Thị trường

Vì sao tập đoàn than đề nghị giảm thuế xuất khẩu?

Việc Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 0%, khiến ngay cả những người trong ngành không khỏi ngỡ ngàng.

Nhất là trong bối cảnh nguồn than hữu hạn, khai thác ngày càng phải xuống sâu, khả năng nhập khẩu cực kỳ khó khăn.

 

Vì sao ngành than lại có đề nghị này trong khi đây là tài nguyên không khuyến khích xuất khẩu?

 

Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam đề nghị giảm thuế xuất khẩu than với lý do: tiêu thụ than trong nước chậm, giá than xuất khẩu giảm mạnh, tồn kho tăng cao, trong khi giá than đang bán cho sản xuất điện chỉ bằng một nửa giá thành nhưng vẫn chưa được điều chỉnh giá.

 

Theo dự kiến, nếu không được điều chỉnh giá kịp thời, trong năm 2012 này ngành than sẽ phải chịu thiệt khoảng 8.500 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, theo Phó tổng Cục trưởng Tổng cục năng lượng, Bộ Công thương Nguyễn Khắc Thọ, với một mặt hàng chiến lược, thuộc diện nhạy cảm về an ninh năng lượng và tác động chi phối giá cả thị trường thì việc tăng giá than cho điện cần phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.



Xét trên góc độ khó khăn của doanh nghiệp về việc làm, thu nhập và cả vốn để đầu tư thì cả tăng giá và giảm thuế đều có lý.

Viện trưởng Viện Năng lượng Hoàng Tiến Dũng

 

Viện trưởng Viện Năng lượng Hoàng Tiến Dũng cho rằng, điều hành chính sách hiện nay cũng thực sự gặp khó khi phải lựa chọn một trong hai phương án: tăng giá than cho điện hoặc giảm thuế xuất khẩu than.

 

Xét trên góc độ khó khăn của doanh nghiệp về việc làm, thu nhập và cả vốn để đầu tư thì cả tăng giá và giảm thuế đều có lý.

 

Xét ở góc độ nguồn than hữu hạn, quy hoạch điện thiếu than và khả năng nhập khẩu còn mờ mịt thì nên tăng giám sát. Nhưng nếu giá than tăng sẽ kéo theo giá điện tăng ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội cũng nên cân nhắc chuyện giảm thuế nhập khẩu than.

 

Ngược lại hoàn toàn quan điểm này, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) Phạm Quang Tú cho rằng, không những không nên giảm mà còn phải tăng thuế xuất khẩu than. Bởi nhu cầu sử dụng loại tài nguyên này cho sản xuất, đặc biệt là các nhà máy điện đang cao nên Chính phủ cần có lộ trình để dần hướng tới cấm hoàn toàn xuất khẩu than.



Đề xuất của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam là đi ngược lại với chủ trương chung.

Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển , Phạm Quang Tú

 

Vì thế, đề xuất của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam là đi ngược lại với chủ trương chung.

 

 Ts, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, ở nước ta việc quản lý khoáng sản nói chung, khoáng sản than nói riêng đang không có định hướng nhất quán và không giống ai.

 

Tài nguyên than không được khuyến khích xuất khẩu, thậm chí là cần phải dừng lại.

 

Nếu những ngành khác không sản xuất thì sẽ không ra sản phẩm, song, với tài nguyên thiên nhiên thì không khai thác thì sẽ còn nguồn vốn cho mai sau.

 

Do tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, không tái tạo được nên rất cần có hệ thống giải pháp đồng bộ để khai thác, sử dụng hiệu quả.

 

Do đó, theo Ts Vũ Đình Ánh cần thu thuế tài nguyên không tái tạo ở mức cao, không khuyến khích xuất khẩu để lấy nguồn thu phát triển kinh tế - xã hội.

 

Cùng với đó, cần phải tính toán lợi ích của ngành than trên tổng thể một bài toán chung, cân đối giữa lợi ích kinh tế - xã hội lâu dài với khả năng hiện có của ngành than cũng như tài nguyên khoáng sản than.



Quản lý khoáng sản nói chung, khoáng sản than nói riêng đang không có định hướng nhất quán và không giống ai. Tài nguyên than không được khuyến khích xuất khẩu, thậm chí là cần phải dừng lại

 Ts, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

 

Nhiều chuyên gia trong ngành năng lượng quả quyết, giá than xuất khẩu thấp có thể là cơ hội để cấm hoàn toàn việc xuất khẩu loại tài nguyên này.

 

Bởi xuất than trong điều kiện hiện nay là bán rẻ tài nguyên bằng mọi giá.

 

Giải pháp hiện nay cần làm không phải là giảm thuế xuất khẩu để tăng lợi nhuận cho ngành than và tăng lượng than xuất khẩu ra ngoài.

 

Vấn đề cốt lõi là phải giải quyết các chính sách trong nước. Theo đó, cần nhanh chóng thúc đẩy các loại hàng hóa thiết yếu như than, điện, xăng dầu… theo cơ chế giá thị trường.

 

Lấy giá thị trường làm cơ sở chứ không phải là giá bị ép hoặc bị ấn định bởi cơ quan quản lý nhà nước hay của các tập đoàn kinh tế.

 

Mặt khác, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu năm 2013 các mặt hàng này buộc phải thực hiện theo cơ chế thị trường. Nếu không biết tận dụng thời gian sẽ khó còn cơ hội để thực hiện mục tiêu đề ra.

 

Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) PHẠM QUANG TÚ: Khi nguồn lực và điều kiện đất nước thay đổi thì cần chuyển đổi cách thức khai thác tài nguyên

Việc khai thác các loại khoáng sản, trong đó có than đã đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn đầu. Và khi nguồn lực của đất nước chưa nhiều thì phải chấp nhận mô hình khai thác tài nguyên để tạo đà cho phát triển.

 

Tuy nhiên, nguồn lực và điều kiện hiện nay của nước ta đã thay đổi thì cần chuyển đổi cách thức khai thác tài nguyên. Điều này cũng để phù hợp với chủ trương chuyển từ mô hình phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu.

 

Hơn nữa, kết quả nghiên cứu khai thác than của Viện tư vấn phát triển cho thấy, chỉ có 20 – 25% lợi ích từ khai thác than là đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Đa số lợi nhuận thuộc về doanh nghiệp, về nhà đầu tư, trong khi đó, người dân hầu như không nhận được gì mà phải chịu tác động về mặt môi trường, xã hội.

 

Đồng thời, nếu đánh giá đầy đủ những chi phí để phục hồi môi trường hay ảnh hưởng của người dân bị mất đất thì thấy khoản thu được của Nhà nước không bù đắp được cho những chi phí này. Không chỉ với ngành than, việc khai thác khoáng sản titan nếu tính toán đầy đủ, nhất là chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thì ngân sách Nhà nước bị lỗ.

Theo Nguyên Long (NĐBND)
 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo