Vì sao Petro Vietnam vẫn chưa thoái vốn khỏi ngân hàng?
Chính phủ chỉ đạo Petro Vietnam tiếp tục hỗ trợ vốn cho PVCombank cho đến hết năm 2015...
Chính phủ đã có chỉ đạo đồng ý để Petro Vietnam tiếp tục “tiếp sức” cho PVCombank hoạt động khỏe mạnh tới hết năm 2015, sau thời gian này tập đoàn mới rút bớt vốn tại PVCombank.
Đó là lý giải của Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) Lê Minh Hồng, khi nói về nguyên nhân vì sao tập đoàn này vẫn chưa thể thoái vốn ở lĩnh vực ngân hàng, cho dù đã có kế hoạch từ khá lâu.
Trao đổi với báo chí ngày 8/10, ông Hồng cho biết, hiện Petro Vietnam đang nắm giữ 20% vốn tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và 52% vốn tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank).
Đây cũng là hai đơn vị chiếm phần lớn số vốn cần mà Petro Vietnam cần phải thoái tại các doanh nghiệp tài chính với giá trị khoảng trên 5.000 tỷ đồng.
Với trưởng hợp tại PVCombank, ông Hồng cho hay Chính phủ đã có chỉ đạo đồng ý để Petro Vietnam tiếp tục hỗ trợ cho PVCombank hoạt động khỏe mạnh tới hết năm 2015. Sau thời gian này mới rút bớt vốn tại đây.
Còn với số vốn hiện đang góp tại OceanBank, dù Petro Vietnam đã có phương án song cũng chưa thể triển khai, do vướng hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước.
“Theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc thoái vốn nhà nước tại các ngân hàng, công ty tài chính… phải theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, để đảm bảo tiến hành song song và an toàn cho hệ thống ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc”, ông Hồng nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Petro Vietnam "hứa" đến cuối năm 2015 sẽ thoái hết vốn đầu tư tại những đơn vị này.
Lãnh đạo Petro Vietnam cũng cho hay, đơn vị duy nhất Petro Vietnam thoái xong trong quý 3/2014 là Khu Công nghiệp Lai Vu, dưới hình thức “chuyển giao quản lý, giữ nguyên giá trị” cho tỉnh Hải Dương với giá trị tài sản bàn giao trên 600 tỷ đồng.
Liên quan tới tiến độ cổ phần hóa tại các đơn vị thành viên, lãnh đạo Petro Vietnam, cho biết, hiện còn 5 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa xong, là các công ty Phân bón dầu khí Cà Mau, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, Tổng công ty Điện lực Dầu khí và Tổng công ty Dầu (PV Oil).
Riêng với Lọc hóa dầu Bình Sơn, hiện Petro Vietnam đang đàm phán với đối tác Gazprom Neft để chuyển thành công ty TNHH hai thành viên, mỗi bên góp vốn 49%.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Petro Vietnam, đối với trường hợp Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, sau khi tiếp nhận từ Vinashin, hiện doanh nghiệp này đang được đưa vào danh sách “không thể cổ phần hoá” do số lỗ quá lớn trong khi vốn nhà nước tại đây gần như đã không còn đồng nào.
Với trường hợp này, buộc Petro Vietnam có thể phải cậy nhờ vốn từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), vốn góp từ cán bộ nhân viên trong ngành…
Cũng tại buổi họp báo ngày 8/10, đại diện Petro Vietnam lý giải chuyện Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn - đơn vị đang quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất, có lợi nhuận tăng khá mạnh, trong khi sản lượng sản xuất lại sụt giảm, là do giá dầu thô trong thời gian qua giảm nhiều, trong khi giá dầu thành phẩm thường có độ trễ.
Bên cạnh đó, do trong năm 2013, nhà máy lọc dầu Dung Quất phải bảo dưỡng, bảo trì định kỳ tốn khá nhiều chi phí, trong khi năm nay hoạt động liên tục, ổn định nên lợi nhuận dự kiến đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2013.
Cũng theo Petro Vietnam, bên cạnh 3 dự án lọc dầu lớn là Nghi Sơn, Dung Quất và Long Sơn, hiện một số dự án lọc dầu khác cũng đang được các nhà đầu tư nghiên cứu và đều nằm trong chủ trương của Chính phủ.
“Nếu chúng ta làm tốt thì có thể vẽ lại bản đồ lọc dầu thế giới”, lãnh đạo Petro Vietnam nói.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo