Vị vua đầu tiên đưa Toán học vào thi cử ở nước ta
Kỳ thi nho học cuối cùng của nước ta được tiến hành dưới thời vua Khải Định năm 1919. Tính từ kỳ thi đầu tiên (1075) đến kỳ thi cuối cùng, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức tổng cộng 184 kỳ thi, lấy 2.785 người đỗ đại khoa (tiến sĩ trở lên).
Lý Nhân Tông khởi xướng nền giáo dục nước nhà
Nhà Lý là triều đại phong kiến đầu tiên ở Việt Nam xác lập hệ thống giáo dục khoa cử có hệ thống. Năm 1070, nhà Lý cho xây dựng nhà Văn Miếu ở Thăng Long, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối 72 người hiền của đạo Nho. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông lập ra Quốc Tử Giám, để đào tạo con em quý tộc.
Cùng việc mở Quốc Tử Giám, nhà Lý quan tâm tới việc tổ chức thi cử để lựa chọn nhân tài mà các triều đại trước đó chưa thực hiện. Khoa thi đầu tiên được nhà Lý tổ chức vào tháng 2 năm 1075, niên hiệu Thái Ninh thời vua Lý Nhân Tông, gọi là thi Minh kinh bác học.
Lê Văn Thịnh, người làng Báo Tháp xã Đông Cứu (nay thuộc huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh), đỗ đầu cùng hơn 10 người trúng tuyển. Ông trở thành thủ khoa đầu tiên trong lịch sử.
Với việc mở ra kỳ thi Minh kinh bác học, vua Lý Nhân Tông đã đi vào lịch sử dân tộc với tư cách là vị vua đầu tiên xác lập nên nền giáo dục và khoa cử nước nhà.Hồ Quý Ly đưa Toán học vào thi cử
Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhà Hồ (1400-1407) đã có nhiều cải cách trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có giáo dục. Ngay từ khi chưa làm vua, Hồ Quý Ly đã rất quan tâm đến giáo dục và thi cử thời kỳ này.
Năm 1396, ông cho sửa lại chế độ thi cử đặt kỳ thi hương ở địa phương và thi hội ở kinh thành. Những người đã thi hội thì phải làm thêm một bài văn do vua đề ra để định vị thứ bậc. Ông cũng cho bỏ trường thi ám tả cổ văn thay bằng thi kinh nghĩa trong 4 trường thi, đặt thêm trường thứ năm thi viết chữ và Toán.
Như vậy, với những cải cách này, Hồ Quý Ly chính là người đầu tiên đưa Toán học vào nội dung thi cử thời phong kiến. Đây rõ ràng là quyết định rất tiến bộ so với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
Ngay sau khi mới lên ngôi, Hồ Quý Ly đã mở khoa thi để tuyển chọn người tài năm 1400, chọn được 20 người, trong đó Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh, xếp hạng thứ tư.
Hồ Quý Ly cũng là vị vua góp công lớn hoàn thiện thi cử thời phong kiến. Theo Ngô Thì Sĩ, “phép khoa cử đến đây mới đủ văn tự bốn trường, đến nay còn theo, không thay đổi được”.
Nguyễn Huệ lấy chữ Nôm thay chữ Hán
Quang Trung - Nguyễn Huệ, với tầm nhìn xa, trông rộng của một thiên tài, đã có nhiều cải cách, nhằm giúp đất nước hùng cường. Cải cách đầu tiên của vua Quang Trung về mặt giáo dục là khôi phục vai trò của chữ Nôm, vốn đã bị mai một từ sau khi nhà Hồ sụp đổ.
Vua cho lập Sùng Chính viện, mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm viện trưởng, chuyên dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm làm tài liệu học tập và giúp vua về mặt văn hóa. Mục đích của Quang Trung là nhằm đưa chữ Nôm lên thành quốc ngữ chính thức thay cho chữ Hán.
Chữ Nôm được đưa vào khoa cử, các kỳ thi quan trường phải ra đề thi bằng chữ Nôm, người thi đến kỳ tam trường phải làm thơ, phú bằng văn Nôm. Chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của quốc gia dưới triều Quang Trung, một thành quả quan trọng trong lịch sử đấu tranh và bảo tồn nền văn hoá dân tộc, chống chính sách đồng hóa của các triều đại phương Bắc đô hộ nước ta.
Nhờ sự khuyến khích của vua Quang Trung, văn chương sáng tác bằng chữ Nôm thời này phát triển rất mạnh. Nhiều tác phẩm có giá trị ra đời như Hoa Tiên truyện, Mai Đình mộng ký, Chinh phụ ngâm, các tác phẩm của Hồ Xuân Hương…
Những cải cách về giáo dục của Quang Trung đã chứng minh cho ước nguyện xây dựng một nền giáo dục mang đậm bản sắc dân tộc, nâng cao ý thức độc lập, tự cường cho nhân dân, nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng sau chiến tranh kéo dài để vươn lên sánh vai cùng các quốc gia phát triển đương thời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo