Tin tức - Sự kiện

Vì sao xuất hiện "bông hồng cài áo" trong ngày lễ Vu Lan?

(DNVN) - Vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức "bông hồng cài áo", là cài bông hồng đỏ cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người.

Ngày lễ Vu Lan báo hiếu là văn hóa tâm linh có từ lâu đời trong truyền thống của Phật giáo được tổ chức vào tháng 7 âm lịch (15/7) hàng năm. Mùa lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở mỗi người con trong gia đình phải hiếu thảo với cha mẹ, đong đầy thêm tình cảm hiếu đễ, lòng biết ơn tổ tiên, cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước.

Bông hồng đỏ cài áo trong ngày lễ Vu Lan cho những ai còn mẹ, bông hồng trắng cài cho những ai không còn mẹ.

Trong dịp lễ này có một nghi thức đặc biệt, thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành, đó là nghi thức “bông hồng cài áo”.

Nghi thức cài bông hồng lên áo được xem là một nghi lễ đối với người Việt nói chung và giới Tăng Ni, Phật tử nói riêng, thường được tổ chức trong ngày lễ Vu Lan ở các ngôi chùa. Tuy nhiên, buổi lễ này không chỉ dành cho Phật tử mà tất cả mọi người không theo đạo vẫn có thể tham dự.

Nghi thức “bông hồng cài áo” xuất phát từ ý tưởng của GS. TS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc TT Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam. Ý tưởng này được lấy từ áng văn về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, viết vào năm 1960.

Trong bài viết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh kể về một tập tục đẹp mà ông gặp ở Nhật Bản: "Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. 

Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh (Tokyo), nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. 

 

Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. 

Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng."

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: "Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên... Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ...

Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ."

Như vậy ban đầu bông hoa ở đây không nhất thiết là hoa hồng. Tuy nhiên, khi tập tục này du nhập vào Việt Nam, thì hoa hồng là loại hoa được sử dụng phổ biến nhất.

 

Tại các chùa và hội đoàn Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức "bông hồng cài áo", là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo để mỗi người trân trọng, chăm sóc mẹ, cha đang còn bên mình.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo