Vì sao công tác điều tra thảm họa MH17 gặp nhiều khó khăn?
Tất cả 282 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn trong chuyến bay MH17 từ Amsterdam tới Kuala Lumpur đã bị thiệt mạng hôm thứ 5 (17/7). Các nhà chức trách Mỹ và các chuyên gia hàng không cho rằng chiếc Boeing 777 này có khả năng bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không. Tuy nhiên, tới thời điểm này vẫn chưa có bằng chứng nào về kẻ chủ mưu đứng sau vụ tấn công này.
Ukraine và phiến quân ly khai thân Nga đều cố đổ lỗi cho nhau. Còn nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng máy bay MH17 đã bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không từ khu vực do phe ly khai ở miền Đông Ukraine kiểm soát. Về phần mình, Nga cáo buộc chính phủ Ukraine đã đẩy quân nổi dậy vào tình trạng bạo lực này.
Nhà phân tích hàng không Gerard Feldzer nhận định: “Chúng ta đang ở một đất nước đầy tranh chấp với cuộc chiến về thông tin. Các nước đang cố gắng tìm kiếm một con tốt đen cho mình.”
Trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng, các bên sẽ vì quyền lợi của mình mà sẽ xem nhẹ mục tiêu tìm ra thủ phạm thực sự.
Trong cuộc họp khẩn cấp ngày 18/7, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã ra kêu gọi mở “một cuộc điều tra quốc tế độc lập và toàn diện” liên quan tới vụ máy bay MH17 bị bắn hạ. Tuy nhiên, đây là một đề xuất phức tạp và khó thực hiện.
Theo luật hàng không quốc tế, Ukraine phải là quốc gia đi đầu cuộc điều tra vụ thảm họa máy bay trong lãnh thổ của mình.
Anton Gerashenko, cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, cho biết cuộc điều tra sẽ được thực hiện bởi Bộ Nội vụ và Cơ quan An ninh của Ukraine. Họ sẽ cùng làm việc với các nhà quan sát quốc tế.
Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu đã cử một nhóm các nhà quan sát quốc tế tới hiện trường. Tuy nhiên, sau đó, nhóm này báo cáo rằng khu vực có những mảnh vỡ đã bị hạn chế tiếp cận.
Các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) cho biết hôm thứ 6 rằng phía Ukraine đã tìm được hai chiếc hộp đen của máy bay, một máy ghi âm dữ liệu chuyến bay và một máy ghi âm ở buồng lái. Đây có thể là những bằng chứng chứa đựng những đầu mối quan trọng để xác định điều gì đã xảy ra trong máy bay tại thời điểm trước khi bị bắn hạ.
Một trợ lý cho thủ lĩnh nhóm phiến quân ly khai cho biết quân nổi dậy đã khôi phục được rất nhiều thiết bị tại hiện tường và đang xem xét nên làm gì với chúng. Sau đó, một thủ lĩnh nhóm quân ly khai có tên là Aleksandr Borodai đã phủ nhận thông tin trên.
Các chuyên gia quốc phòng cho biết máy bay có khả năng bị bắn hạ bởi một tên lửa từ hệ thống Buk, một thiết bị được sử dụng từ thời Liên Xô cũ được sử dụng bởi cả quân đội Nga và Ukraine.
Hiện tại, không hề có bằng chứng nào chứng tỏ nhóm quân ly khai đã sử dụng loại tên lửa này trước đó, mặc dù một tài khoản Twitter của quân nổi dậy đã tự hào “khoe” chiến tích đoạt được một hệ thống Buk từ quân đội Ukraine hồi tháng trước và các phóng viên của hãng AP cũng đã nhìn thấy một hệ thống như thế vài giờ trước khi vụ tai nạn xảy ra ngày 17/7 tại khu vực tranh chấp do quân nổi dậy chiếm đóng.
Feldze cho biết mục tiêu của các nhà điều tra là “tìm ra những mảnh vỡ được của tên lửa và xác định quỹ đạo di chuyển của nó”. Khi các nhà điều tra tới hiện trường, họ có thể xác định được liệu chiếc máy bay này bị bắn rơi bởi một hay nhiều tên lửa, và kích cỡ của hệ thống tên lửa có liên quan.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng “rất khó để xác định được ai là kẻ chủ mưu”, trừ khi các nhà điều tra có thể tìm thấy ảnh vệ tinh hoặc các bản ghi radar của tên lửa.
Jusstin Bronk, một nhà phân tích nghiên cứu thuộc Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, cho rằng Mỹ hiện đang sở hữu những vệ tinh quân sự hiện đại cho phép phát hiện một vụ phóng tên lửa. Song, để giữ bí mật khả năng giám sát quân sự của mình, Mỹ sẽ không bao giờ cung cấp những bức ảnh này.
Hiện trường vụ tai nạn rất lớn, do đó các chuyên gia nghi ngờ rằng các tay súng nổi loạn có thể đã lấy đi những bằng chứng quan trọng vào thời điểm hỗn loạn sau thảm họa khi họ trà trộn vào cùng các công nhân cứu hộ và thợ mỏ địa phương để tìm kiếm các mảnh vỡ và xác nạn nhân.
Charles Heyman, biên tập viên của Lực lượng Vũ trang EU, cho biết từ các vỏ bọc tên lửa có thể tìm ra người đã cung cấp vũ khí đã bắn hạ máy bay MH17. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng, nếu nhóm nổi dậy là người phóng tên lửa, thì có nhiều khả năng họ đã lấy đi những mảnh vỡ vỏ bọc từ hiện trường.
Bộ Nội vụ Ukraine đã phát đi một video với nội dung là: một chiếc xe tải chở giàn phóng tên lửa Buk có 1 trong 4 tên lửa đã bị mất tích đang tiến về biên giới với Nga. Cơ quan này cũng cho biết cảnh quay này được ghi lại sáng sớm hôm thứ 6 bởi một đội giám sát của cảnh sát Ukraine. Song, không có cách nào để chứng minh tính xác thực của video này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo