Tin tức - Sự kiện

Vì sao Trung Quốc lo sợ khi Việt Nam có tàu ngầm?

Tàu ngầm Việt Nam chỉ hoạt động trong vùng biển Việt Nam thì việc có 3 chiếc, 6 chiếc hay 60 chiếc cũng vậy thôi…cớ sao Trung Quốc phải hằn học?

 Đương nhiên, tàu ngầm Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam không phải là hoạt động du lịch, khảo sát khoa học mà hoạt động chiến đấu (tác chiến) để bảo vệ vùng biển chủ quyền.

 
Rõ ràng, về thái độ của những kẻ lên tiếng lo ngại đã có vấn đề, đằng sau đó là một âm mưu lớn với vùng biển Việt Nam, cho nên, không chỉ khi tàu ngầm xuất hiện mà bất cứ loại vũ khí gì cho phòng thủ, thậm chí bất cứ mối quan hệ nào về quốc phòng với lân bang, cũng đều được coi là sự cản trở hoặc là tạo ra sự nguy hiểm không lường được cho âm mưu đến tối của họ.
 
Tuy nhiên, chỉ về thái độ thôi thì chúng ta không đáng quan tâm, vì thế giới này có nhiều quốc gia không thích, không muốn quốc gia láng giềng khác mạnh lên để dễ bề khống chế, nhưng thái độ đó gắn liền với một âm mưu thôn tính, chiếm đoạt…thì cũng nên phân tích kỹ một chút để thấy được rằng những lo sợ, hằn học, của kẻ có ý đồ độc chiếm biển Đông không phải là không có cơ sở. Vậy đó là những vấn đề gì?
 
Thứ nhất là lo ngại sự phát triển lực lượng của Việt Nam.
 
Khi Việt Nam đã có tàu ngầm tham gia tác chiến trong đội hình phòng thủ thì nhiều hay ít không quan trọng với Việt Nam mà đó chỉ là sự lựa chọn để đáp ứng với nhu cầu chiến thuật mà thôi.
 
Điều rất quan trọng cần quan tâm là, Việt Nam đã có đủ cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật, để phát triển lực lượng tàu ngầm, đáp ứng tình hình khi cần thiết.
 
Nên nhớ là để có được tàu ngầm tác chiến là không hề đơn giản cho bất kỳ quốc gia nào, riêng Việt Nam, nếu không nhầm thì đã phải chuẩn bị không dưới 20 năm. Và, các chuyên gia quân sự thế giới đã đánh giá sự xuất hiện của tàu ngầm Việt Nam rằng: “Cuộc chơi trên Biển Đông đã thay đổi” là không cường điệu hóa một chút nào.
 
Đúng! Một thế lực quân sự mới đã, đang, hình thành và sẽ phát triển trên Biển Đông.
 
Thứ hai là tàu ngầm Việt Nam trở nên rất lợi hại bởi có lợi thế địa lý.
 
Việt Nam án ngữ tuyến hàng hải từ Ấn Độ dương sang Thái Bình dương. Đây là tuyến hàng hải quan trọng có tính sống còn của nhiều quốc gia Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
 
Không những thế, về mặt quân sự, tuyến vận tải quân sự của Trung Quốc về phía Nam cũng không ngoài tình thế trên. Do đó nếu xung đột quân sự xảy ra, khi cần phải phong tỏa, có thêm lực lượng tàu ngầm tác chiến thì chiến dịch sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
 
Hải chiến hiện đại ngày nay, các lực lượng đối địch hiếm khi đối mặt nhau mà chỉ tiêu diệt nhau khi khoảng cách còn rất xa. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, vũ khí có tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn, thường được dùng để phô tương thanh thế…mới chỉ là một lợi thế.
 
Nhưng, mỗi bên, bằng cách nào đó (chiến thuật), mà đưa tên lửa vào trúng mục tiêu trước, mới quyết định sự thành bại của các trận hải chiến. Vì thế, hải chiến, không chiến, trong phòng thủ từ hướng biển của Việt Nam, vấn đề có tính quyết định trong đòn tấn công là các vị trí đợi cơ, vị trí xuất phát tấn công ở đâu mà khi đối phương phát hiện ra thì chúng cũng đã nằm trong tầm hỏa lực.
 
Do vậy, yếu tố bí mật trong hải chiến hiện đại được nâng lên một khái niệm rộng hơn, đó là, bí mật không những do thế địa lý tạo ra trực quan, mà bí mật còn do thế địa lý tạo ra bằng công nghệ (radar, thông tin liên lạc) để “che mắt, bịt tai địch”, nhằm đưa lực lượng ta vào gần nhất có thể, trong tầm hỏa lực, để công kích mục tiêu.
 
Trong khi đó, ai cũng biết, tàu ngầm KILO là lợi hại, là “lỗ đen”…nhưng nó là tàu ngầm Diesel-điện nên thời gian hoạt động ngầm là hạn chế mà cần phải nổi để nạp điện.
 
Đây là một bài toán rất khó cho không ít quốc gia sử dung tàu ngầm diesel-điện là làm sao khi nổi lên nạp điện hoặc ở vị trí đợi cơ hay ở vị trí xuất phát tấn công có lợi nhất…mà vẫn không bị lộ bí mật.
 
Với Việt Nam, bài toán trở nên quá đơn giản. Bờ biển Việt Nam dài, có những dãy núi ăn sâu ra biển, cho nên, không những chỉ có cảng Cam Ranh là căn cứ lý tưởng cho tàu ngầm trú đậu, trú ẩn và xuất phát tấn công mà các vị trí khác trên bờ biển Việt Nam cũng có thể là nơi cho tàu ngầm Việt Nam thỏa mãn những điều kiện trên: bí mật, bất ngờ.
 
Tàu ngầm quốc gia nào, kiểu loại gì cũng đều rất mạnh trong tấn công, nhưng rất yếu khâu phòng thủ tự bảo vệ mình. Do đó, khi bị lộ vị trí bởi đối phương phát hiện (bằng máy bay săn ngầm, tàu săn ngầm) là coi như bị loại, nếu như không được các lực lượng khác hỗ trợ, bảo vệ.
 
Ở vào một thế địa lý như Việt Nam, tàu ngầm Việt Nam lại chỉ tác chiến trong vùng biển Việt Nam, cho nên, đối phương dùng các phương tiện như máy bay, tàu mặt nước, để săn KILO của Việt Nam thì gặp rất nhiều khó khăn, bởi lẽ, vùng biển, vùng trời Việt Nam không phải là nơi để các loại đó của đối phương “diễn tập”.
 
Hơn nữa, ở vào một thế địa lý như Việt Nam thì với khả năng của tàu ngầm KILO, tấn công vào sào huyệt đối thủ tiềm tàng cũng không phải là quá khó…
 
Như vậy thế địa lý đã tạo ra bất ngờ, bí mật, là thế mặc nhiên vốn có, hỗ trợ tự nhiên vô cùng thuận lợi cho tác chiến ngầm của Việt Nam. Rõ ràng, lợi thế địa lý đã tạo ra lợi thế tác chiến, không những với các loại tàu khác mà còn với tàu ngầm cùng loại của đối phương. 
 
Thứ ba là chiến tranh du kích của Việt Nam thăng hoa bởi tàu ngầm.
 
Tại sao Việt Nam chỉ mua sắm 6 chiếc tàu ngầm KILO mà không là 8, 9…thì như trên đã nói, nhiều hay ít nó phụ thuộc chủ yếu là yêu cầu chiến thuật.
 
Đó là số lượng ít nhất có thể, để đáp ứng được nhiệm vụ chiến thuật đề ra, đã được cơ quan Tham mưu tính toán kỹ, mà trong đó lợi thế địa lý đã luôn luôn là kim chỉ nam cho tư tưởng quân sự “lấy ít địch nhiều” nói chung và tác chiến ngầm nói riêng của Việt Nam.
 
Điều này chỉ cho ta thấy mối liên hệ mật thiết của tư tưởng, nghệ thuật quân sự Việt Nam với địa thế Việt Nam mà thời hiện đại, dân tộc Việt đã phát triển lên một tầm cao mới là chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân trong BVTQ…
 
Thực hiện một cuộc chiến tranh du kích (CTDK) trên đất liền thì không ai bàn cãi, nhưng trên biển, địa hình trống trải…thì chiến tranh du kích hay hải chiến du kích (HCDK) của Việt Nam vẫn tồn tại và phát huy.
 
CTDK có 2 lối đánh đặc trưng đó là phục kích và tập kích. Hai lối đánh này luôn dựa vào lợi thế địa hình để tổ chức thực hiện, trong đó yếu tố bí mật, bất ngờ, quyết định thành bại của đòn đánh.
 
Phục kích theo lối truyền thống thì chủ thể là con người, con tàu, ẩn nấp chờ giặc đến (thế tĩnh chờ thế động) đúng tầm là tấn công, nhưng theo lối hiện đại thì máy bay, tên lửa và thậm chí cả pháo binh (luôn ở thế động) vẫn có thể là chủ thể của trận phục kích.
 
Tập kích là bí mật, bất ngờ, dùng lực lượng cơ động nhanh, uy lực mạnh, tấn công dồn dập vào quân địch khiến chúng tê liệt, tan rã hay thiệt hại nặng. Đây là đòn đánh sở trường của Việt Nam mà bất kỳ lực lượng nào, từ đặc công cho đến không quân, hải quân đều sử dụng.
 
Nếu như chúng ta có chút kiến thức về địa lý quân sự thì lực lượng phòng thủ biển đảo của Việt Nam sử dụng 2 lối đánh phục kích và tập kích là tối ưu. Sự kết hợp giữa tàu ngầm và không quân luôn tạo ra những quả đấm cực mạnh, cực nhanh, cực hiểm vào tuyến hành lang "bất khả kháng" của kẻ địch.
 
 Lợi dụng thế địa lý, phục kích và tập kích là lối đánh của tàu ngầm Việt Nam. (Ảnh minh họa)
 
Sự xuất hiện tàu ngầm Việt Nam giống như một mảnh ghép cuối cùng trong một bức tranh giá trị cao về thẩm mỹ và nghệ thuật-“bức tranh” thế trận phòng thủ biển có chiều sâu, có chiều rộng, có tính liên hoàn của nhiều lực lượng.
 
Một mảnh ghép cuối cùng làm thăng hoa lối đánh sở trường của Việt Nam đã vốn cực kỳ nguy hiểm cho đối thủ hùng mạnh trong các cuộc chiến tranh trước đây.
 
Tại sao bạn không cao, nhưng khiến nhiều người phải ngước nhìn? Tàu ngầm KILO của Việt Nam cũng vậy thôi, không nhiều, không hiện đại hơn ai, nhưng khi nằm trong tay một đất nước có lợi thế địa lý như Việt Nam, khi nằm trong tay một đội quân dày dạn trận mạc có truyền thống đánh giặc, sử dụng vũ khí sáng tạo, có một nền nghệ thuật quân sự độc đáo như Việt Nam, thì...đánh giá sức mạnh của nó như thế nào tùy theo sự chủ quan của đối thủ.
 
Tại sao giới truyền thông Trung Quốc lại lo sợ, hậm hực, bàn tán, trước những chiếc tàu ngầm KILO của Việt Nam mà số lượng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi họ đã có hàng chục chiếc tàu ngầm cũng dạng KILO?
 
Ở đây không đơn giản là thái độ, mà đằng sau đó, là âm mưu và đặc biệt là nhận thức sự nguy hiểm không lường, luôn tiềm ẩn của chính những chiếc tàu ngầm Việt Nam gây ra khi tác chiến. Xét về mặt quân sự, là không có gì ngạc nhiên, nó phù hợp với logic.
 
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo