Vết nứt lòng tin của các công trình trọng điểm Hà Nội
Chất lượng công trình còn là một ẩn số, nhưng chất lượng về lòng tin của nhân dân về những gì gọi là trọng điểm của Thủ đô đã có đáp án
Cầu Vĩnh Tuy, một trong những công trình trọng điểm của Thủ đô, có tầm nhìn đến năm 2020 đang đối diện với những vấn đề về chất lượng. Những vết nứt dọc, nứt ngang, nước rỉ ra từ bê tông tại trụ câu H22, H23, H24 đã đặt ra một câu hỏi về độ an toàn của chất lượng công trình?
Hiện tại, các chuyên gia tư vấn độc lập đã hoàn thiện kết quả kiểm định cho những vết nứt này và được chuyển tới Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình. Trả lời cho câu hỏi vừa nêu trên, người dân Thủ đô, những người đang trực tiếp sử dụng cây cầu hàng ngày vẫn phải chờ đợi.
Tuy nhiên, nhận định ban đầu từ phía những chuyên gia kiểm định này, và cả Sở GTVT Hà Nội đều là không đáng lo ngại, chỉ là một vết nứt bình thường. Còn cụ thể thế nào, đợi đến khi công bố kết quả cuối cùng mới rõ.
Cầu Vĩnh Tuy không phải là công trình duy nhất khiến dư luận xót xa. Ngay cạnh đó, cầu Thanh Trì cũng gặp phải những sự cố về mặt chất lượng. Nếu cầu Vĩnh Tuy nổi danh với tốc độ thi công, công nghệ thi công, thì cầu Thanh Trì được coi là cây cầu dài nhất, hiện đại nhất Thủ đô cho đến thời điểm này.
Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Thanh Trì), điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Gia Lâm).
Cầu Thanh Trì có trọng tải H30 - XB80 tức là: xe tải bánh lốp có tải trọng dưới 30 tấn,cũng như xe bánh xích có tải trọng dưới là 80 tấn thì đạt điều kiện về tải trọng để qua cầu.
Cầu chính dài 3.084 m với tổng chiều dài hơn 12.000 m, rộng 33,10 m với 6 làn xe chạy (4 làn xe cao tốc), tốc độ cho phép 100 km/h. Dự án cầu Thanh Trì có tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng (410 triệu USD), sử dụng vốn vay ODA, chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, và Ban quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư.
Tháng 2/2007, cầu Thanh Trì được thông xe, đến ngày 9 tháng 10 năm 2010, cầu được khánh thành cùng với cầu vượt Pháp Vân. Tính từ năm 2007 đến nay, 8 năm đi vào sử dụng, cây cầu này xuất hiện vô số vấn đề về chất lượng công trình.
Hồi tháng 7/2010, báo chí Việt Nam đã tốn bao giấy mực để phản ánh về hiện trạng lún nghiêm trọng tại mặt cây cầu này. Như phản ảnh của tờ An ninh Thủ đô: Vết lún kéo dài hàng trăm mét và mờ dần về khu vực giữa cầu. Vết lún chia thành 2 hàng, đúng vào 2 vệt bánh của các loại ô tô tải chạy qua. Chỗ lún nhẹ sâu khoảng 4-6cm, cá biệt có chỗ lún sâu tới 10cm, rộng thành rãnh khoảng 30cm. Chủ yếu phần lún là bê tông nhựa thảm mặt đường.
Cao điểm từ tháng 6/2011 cho đến tháng 5/2012, cầu Thanh Trì liên tiếp được “lên báo” cũng với căn bệnh tương tự những năm 2010 dù được “chăm sóc sức khỏe” thường xuyên. Nguyên nhân gây ra bệnh, như Ông Phạm Thanh Bình, phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) Thăng Long (Bộ GTVT) giãi bày trên báo Tuổi trẻ: “do xe quá tải trọng gây nên.”
Năm tháng cứ qua đi, cho đến nay, khi người dân tham gia giao thông trên cây cầu này vẫn còn đó hiện tượng lún mặt cầu.
Hiện trạng là thế, phương pháp giải quyết, khắc phục không mang lại hiệu quả. Hai cây cầu trọng điểm đã không thể làm tròn trách nhiệm của “nhịp cầu nối những bờ vui” trong lòng người dân.
Mặt cầu cứ lún, trụ cầu cứ nứt, nhưng những cây cầu trọng điểm của Hà Nội vẫn đứng đó, hiên ngang minh chứng cho việc lún sụt hay nứt nẻ đều không...vấn đề gì!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo