Quốc tế

Vén màn mưu tính sâu xa của Trung Quốc tại Biển Đông

(DNVN) - Theo phân tích của các chuyên gia, Bắc Kinh sẽ làm đủ mọi cách để biến Biển Đông thành một “eo biển chiến lược” của riêng nước này, nhằm phục vụ cho những mưu đồ chiến lược trong dài hạn.

Hãng tin CNBC ngày 7/4 dẫn lời các chuyên gia, nhận định: vị trí địa lý của Biển Đông không hẳn là mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn đang tăng cường hiện diện quân sự nhằm kiểm soát khu vực này. Tương lai của cả châu Á đang gặp phải thách thức không nhỏ ở Biển Đông.

Theo dự kiến, trong vòng 3 tháng tới, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở The Hague sẽ đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, liên quan tới những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của phía Bắc Kinh mà Manila và nhiều nước trong khu vực cho là không tuân thủ luật pháp quốc tế. 

PCA sẽ sớm ra phán quyết về vụ kiện chủ quyền giữa Philippines với Trung Quốc.

Phán quyết này sẽ rất quan trọng, bởi chiến dịch xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông có thể tạo ra những tiền đồn chiến lược cho nước này trên một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới.

Cũng theo các chuyên gia, Trung Quốc có thể bị thua kiện trong một số nội dung, và dù nước này kiên quyết không tham gia vụ kiện, phán quyết của PCA vẫn có tính ràng buộc đối với cả Manila và Bắc Kinh về mặt lý thuyết.

Trung Quốc có thể phản ứng trước các phán quyết theo 2 hướng: từ bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp hiện nay, hoặc thách thức tất cả và tiếp tục “bỏ ngoài tai” hệ thống luật pháp quốc tế.

Chuyên viên cao cấp Mira Rapp-Hooper trong Chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ suy đoán rằng: Bắc Kinh sẽ vẫn đẩy mạnh hoạt động ở Biển Đông, “sẵn sàng từ bỏ một số lợi ích ngắn hạn để đổi lấy những gì mà họ tin là lợi ích chiến lược lâu dài”.

Lý do Trung Quốc mạo hiểm đánh đổi vị thế, danh dự trên toàn cầu để giành lấy một số ít các hòn đảo nhỏ trên Biển Đông đang là một đề tài tranh luận mở. Tuy vậy, nguồn tài nguyên năng lượng không mấy giàu có của vùng biển này (đặc biệt trong bối cảnh giá dầu rất rẻ như hiện tại) không phải là mục đích hàng đầu của Bắc Kinh. Thay vào đó, là giá trị về mặt chiến lược của Biển Đông.

 

“Trên quan điểm của tôi, việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông có ý nghĩa chiến lược. Trung Quốc nhiều khả năng muốn biến vùng biển này trở thành một eo biển của riêng Trung Quốc, chứ không còn là một tuyến đường hàng hải tự do quan trọng trên toàn cầu”, Giáo sư – Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc từ Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ Peter Dutton đánh giá.

Giáo sư Dutton giải thích thêm: có rất ít khả năng Trung Quốc muốn hạn chế hoạt động tự do thương mại trong khu vực, nhưng “vấn đề mấu chốt” là Bắc Kinh có thể dễ dàng thực hiện ý định này khi nổ ra khủng hoảng hoặc xung đột, nếu họ nắm quyền thống trị Biển Đông.

Nếu điều này xảy ra, nó sẽ là một tin buồn với người Mỹ, bởi mỗi năm, nước này xuất – nhập khẩu một lượng hàng hóa tương đối lớn qua Biển Đông. Chính vì thế, theo ông Dutton, Washington cần phải cương quyết đảm bảo tự do thương mại trên vùng biển tranh chấp, và coi vấn đề này như một lợi ích quốc gia quan trọng.

Chuyên gia Rapp-Hooper thì không nghĩ rằng Biển Đông sắp trở thành một “eo biển chiến lược” của Trung Quốc, dù các tiền đồn mà Bắc Kinh thiết lập tại đây đang làm phức tạp hóa các kế hoạch hoạt động của Mỹ trong khu vực.

Theo bà, trên thực tế, một phần động lực tăng cường hiện diện của Trung Quốc tại Biển Đông có thể đến từ mối lo ngại của chính nước này về việc các cường quốc khác có thể can thiệp, ngăn cản tự do thương mại trên vùng biển tranh chấp.

 

Nên đọc
Thu Phương (Theo CNBC)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo