Vì sao cấm cửa báo chí?
Phát hiện sự cố là nhờ báo chí, rồi từ đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Thế nhưng, đố các nhà báo từ trung ương đến địa phương nói được tình hình trong hầm thủy điện như thế nào?
Tấn Vũ, phóng viên báo Tuổi Trẻ, sau một hồi lặng lẽ lăn lê bò toài mới chụp được ảnh nước chảy ồ ồ. Anh cũng chỉ đi vào trong hầm được một đoạn ngắn. Sau đó, đường vào hầm thủy điện Sông Tranh 2 là cấm cửa báo chí! Bao nhiêu lần đi theo lãnh đạo tỉnh, trung ương, đi riêng lẻ, các nhà báo đều bị chặn ngay từ cửa, chặn không chút lịch sự, không cần biết đến quyền tiếp cận thông tin của nhà báo; chặn với lý do là công trình đang xây dựng không thể vào; rồi các nhà báo chưa được tập huấn về sự an toàn trong các công trình như Sông Tranh 2...
Các nhà báo đi nhờ xe UBND tỉnh Quảng Nam đến hiện trường, bảo vệ tại đây kiểm tra kỹ, ông nào là nhà báo thì không cho vào. Nam Cường, phóng viên báo Tiền Phong, nói “để em vào”. Xong lại quay về bảo: “Họ không cho vào!”.
Huy Kha, phóng viên VTV, có giấy mời đi theo đoàn của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội, lọt qua vòng bảo vệ thứ nhất rồi cũng phải dừng lại. Huy Kha tường thuật tại hiện trường, phim phát trên VTV1 có hình ảnh ai đó đưa tay bịt ống kính. Anh nói phát rồi cũng như không phát, họ chẳng nói gì! Đoàn vào trong rồi ra ngoài họp với ban quản lý thủy điện, cũng họp kín. Các nhà báo đứng bên ngoài.
Chưa có một đợt truyền thông lớn nào như vừa rồi về Sông Tranh 2 mà báo chí chỉ “hóng hớt” từ lãnh đạo, chuyên gia những gì họ tận mắt thấy và kể lại.
Tôi hỏi ông Trần Xuân Vinh, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam: “Các đoàn công tác có được tập huấn về an toàn khi vào đường hầm thủy điện Sông Tranh 2 không?”. Không trả lời câu hỏi nhưng ông Vinh đặt câu hỏi khác: “Thủy điện Sông Tranh 2 có phải là công trình bí mật quốc gia đâu mà ngăn cản báo chí? Càng giấu giếm người ta càng nghi, anh cần nói rõ để tạo sự đồng thuận xã hội”.
Nhưng họ không cho vào, làm gì được họ? Bức xúc quá, trong một cuộc họp giao ban, các nhà báo đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh tác động với ban quản lý thủy điện này để anh em vào tác nghiệp dễ dàng. Ông Lê Phước Thanh, chủ tịch UBND tỉnh, nói: “Đất đã giao cho họ, nhà họ đã làm, nên cho vào hay không là quyền của họ, tỉnh cũng chịu nên anh em thông cảm!”.
Chủ đầu tư thủy điện này là doanh nghiệp. Công trình này là công trình an sinh xã hội, sản xuất điện để phục vụ đời sống. Sự bền vững hay không ảnh hưởng đến hàng chục vạn người. Thế nhưng vì sao họ bưng bít, cấm cửa báo chí? Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam từng tuyên bố vì trách nhiệm với dân sẽ chất vấn chuyện nứt đập Sông Tranh 2 tại phiên họp Quốc hội lần này. Khi đó có vị nào đại diện giới báo chí đang ngồi trong hội trường Quốc hội hãy hỏi giúp anh em một câu: Vì sao bị cấm cửa?
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?