Vì sao Thủ tướng trả lời chất vấn chỉ trong vài chục phút?
Cách thức lựa chọn Bộ trưởng đăng đàn, thời gian trả lời chất vấn của Thủ tướng nhận được sự quan tâm nhiều nhất của báo giới tại phiên họp báo bế mạc Quốc hội chiều 29/11.
Thời gian hạn hẹp
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong việc lựa chọn các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, người phát ngôn, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc chọn Bộ trưởng trả lời được thực hiện đúng theo quy định.
Trước phiên chất vấn, VPQH đã phát phiếu xin ý kiến đại biểu về chất vấn. Việc lựa chọn Bộ trưởng sẽ dựa vào tỷ lệ câu hỏi nhận được từ các đại biểu, được ưu tiên thứ tự từ cao đến thấp. Ngoài ra việc lựa chọn còn dựa vào những vấn đề bức xúc trong xã hội đang được quan tâm và cũng ưu tiên Bộ trưởng chưa đăng đàn bao giờ.
Bên cạnh nhiều Bộ trưởng nhận được nhiều câu hỏi, cũng có “tư lệnh” không nhận được câu hỏi nào, đó là trường hợp của Bộ trưởng Giàng Seo Phử.
Trước thắc mắc tại sao không lựa chọn Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Phúc cho biết, Bộ trưởng Tiến chỉ nhận được 28 câu hỏi chất vấn từ đại biểu, trong khi các Bộ trưởng khác nhận được ít nhất 100 câu hỏi. Tuy nhiên, tại phiên chất vấn đoàn thư ký kỳ họp cũng sắp xếp, nếu có vấn đề liên quan đến Bộ trưởng Y tế thì sẽ mời trả lời thêm.
Tại buổi họp báo, phóng viên cũng thắc mắc vì sao thời gian trả lời chất vấn dành cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lại chỉ kéo dài trong vài chục phút? Trong khi ở các nước, người ta có thể kéo dài thời gian tới cả buổi tối, tại sao chúng ta không làm vậy?
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, ý tưởng kéo dài thời gian chất vấn và trả lời chất vấn như phóng viên đề cập là điều đáng phải suy nghĩ.
"Còn tại phiên chất vấn trong kỳ họp này, Thủ tướng là người thay mặt Chính phủ báo cáo với cử tri liên quan đến những hoạt động của Chính phủ, cũng để làm rõ hơn những vấn đề các Bộ trưởng trả lời chưa đầy đủ. Về thời gian thì Quốc hội đã ấn định rồi nên hết giờ thì phải nghỉ. Nhưng điều quan trọng là Thủ tướng Chính phủ đã hứa sẽ trả lời hết tất cả những câu hỏi của các ĐBQH nêu ra tại nghị trường", Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ..
Ông Uông Chu Lưu cũng nói thêm, sau khi sửa đổi thông qua Hiến pháp sẽ sửa luật Quốc hội và quy chế kỳ họp để thực hiện một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới.
Biểu quyết Hiến pháp: Không áp đặt
Một vấn đề thu hút sự chú ý của báo giời đặt ra tại phiên họp này là cách tính tỷ lệ ĐBQH thông qua các dự thảo, cũng như Hiến pháp. Giải đáp thắc mắc này, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, cách tính tỷ lệ của ta được tính theo tổng số đại biểu. Trước đây chúng ta có 500 đại biểu, sau đó bỏ 2 trường hợp, và giờ còn tổng cộng 498 đại biểu.
Ở các nước có nhiều cách tính, có thể tính theo đại biểu có mặt, còn ở Quốc hội Việt Nam thì quy định chung số. Số biểu quyết tính trên tổng số 498 đại biểu. Cách tính tính tỷ lệ sẽ tùy theo từng nước quy định.
Liên quan đến Hiến pháp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, công việc chuẩn bị dự án này để trình Quốc hội thông qua là cả một quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chặt chẽ trong 3 năm qua. Quốc hội đã cho ý kiến về Hiến pháp tại 3 kỳ họp Quốc hội, cùng hàng chục phiên họp tại UBTVQH, rồi tổ chức nhiều hội nghị đại biểu chuyên trách. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành 3 ngày để đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, sau đó được tập hợp làm báo cáo giải trình tiếp thu, và được trình bày trong buổi sáng 28/11.
Về kết quả biểu quyết có 488/498 đại biểu tham gia trực tiếp, trong đó có 486 đại biểu biểu quyết tán thành, 2 vị không biểu quyết. Về hai trường hợp này, ông Lưu nói, đây là quyền của đại biểu, Ủy ban soạn thảo, UBTVQH không áp đặt điều gì cả.
Tuy nhiên điểm đáng chú ý hơn, theo ông Lưu khi thông qua Nghị quyết về Hiến pháp ngay sau đó thì lại có 100% số đại biểu tán thành. “Khi biểu quyết thông qua, họ không thể hiện rõ quan điểm. Nhưng khi thông qua rồi họ lại tán thành tất cả, đó là điểm đáng chú ý” – ông Lưu nhấn mạnh.
Liên quan đến Luật đất đai sửa đổi được thông qua tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, dự án này cũng được chuẩn bị với một thời gian dài, và có liên quan chặt chẽ đến Hiến pháp. Trong 3 năm qua, ban soạn thảo đã luôn bám rất sát với dự thảo Hiến pháp.
Riêng lĩnh vực thu hồi đất, ông Quang khẳng định sau khi Luật đất đai sửa đổi thông qua, việc này sẽ được thực hiện rất chặt chẽ, khắc phục được nhiều vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua.
Mỗi ngày họp mất 1 tỷ đồng: chưa có cơ sở
Tại buổi họp báo, phóng viên nêu lại ý kiến của ĐBQH phản ánh tình trạng thời gian họp kéo dài, gây lãng phí, mỗi ngày họp Quốc hội mất chi phí khoảng 1 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, chương trình kỳ họp được gửi xuống cho các đoàn đại biểu tham gia ý kiến. Rồi phiên họp trù bị đã xin ý kiến một lần nữa mới biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
Lý do kỳ họp này dài hơn các kỳ trước vì có liên quan đến vấn đề nhân sự của Quốc hội, Chính phủ và phải làm đúng quy trình, đúng pháp luật, không thể làm dồn, làm tắt.
Đối với thông tin họp Quốc hội mỗi ngày tốn 1 tỷ đồng, theo ông Phúc là chưa có cơ sở. Ông nói thêm, Hội trường họp của Bộ Quốc phòng cho mượn, không mất kinh phí, mà chỉ mất tiền ăn, tiền ở khách sạn cho các đại biểu. Còn chi phí cho các phiên họp trước đó thì vẫn chưa có con số cụ thể.
InforNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo