Việc cần làm ngay khi bị ong đốt
Nọc độc của ong có thể gây chết người
Theo các bác sĩ chuyên khoa chống độc, khi bị ong đốt, nếu không được cấp cứu kịp thời, một số trường hợp nạn nhân có thể chết ngay trong 30 phút đầu tiên. Nguy cơ tử vong không tùy thuộc vào lượng nọc ong mà tùy thuộc vào cơ địa, sự phản ứng của cơ thể mỗi người. Điều này có nghĩa là chỉ một con ong cũng có thể làm chết người.
Sau khi bị ong đốt, người bệnh có thể có các biểu hiện: Đầu tiên, bệnh nhân nổi mề đay, ngứa, sau đó là sốc phản vệ, khó thở, phù nề thanh quản, đớ lưỡi; Tiếp theo, có thể suy hô hấp, phù nề các phế nang, nôn, tụt huyết áp, tiêu chảy. Do không đi tiểu được nên cơ thể bị ứ nước, urê không thải ra ngoài và thận không làm việc dẫn đến suy thận cấp.
Có nhiều loại ong, các loại ong thường gây nhiễm độc là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi.
Nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong. Tuyến bên trái chứa chất kiềm lỏng, tuyến bên phải chứa chất toan lỏng (axit). Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng và acetylcholin. Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều. Có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây chết người chỉ với mươi vết chích như ong vò vẽ, ong đất, do đó, tuyệt đối không được xem thường khi bị ong đốt vì người bị đốt khó phân biệt là mình bị loại ong nào đốt.
Trong các loại nọc ong, nọc ong vò vẽ thuộc loại nguy hiểm nhất. Sau khi đốt xong, chúng không để lại vòi như ong mật nên không chết ngay mà có thể đốt thêm nhiều người nữa.
Nhiều trường hợp đi nương hoặc ở nhà đột nhiên do vô tình bị ong đốt, trong trường hợp này, chớ chủ quan xem thường. Không hiếm trường hợp do bị ong đốt không xử lý kịp thời và đúng cách dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng, nhất là với trẻ em và người có tuổi do sức đề kháng, chịu đựng kém, người có mẫn cảm với phấn hoa.
Cần phải làm gì?
Khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng tấn công.
Trước khi đến cơ sở y tế để xử lý, người bị ong đốt tự làm hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác, nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng một trong những cách có thể như sau: Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra; Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát khuẩn như povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần; Uống nhiều nước để loại thải các độc tố; Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
Sau khi xử trí như trên, người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu nặng để được cấp cứu kịp thời.
Phòng tránh ong đốt như thế nào?
Tuyệt đối tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Không chọc phá tổ ong; thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà vì ong thường làm tổ ở nơi lộ thiên, trên những cành cây hay bụi cây hoặc quanh nhà. Khi có ong xuất hiện, cần đứng yên, không chạy; Khi đi vào rừng, đi dã ngoại, không nên mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm... có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong; Không nên đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Nên đội mũ, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín khi cần có việc ra ngoài đồng, vườn hoặc rừng để tránh côn trùng đốt, nhất là ong.
Mai Anh ( theo suckhoedoisong )
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé