“Tráo trở, xuyên tạc sự thật về biển Đông trước dư luận quốc tế, Trung Quốc cũng tăng cường truyền thông, đầu độc thông tin với chính nhân dân mình để mặc định một quan niệm biển Đông là “ao nhà” Trung Quốc”- Nhà báo Toshirio Yamanaka (Nhật báo Asahi Shimbun- Tờ báo hàng đầu Nhật Bản), Văn phòng Hồng Kông trao đổi với chúng tôi.
Theo nhà báo Yamanaka, chiếu theo luật pháp quốc tế, không chỉ cá nhân anh mà người dân Nhật Bản đến các chuyên gia, bạn bè ở Mỹ, Anh... đều chung nhận định, Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam qua sự việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 cùng các đội tàu hộ tống suốt nhiều tháng nay.
Bản thân anh, có gần tuần lễ thực tế tại Việt Nam để tiếp xúc với các nhà quản lý, chuyên gia, nhân chứng vụ hải chiến Trường Sa 1988, và nạn nhân vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá ngư dân Đà Nẵng ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa... để có cái nhìn khách quan, chân thực nhất cho tuyến bài quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trên biển Đông.
PV: Giữa thông tin nhận được từ Trung Quốc và điều “mắt thấy tai nghe” ở Việt Nam, anh có bất ngờ?
Mọi thứ như quay ngược hoàn toàn. Tại Hồng Kông, Bắc Kinh, nhà chức trách Trung Quốc luôn phát ra thông tin trước dư luận, báo chí quốc tế rằng tàu thuyền, lực lượng thực thi pháp luật, ngư dân Việt Nam cản trở, xâm phạm vùng biển của họ, gây sự, thậm chí đâm va từ vài trăm đến hàng ngàn lần các tàu Trung Quốc.
Nhưng rõ ràng đây chỉ là những luận điệu xuyên tạc sự thật của Trung Quốc, dối lừa dư luận quốc tế, đầu độc nhận thức nhân dân mình. Sang Việt Nam, tôi càng hiểu và nhận thức hơn bản chất tráo trở của phía Trung Quốc.
Với tương quan lực lượng, tinh thần, thái độ ứng xử trên biển Đông, Việt Nam không thể làm những điều như Trung Quốc công bố nhằm dối lừa dư luận, nhân dân mình. Trái lại, chính Việt Nam đang chịu những thiệt hại do các hành động xâm phạm, gây hấn, khiêu khích của Trung Quốc.
PV: Cách Trung Quốc đang “đầu độc” chính nhân dân họ ra sao, thưa anh?
Trung Quốc có hệ thống giáo dục bài bản về vấn đề biển Đông. Từ sách giáo khoa, đến công trình nghiên cứu ở khắp hệ thống giáo dục đều mặc nhiên một nhận thức biển Đông là “ao nhà” của Trung Quốc.
Nước này rất chú trọng công tác truyền thông. Kiểu truyền thông xuyên tạc sự thật biển Đông này được tiến hành mạnh mẽ nên dễ hiểu vì sao người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc “nói gì dân tin nấy”.
Họ kiểm soát chặt các thông tin bị coi là “không chính thống”. Khi mới về công tác tại Hồng Kông, tôi ngạc nhiên vì không thể sử dụng google để tìm kiếm thông tin cho mình, ngay cả facebook họ cũng chặn. Báo chí nước ngoài phản ánh tình hình thực địa Hoàng Sa đều bị Trung Quốc kiểm soát, chặn các đường link đến người dân.
Phần lớn nhân dân Trung Quốc không có cơ hội, điều kiện tiếp xúc với những thông tin đa chiều về vấn đề biển Đông. Từ trí thức, sinh viên đại học, nhà nghiên cứu đến dân thường mỗi ngày bị “nhồi nhét” vào đầu một nhận thức “nhất quán, chính thống” của nhà chức trách Trung Quốc mà không thể kiểm tra, đối chứng.
Dễ hiểu khi cộng đồng quốc tế, các nước bị xâm phạm phản ứng mạnh mẽ yêu sách đường lưỡi bò Trung Quốc, vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển (1982), người dân nước này vẫn giơ hai tay đồng ý. Tôi rất sốc về chính sách này của họ.
PV: Nhưng vẫn có những học giả Trung Quốc, Hồng Kông lên tiếng phản bác những yêu sách của Trung Quốc về biển Đông?
“Tôi đặc biệt ấn tượng trước tinh thần, thái độ đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam từ lực lượng chức năng đến ngư dân. Khó khăn, bị đâm chìm tàu họ vẫn không nao núng, quyết vươn khơi bám biển, giữ ngư trường chủ quyền”.
Anh Yamanaka
Để làm được điều này, như tôi được biết, các học giả, một số trí thức phải thực hiện khá nhiều thủ thuật như cài đặt phần mềm nhận diện đang ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc mới có thể truy cập, tra cứu các trang tin tức khác nhau để đánh giá, lên tiếng phản ứng. Thực tế tại Hồng Kông, tôi thấy những quan điểm này cũng rất khó đến được với chính quyền, người dân Trung Quốc do chính sách biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc sử dụng lượng lớn báo chí làm “loa” tuyên truyền cho họ.
Theo tôi, báo chí Việt Nam, Nhật Bản, Philippines và các nước trên thế giới nên liên kết, tăng cường thông tin sự thật ra công luận quốc tế.
Xin cảm ơn anh!
Nhật báo Asahi Shimbun từng cử nhà báo Manabu Sasaki-Trưởng đại diện tại Nhật Bản trực tiếp ghi nhận diễn biến ngoài thực địa Hoàng Sa. Bài viết đầu tiên do anh Sasaki đăng tải trên Asahi Shimbun với tựa bài: Phóng viên Nhật Bản đã chứng kiến hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông tạo hiệu ứng lớn không chỉ trong phạm vi Nhật Bản mà cả thế giới, thu hút sự chú ý của công luận quốc tế.Nhà báo AFP:
Cảnh giác thông tin bịa đặt của Trung Quốc
Theo nhà báo Hoàng Đình Nam (Phân xã AFP tại Hà Nội)- người trực tiếp có mặt ngoài thực địa Hoàng Sa trên tàu cảnh sát biển Việt Nam- biển Đông là một mảng thời sự của AFP, không chỉ liên quan đến các tuyên bố chủ quyền phi lí của Trung Quốc, yêu sách đường lưỡi bò mà vấn đề an ninh hàng hải, tự do hàng hải quốc tế, các xung đột biển Đông...
Là cơ quan báo chí nước ngoài, chúng tôi phản ánh khách quan, đa chiều giữa các tuyên bố của cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc, tuy nhiên chúng tôi cảnh giác trước các thông tin bịa đặt, xuyên tạc của phía Trung Quốc.
Tiền Phong