Tin tức - Sự kiện

Mùa Vu Lan, cần làm gì để báo hiếu cha mẹ?

(DNVN) - Có cha, có mẹ là hạnh phúc trọn vẹn của một kiếp người. Vì vậy mùa Vu Lan vào tháng 7 âm lịch là dịp để các con bày tỏ tấm lòng, báo hiếu cha mẹ.

Theo quan niệm của Phật giáo, hiếu thảo được xem như đứng đầu trong các đức hạnh con người. Chính vì thế, trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam lễ Vu Lan (ngày 15/7 âm lịch) từ lâu đã thành một ngày trọng đại, không thể thiếu được trong hệ thống các hoạt động văn hoá tâm linh nói chung, văn hoá Phật giáo nói riêng.

Mùa Vu lan là mùa báo hiếu nhắc nhở người đệ tử Phật đền đáp bốn ơn, trong đó có công ơn của đấng sanh thành dưỡng dục. Hiếu thảo với cha mẹ là hiếu trọn đời chứ không phải chỉ riêng một mùa Vu Lan. 

Quan tâm, chăm sóc cha mẹ là hành động báo hiếu trong mùa Vu Lan. Ảnh minh họa.

Anh Chung ở Thanh Xuân– có mẹ năm nay đã ngoài tám mươi tuổi. Anh có cách chăm sóc mẹ của riêng anh. Theo anh “Mình cứ chăm sóc cha mẹ như cha mẹ đã chăm mình là tốt lắm rồi. Trước kia, cha mẹ không chỉ nuôi dưỡng mà còn yêu thương mình hết lòng. Nay cha mẹ già thì mình không chỉ phụng dưỡng mà còn yêu thương cha mẹ thì không có lí gì chưa tròn đạo hiếu cả”.

Chuyện con cái cư xử với cha mẹ mình như thế nào để bày tỏ lòng hiếu thảo ấy thì mỗi người mỗi cách khác nhau. Có người cho rằng cung phụng cha mẹ đầy đủ đã là hiếu. 

Có người thì khi cha mẹ mất đi, lo tang lễ cho cha mẹ thịnh soạn rình rang là hiếu. Nhưng, có một “thói quen” không thể thiếu để tỏ lòng hiếu thảo của với những người có cha, mẹ đã mất, đó là đốt vàng mã. 

Không biết từ bao giờ, nhiều người Việt có tư tưởng phải đốt nhiều tiền, vàng, quần áo, thậm chí cả xe đạp, nhà cửa cho cha mẹ dưới suối vàng. Thậm chí, họ còn khá thận trọng với các lễ nghi để yên tâm rằng cha mẹ “dưới đó” nhận được. 

Về quan niệm đốt vàng mã để báo hiếu cha mẹ, Đại đức Thích Thanh Phương khẳng định trong dịp Lễ Vu Lan, làm việc thiện chính là báo hiếu cha mẹ tổ tiên đúng với tinh thần Phật giáo chứ không phải là đốt vàng mã.

 

"Con cháu muốn báo đáp thâm ân, thay ông bà cha mẹ chuộc tội thì cần vâng lời cha mẹ, tiếp nối nghiệp nhà, thay người đã khuất làm nhiều điều thiện", Đại Đức Thích Thanh Phương chia sẻ trên báo chí.

Lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật Giáo, nhưng trong giáo lý nhà Phật không dạy con người phải đốt vàng mã để báo hiếu. Ngược lại, tục đốt vàng mã chính là hình thức mê tín dị đoan, vừa tốn tiền của, vừa gây ô nhiễm môi trường. 

Cầu nguyện cho những người đã mất là điều nên làm, nhưng người âm thực sự không cần những thứ phù phiếm như vàng mã, nhà lầu, xe hơi hay mâm cao cỗ đầy bởi vong linh họ không hưởng được... 

Theo đại đức Thích Thanh Phương, câu chuyện báo hiếu của đức Mục Kiền Liên trong Phật Giáo đã gián tiếp chỉ ra rằng, con người muốn linh hồn cha mẹ, ông bà, tổ tiên được siêu thoát thì phải phát tâm từ thiện, thay cha mẹ giải đi những nghiệp xấu mà lúc còn sống họ đã gây nên. 

Nếu không làm việc thiện, sống không có tâm thiện thì những việc khác cũng vô ích, không phải là chí hiếu. Để thể hiện tấm lòng chí hiếu của mình, người có tín ngưỡng có thể tới chùa, hoặc là bằng các hành động cụ thể, đoàn kết hoan hỉ, vui vẻ giúp đỡ mọi người, trở thành người có ích cho cộng đồng. 

 

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo