Mỹ - Philippines khoe dàn vũ khí “khủng” trong cuộc tập trận chung
Ngày 4/4, Mỹ thông báo Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Ashton Carter sẽ tới Philippines thị sátcuộc tập trận Balikatan 2016giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới thị sát cuộc tập trận chung thường niên giữa hai nước Mỹ - Philippines.
Trung tướng John Toolan, Chỉ huy của Mỹ trong cuộc tập trận Balikatan 2016, phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: "Bộ trưởng Carter sẽ tới đây trong giai đoạn cuối của cuộc tập trận. Ông sẽ thị sát một số nội dung và ông rất quan tâm tới Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS)". Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng sẽ dành thời gian để thăm các tàu chiến tham gia cuộc tập trận.
Cuộc tập trận Balikatan kéo dài từ ngày 4-15/4 tại các vùng Antique, Panay, Palawan, Tarlac, Pampanga, Nueva Ecija, và Zambales ở Philippines, theo trang tin Inquirer ngày 4/4. Ông Celeste Frank Sayson, người phát ngôn của cuộc tập trận Balikatan 2016 cho biết 55 máy bay Mỹ sẽ tham gia, trong khi Philippines sẽ sử dụng các chiến đấu cơ vừa mua gần đây.
Ngoài ra, theo tờ Philstar, Hải quân Philippines sẽ điều động 5 tàu đổ bộ hạng nặng vừa mua từ Úc với giá 726 triệu peso (15,7 triệu USD). Hai trong số các tàu này sẽ tham gia các bài tập về cơ động chiến đấu, với nhiệm vụ di chuyển lượng lớn binh sỹ và khí tài.
Ít nhất 2 chiếc trong 5 tàu này, cùng một tàu hộ vệ, các xe bọc thép M113, các chiến đấu cơ huấn luyện FA-50 cùng 10.000 lính Philippines và Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận lần này với nhiệm vụ mô phỏng việc tái chiếm các giàn khai thác dầu khí và tập trận đổ bộ.
Nội dung cuộc tập trận Balikatan xoay quanh kỹ năng chống các phần tử Hồi giáo cực đoan như Abu Sayyaf ở Philippines, tập trận tái chiếm và bảo vệ lãnh thổ. Tuy nhiên, các viên chức Mỹ và Philippines nhấn mạnh cuộc tập trận này không nhằm vào Trung Quốc.
Cho dù địa điểm tập trận không được tiết lộ, nhưng hai nước đồng minh trong những năm gần đây thường tập trận tại các căn cứ không quân chỉ cách các khu vực tranh chấp ở Biển Đông khoảng 230km.
Giới phân tích cho rằng Balikatan có vẻ nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, cải thiện khả năng tương tác giữa các đồng minh và chứng tỏ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc khi cần thiết.
Ông Rene de Castro, một giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila nhận định: "Nhìn vào những thành phần tham gia Balikatan như bệ phóng tên lửa di động, chiến đấu cơ, có thể thấy liên minh này đang chuẩn bị cho một tình thế phải bảo vệ lãnh thổ".
Ông Richard Javad Heydarian, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Manila, nói thêm rằng cuộc tập trận "nhằm mục đích tăng cường khả năng tương tác giữa hai quốc gia đồng minh và gửi tín hiệu sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc nếu cần thiết".
Phản ứng của Trung Quốc về cuộc tập trận chung này khá gay gắt khi Tân hoa xã của Trung Quốc cùng ngày đã có bài bình luận: "Cuộc tập trận này che đậy những âm mưu gần đây của Manila nhằm lôi kéo những người ngoài cuộc vào cuộc tranh chấp trong khu vực".
Bài báo còn ám chỉ Nhật Bản, quốc gia vừa điều một tàu ngầm tới thăm Philippines hồi cuối tuần trước đồng thời nhấn mạnh: "Sự khiêu khích theo kiểu gây hoảng loạn và không hợp thời này nhiều khả năng sẽ phản đòn lại những kẻ khởi xướng".
End of content
Không có tin nào tiếp theo