Vì sao doanh nghiệp "muốn chết" mà không thể?
Những con số gây chấn động
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang bị tổn thương do hệ lụy từ khủng hoảng kéo dài, việc doanh nghiệp phá sản hay giải thể không còn là chuyện mới vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, con số mà Cục Quản lý đăng ký kinh doanh vừa công bố khiến bất kỳ ai quan tâm đến nền kinh tế Việt Nam sẽ không khỏi lo âu.
Theo đó, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư) vừa cho biết, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây (tức từ 2011 – 2014), có khoảng 190,3 nghìn doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động.
Nghịch lý là ở chỗ, hiện mới chỉ có 30 nghìn doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, chiếm 15,7%.
Hơn 160 nghìn doanh nghiệp còn lại hoặc không thực hiện hoặc “làm không nổi” thủ tục giải thể, phá sản.
Chưa có con số thống kê chính xác nhưng chắc chắn thiệt hại cho nhà nước sẽ không hề nhỏ.
Bao gồm việc thất thu thuế nhà nước, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, các thống kê có liên quan sẽ bị lệch lạc, gây khiếu kiện tràn lan…
Trong một diễn biến khác, con số 83 doanh nghiệp “phá sản đúng quy trình” trong vòng 10 năm thực thi Luật Phá sản (từ 2004) được đưa ra ngay tại một buổi nghị trường quan trọng từng khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Luật Phá sản 2004 vừa diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, con số đáng chú ý trên đã được dẫn dụ.
Trong khi đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, từ thực lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, con số doanh nghiệp giải thể, phá sản được công bố mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, trong một hội nghị đã từng chia sẻ, hiện có một số lượng khá lớn doanh nghiệp chỉ đang hoạt động cầm chừng, năng lực sản xuất có khi giảm tới 30 – 50% do “đói vốn”, không thể duy trì và mở rộng sản xuất.
Thậm chí, theo bà Lan, không ít doanh nghiệp thực ra đã “chết” nhưng chưa công bố vì chưa lo xong thủ tục giải thể hoặc phá sản.
Tắc ở đâu?
Hầu hết doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng xin "phá sản" mãi không được là do hệ thống quy định về phá sản doanh nghiệp hiện hành còn nhiều bất cập.
Thậm chí, nhiều ý kiến còn thẳng thắn cho biết, có khá nhiều lần tranh luận về điều kiện phá sản của doanh nghiệp, nhưng cuối cùng cũng không rõ việc nếu muốn phá sản, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì?
Từ thực tế của một số doanh nghiệp cho thấy, thời gian để hoàn thành thủ tục phá sản theo đúng quy trình của luật thường mất từ 3 – 5 năm thậm chí lâu hơn.
Có đến hàng mớ thủ tục “bùng nhùng” dẫn đến việc này như: Chậm tiến hành các thủ tục triệu tập chủ nợ, xác định loại chủ nợ, khoản nợ…; Việc khó nhất vẫn là xác định giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp.
Trường hợp xác định nhanh chóng, số tài sản còn lại sẽ sớm được doanh nghiệp khác tiếp quản và hoạt động sản xuất thì còn giá trị nhất định để đền bù cho các chủ nợ.
Ngược lại, việc kéo dài thời gian do vướng thủ tục sẽ gặp khó trong thu hồi nợ do tài sản còn lại của doanh nghiệp sẽ mất dần giá trị, phải xác định lại nhiều lần khiến không thể xử lý được.
Tại phiên họp góp ý cho dự thảo Luật Phá sản của Ủy ban Kinh tế Quốc hội tháng 3 vừa qua, ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban bình luận, cần phải tạo điều kiện “ân xá” cho doanh nghiệp được “chết”, tránh trường hợp “chết lâm sàng” rồi mà vẫn bị lôi lên “sống lại”.
Mặt khác, theo luật hiện hành, chủ doanh nghiệp nếu bị “tuyên án” phá sản sẽ không được quyền thành lập và giữ các chức vụ quản lý doanh nghiệp mới.
“Hình phạt” này có thể mang lại cả 2 loại tác động tích cực và tiêu cực. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp kinh doanh không đúng pháp luật thì đây sẽ là hình phạt thích đáng.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, phá sản do nhiều yếu tố khác, hình phạt này là khá nặng.
Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, nó sẽ làm giảm hoặc mất hẳn đi tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân nhất là những người trẻ mới bước chân vào thương trường.
Thêm nữa, việc doanh nghiệp “dài cổ” chờ xin được “chết” sẽ rất dễ tạo nên những ảo tưởng về một nền kinh tế thuận lợi, làm đẹp các báo cáo và cả những con số thống kê.
Đặc biệt là hệ lụy mang đến cho hệ thống ngân hàng, do không muốn giảm lợi nhuận, các nhà băng đã “đảo nợ” hay tiếp tục “bơm” thêm vốn với mục tiêu “hồi sinh” các doanh nghiệp thay vì cho phá sản.
Con số nợ xấu gây bức xúc dư luận trong thời gian qua chính là kết quả khá “xót xa” của các ngân hàng trong cuộc đua lợi nhuận ảo.
Trước thực trạng nhức nhối trên, dư luận và cộng đồng doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào một sự đột phá mới từ Dự thảo sửa đổi Luật Phá sản 2004 dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá