ, vì gia đình giàu có nên ông là một trong số hiếm hoi những người được đi học. Tiếng Pháp của ông từ thời đó đến nay vẫn còn rất tốt. Bản thân ông giờ vẫn dạy các cháu học toán đến hết chương trình lớp 9. Ông khoe, thời còn dưới trướng tướng Chu Huy Mân, ông được chọn làm “thầy giáo” chuyên bổ túc văn hóa cho binh sĩ, phụ trách văn thư kiêm việc viết giấy khen.
Chia sẻ về bí quyết khỏe mạnh, ông cho biết, hằng ngày ông đều dành ra một tiếng đồng hồ để tập thể dục, luyện võ, mỗi tối trước khi đi ngủ đều hít đất 30 cái để điều hòa hơi thở. “Giờ cũng có tuổi rồi nên phải điều độ chuyện ăn uống, trước ăn 20 bát, giờ rút xuống còn 12 bát thôi”, ông tâm sự.
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo