Vì sao Mỹ ngày càng cứng rắn với TQ?
"Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã cứng rắn hơn so với trước đó. Thái độ này thể hiện quan điểm rộng hơn trong chính sách đối ngoại của chính quyền tổng thống Obama".
Đó là khẳng định của tiến sỹ Ely Ratner, Phó giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu về một nền an ninh mới của Mỹ (Center for a New American Security), và cũng là chuyên viên của Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Có mối quan ngại chung về biển Đông
Là người tham dự Đối thoại Shangri-la ở Singapore, ông nhìn thấy vấn đề Biển Đông được đề cập như thế nào tại diễn đàn này?
Hầu như thất cả các cuộc đối thoại đều tập trung vào vấn đề an ninh hàng hải tại khu vực Biển Đông. Chủ đề này đã chi phối trong các cuộc thảo luận, cả các phiên thảo luận công khai lẫn các cuộc đối thoại kín.
Các vấn đề khác như Bắc Triều Tiên, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ trong thảm hoạ, về vấn đề Nga và Ukraina được đề cập rất hạn chế.
Vậy quan điểm chung của các đoàn tham dự đối thoại về tranh chấp tại Biển Đông hiện nay là như thế nào?
Rõ ràng Mỹ và Nhật Bản tại đối thoại đã sẵn sàng công khai phản đối thái độ cứng rắn của của Trung Quốc. Tôi nghĩ là tất cả các nước trong khu vực cũng đều lo ngại về thái độ đó, và đã trao đổi với với các quan chức đã tham gia vào các cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel với Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, cũng như giữa ông Hagel với các quan chức trong khu vực.
Rõ ràng là có mối quan ngại chung về những hành động hiện nay của Trung Quốc.
Tại đối thoại, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chỉ trích mạnh mẽ hành động "đơn phương và gây bất ổn của Trung Quốc". Theo ông, tại sao lần này phía Mỹ lại tỏ thái độ mạnh mẽ đến vậy?
Đúng là Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã cứng rắn hơn so với trước đó. Thái độ này thể hiện quan điểm rộng hơn trong chính sách đối ngoại của chính quyền tổng thống Obama.
Nếu ngược thời gian một chút, tháng 11 năm ngoái, chính quyền Mỹ đã bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc, tôi nghĩ đầu tiên là để đáp trả lại tuyên bố về vùng nhận dạng phòng không (ADNZ) của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông. Sau thời điểm đó thì quan điểm của chính quyền tổng thống Obama ngày càng cứng rắn hơn.
Thách thức mà TQ phải đối mặt
Tại đối thoại Shangri-la, Thủ tướng Nhật Bản đã tuyên bố Nhật Bản sẽ "hỗ trợ tối đa cho các nước ASEAN trong việc đảm bảo an ninh hàng không hải tại khu vực." Theo ông, Nhật có thể hỗ trợ gì cho các nước ASEAN?
Nhật Bản có quá trình can dự lâu dài và mang tính lịch sử tại Đông Nam Á. Họ giữ một vai trò lớn tại khu vực. Và rõ ràng đó cũng là ưu tiên của thủ tướng Shinzo Abe.
Từ khi lên nhậm chức, ông Abe đã thăm tất cả các nước trong khu vực, thảo luận về các biện pháp khác nhau để xây dựng quan hệ với các nước trong khu vực. Về những khía cạnh cụ thể mà Nhật có thể giúp để tăng cường an ninh, thứ nhất là can dự về thể chế. Thứ hai là hỗ trợ phát triển chính thức, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến các lực lượng an ninh trong khu vực. Và thứ 3 là các hỗ trợ trực tiếp hơn nhằm giúp tăng cường năng lực và đào tạo quân sự cho các nước, như việc hỗ trợ tàu tuần tra cho Việt Nam. Nên tôi nghĩ Nhật Bản có thể làm được nhiều và có những đóng góp quan trọng cho khu vực.
Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung tại Shangri-la phản đối lại phát biểu của ông Chuck Hagel, cho rằng bài phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ "đầy rẫy những lời lẽ mang tính bá quyền và hăm doạ đối với Trung Quốc". Ông có bình luận gì về ý kiến này?
Tôi nghĩ rất ít người bên ngoài Trung Quốc đồng ý với bài phát biểu đó, và sự tham dự của đoàn Trung Quốc tại Shangri-la không chuyên nghiệp và không giúp ích gì cho các cuộc đối thoại. Tôi rất ngạc nhiên với bài phát biểu của tướng Vương Quán Trung khi ông ta nói rằng Trung Quốc không bao giờ là bên châm ngòi cho các rắc rối tại Biển Đông. Tôi cho rằng đó đơn thuần chỉ là chiêu bài tuyên truyền của Trung Quốc.
Nhưng xin nhắc lại, không ai bên ngoài Trung Quốc tin vào điều đó. Nên tôi nghĩ bài phát biểu của ông Vương không được coi trọng. Bài phát biểu đó chỉ nhắm vào công chúng Trung Quốc, và tướng Vương cố thể hiện với các đồng nghiệp và chính phủ trong nước là ông ta đang tỏ thái đội cứng rắn. Thực ra cho dù ông ta có kỳ vọng gì từ bài phát biểu này thì kết quả cuối cùng mà bài phát biểu mang lại vẫn là những suy nghĩ tiêu cực về hình ảnh của Trung Quốc.
Rất nhiều lần trong cuộc đối thoại Shangri-la, người điều hành phiên họp đã phải ngăn hoặc cố gắng ngăn các câu hỏi khiếm nhã và hung hăng mà các thành viên đoàn Trung Quốc đưa ra đối với các diễn giả, trong đó có bộ trưởng Mỹ Chuck Hagel. Không có thành viên của bất cứ đoàn nào có cách hành xử kỳ cục và không thể tưởng tượng nổi giống như đoàn Trung Quốc.
Tôi cho rằng cách hành xử của đoàn Trung Quốc tại Shangri-la rất không chuyên nghiệp và thể hiện sự thiếu tự tin của một cường quốc.
Theo ông, với cách hành xử như hiện nay tại Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức gì?
Thách thức mà Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt, là nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài quốc tế thì điều đó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới khu vực, tới Trung Quốc và cả thế giới là Việt Nam và cả ASEAN coi trọng một hệ thống vận hành theo luật pháp tại châu Á.
Theo VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo