Quốc tế

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ "xuống nước" xin lỗi Nga vụ Su-24?

(DNVN) - Dư luận thế giới hiện đang đặt nghi vấn tại sao Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ "xuống nước" xin lỗi Nga một cách vô điều kiện vì bắn rơi Su-24 vào cuối năm ngoái.

Tin tức tên báo Vnexpress, trong bức thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ hối hận về vụ tiêm kích F-16 của nước này bắn rơi máy bay Su-24 Nga vào tháng 11/2015 ở khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, theo New York Times.

Một đoạn clip phát sóng sau đó trên đài truyền hình nhà nước Nga cho thấy những phiến quân người Turk ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn chết một phi công Nga sau khi người này nhảy dù từ chiếc máy bay bốc cháy.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters

Tổng thống Putin đã gọi hành động bắn máy bay Su-24 của Thổ Nhĩ Kỳ là "một nhát đâm sau lưng do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện". Trong bức thư gửi ông Putin, Tổng thống Erdogan đã gửi lời xin lỗi và cho biết ông "chia sẻ nỗi đau với gia đình của phi công bị bắn chết và gửi lời chia buồn đến họ", đồng thời "mong họ tha lỗi".

Giới quan sát đánh giá ông Erdogan hiện rơi vào tình thế bị cô lập ngoại giao bởi theo đuổi lập trường ngày càng độc đoán, đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào thế đối đầu với châu Âu vì cuộc khủng hoảng người tị nạn và thực thi chính sách ngoại giao phô diễn sức mạnh mới, trong đó có cả chiến lược thất bại ở Syria.

Động thái "xuống nước" của Thổ Nhĩ Kỳ khi chủ động tiếp cận Nga có thể được xem như một nỗ lực nhằm khắc phục một số tổn hại do chính sách ngoại giao của ông gây ra.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang nếm trải cảm giác bị cô lập trong vài năm qua sau khi chuyển từ trạng thái 'không bất hòa với các nước láng giềng' sang tình thế không có láng giềng nào không tồn tại vấn đề với Thổ Nhĩ Kỳ'", Asli Aydintasbas, chuyên gia từ Hội đồng châu Âu về Đối ngoại, nhận xét.

"Đây là thời điểm cô đơn nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ vì dường như chỉ có Qatar và Arab Saudi là những người bạn thực sự của nước này", bà Aydintasbas nói.

Dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thiết lập quan hệ hữu nghị với các nước Hồi giáo láng giềng, một động thái thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Ankara đã tính toán sai lầm, đặc biệt là ở Syria với cuộc vận động lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Ankara cũng bị chỉ trích vì để các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) di chuyển thoải mái giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

 

Theo Soner Cagaptay, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Washington về Chính sách Cận Đông, áp lực khủng khiếp từ mọi mặt của Nga đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu khuất phục.

"Nga đã tạo sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ cả về mặt quân sự lẫn tình báo và không gian mạng kể từ biến cố rơi máy bay hồi tháng 11/2015. Điều này khiến ông Erdogan vô cùng lo lắng", Cagaptay nói.

Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cũng cho biết Tổng thống Erdogan sẽ nói chuyện với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong tuần này, nhằm củng cố lại mối quan hệ giữa 2 nước vốn cũng có nhiều căng thẳng liên quan đến cuộc chiến tại Syria. Báo Nghệ An thông tin.

Thủ tướng Yildirim còn cho hay các thủ tục pháp lý đang được tiến hành nhằm vào 1 cá nhân đang bị cáo buộc chịu trách nhiệm về cái chết của phi công Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã từ chối xin lỗi về vụ việc, đồng thời khẳng định, máy bay của Nga bay vào không phận của mình bất chấp các cảnh báo của nước này. Tuy nhiên phía Nga khẳng định máy bay của nước này không vượt qua biên giới 2 nước và cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ có “hành động khiêu khích có chủ ý”.

 

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo