Cần phải để cho hiệp hội, tổ chức xã hội quản các loại quỹ như quỹ xúc tiến thương mại, quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp…
“Chúng ta càng kêu gọi tinh giản biên chế thì bộ máy hành chính của Nhà nước ngày càng phình to. Bộ máy như vậy thì phải có việc để làm. Việc mà các viên chức nhà nước thích làm nhất là liên quan đến tiền. Nhiều loại quỹ như quỹ xúc tiến thương mại, quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp… cơ quan nhà nước rất thích quản lý. Trong khi cần phải để cho hiệp hội, tổ chức xã hội quản các loại quỹ này thì cơ quan nhà nước lại ôm vào quản lý”. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nêu lên thực tế tại hội thảo “Giới thiệu thực tiễn tốt và bộ công cụ tự đánh giá năng lực của các hiệp hội doanh nghiệp (HHDN)” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 6-3.
“Làm sao để cơ quan nhà nước trở về đúng vai trò của mình, trả công việc của hiệp hội cho hiệp hội?” - bà Phạm Chi Lan nêu.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, các bộ không thể vừa làm chính sách, vừa thực hiện chính sách, lại vừa điều tiết thị trường như hiện nay. Như vậy là rất ôm đồm và sẽ dẫn đến mâu thuẫn về mặt lợi ích. “Muốn bớt được chức năng, bớt được nhiệm vụ trong nhiều cơ quan nhà nước, việc đầu tiên cần làm là phải bớt chi ngân sách. Không có tiền thì sẽ bớt được nhiều việc không cần thiết. Cạnh đó, phải giảm chi để buộc phải giảm bộ máy” - ông Cung đề xuất.
Nội dung được bàn đến nhiều tại hội thảo là làm sao để các HHDN là một tổ chức xã hội độc lập, có tiếng nói độc lập, không bị “chi phối” bởi cơ quan nhà nước, chính quyền.
VCCI nêu vấn đề việc HHDN nhận hỗ trợ ngân sách từ chính quyền địa phương là tốt hay không tốt đang là điều gây nhiều tranh luận hiện nay. Thực tế nhiều HHDN gặp khó về kinh phí để hoạt động, có hiệp hội phải cho thuê trụ sở làm quán cơm để lấy tiền hoạt động.
Một số ý kiến phản đối nhận hỗ trợ từ ngân sách cho rằng HHDN có nguy cơ bị phụ thuộc vào chính quyền địa phương nếu nhận các khoản hỗ trợ này. Vai trò đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp khi đó cũng sẽ khó bảo đảm bởi hiệp hội dễ đánh mất tính khách quan của mình khi phản biện chính sách với chính quyền đã trợ cấp cho họ.
Trái lại, số ý kiến ủng hộ lại cho rằng nguồn thu nhận được từ ngân sách địa phương là một khoản mang tính bền vững, giúp hiệp hội có sự chủ động trong quản trị nguồn thu hằng năm. HHDN vẫn độc lập được trong việc phản biện chính sách, nhiều lãnh đạo các địa phương chú trọng khuyến khích ý kiến phản biện từ khu vực DN.
Theo VCCI, để có thể phát triển nguồn thu tốt, các HHDN cần hài hòa giữa các nguồn thu từ hội phí, từ dịch vụ tính phí và xin tài trợ.
Hạn chế của các hiệp hội doanh nghiệp
VCCI chỉ rõ vẫn còn rất nhiều HHDN chưa từng tổ chức phản biện và góp ý chính sách. 56% DN được phỏng vấn chưa từng làm việc này. Nhiều HHDN đã tổ chức phản biện và góp ý chính sách nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.
Theo Pháp luật TPHCM