Tin tức - Sự kiện

Vì sao cần phải trình CNMD và ghi vào toa thuốc?

Bộ Y tế cho rằng việc ghi thêm số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ vào trong đơn thuốc dành cho trẻ dưới 72 tháng tuổi là việc cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Trước thông tin cho rằng Thông tư 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 (có hiệu lực vào ngày 1.3.2018) quy định trẻ dưới 72 tháng tuổi khi điều trị ngoại trú thì bác sĩ kê đơn thuốc phải kèm theo số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ trẻ là gây phiền hà, phức tạp, không cần thiết đối với cả người nhà bệnh nhi và bác sĩ, ông Cao Hưng Thái - Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh ( Bộ Y tế) khẳng định đây là việc cần làm và không có gì gây ra khó khăn.

Một bệnh nhi dưới 72 tháng tuổi được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: PV.

Theo ông Thái, tại Điều 6 của Thông tư 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017, Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú đã nói rõ: Bác sĩ phải ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong Đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh; ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú; đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

“Như vậy, cần được hiểu rõ là khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo chứng minh thư nhân dân để khi kê đơn các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên. Khi có đơn thuốc (với đầy đủ thông tin về địa chỉ và số chứng minh nhân dân của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi) thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ đều có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc”, ông Thái nói.

Phân tích của ông Thái cho thấy đơn thuốc phải bảo đảm được 3 vấn đề chính là tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; đảm bảo tính kinh tế và đảm bảo bảo tính pháp lý. Để đảm bảo tính kinh tế thì người bệnh phải tính được chi phí khám chữa bệnh; còn đảm bảo tính pháp lý là phải thể hiện mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong cung cấp dịch vụ y tế.

Ông Thái cho rằng, việc ghi thêm số chứng minh nhân dân của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ trong đơn thuốc dành cho trẻ dưới 72 tháng tuổi là việc hoàn toàn cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay. Cũng có thể xuất hiện một vài trường hợp phát sinh, song đa số trẻ dưới 6 tuổi đều được bố, mẹ và người thân đưa đi khám nên việc ghi số chứng minh nhân dân là không có gì quá khó khăn.

Trước những lo ngại làm sao để giám sát được kê đơn thuốc có thông tin về chứng minh thư tại các nhà thuốc, ông Thái cho biết khi đi kiểm tra giám sát nếu phát hiện ra nhà thuốc vẫn bán cho những đơn mà không có chứng minh thư cho trẻ dưới 72 tháng tuổi thì trước tiên sẽ là trách nhiệm của nhà thuốc, sau đó sẽ là trách nhiệm của Bác sĩ kê đơn.

 

Theo ông Thái, Thông tư số 52/2017/TT-BYT liên quan đến nhiều đối tượng. Thông tư đã kế thừa những quy định trước đây, đồng thời xin ý kiến các bên liên quan trước khi ban hành. Trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế tiếp tục có những đánh giá, khảo sát để kịp thời bổ sung và hoàn thiện những bất cập nếu có.

Nên đọc
Theo Một thế giới
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo