Tin tức - Sự kiện

Viêm cầu thận: Bệnh nguy hiểm

Bệnh viêm cầu thận (VCT) nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành suy thận. Bệnh VCT rất khó phát hiện, đa phần bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thận đã bị suy.

 (phunu)ThS-BS Nguyễn Hoàng Đức, Khoa Niệu, Bệnh viện FV (TP.HCM) cho biết: nguyên nhân gây bệnh VCT chủ yếu do tự miễn.

 

Bệnh viêm cầu thận là bệnh khó phát hiện

 

Hệ thống miễn dịch trong cơ thể bình thường vẫn luôn chống lại sự xâm nhập của các kháng nguyên lạ. Không hiểu vì lý do gì, hệ thống miễn dịch này lại coi các tế bào cầu thận là kháng thể lạ và… “ra sức” tấn công. Bệnh thường gặp ở hai nhóm là trẻ em và những người ngoài 40 tuổi.

Trẻ có thể mắc VCT cấp sau khi bị viêm họng. Khi đó trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sốt, người sưng phù, đi tiểu ít, cao huyết áp, xét nghiệm nước tiểu có đạm. Với trẻ em, nếu phát hiện sớm, tỷ lệ khỏi bệnh lên tới 95%. Tuy nhiên, cũng có số ít bệnh nhi tiến triển nặng, chuyển sang thấp khớp, thấp tim.

Riêng ở người lớn, bệnh VCT rất phức tạp, khi phát hiện thường đã bị suy thận giai đoạn cuối. Bởi thế, bệnh nhân phải tuân thủ chế độ điều trị rất nghiêm ngặt. Nhiều trường hợp phải chạy thận, ghép thận. “Những bệnh nhân này thường bị VCT từ nhỏ nhưng không được phát hiện. Bệnh âm thầm phát triển cho tới lớn và chuyển thành mạn tính. Hầu hết các bệnh nhân chỉ biết mình mắc bệnh một cách tình cờ sau khi khám sức khỏe định kỳ”, BS Đức nói.
 
 
Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh

Điều trị bệnh VCT chủ yếu bằng thuốc ức chế miễn dịch. Các bệnh nhân VCT gần như phải dùng thuốc suốt đời. Việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch lâu dài sẽ phát sinh nhiều tác dụng không mong muốn như viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, da mọc mụn, teo da, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp…

Đặc biệt, có những loại sang thương ở cầu thận dù điều trị tích cực cũng chỉ để kéo dài thời gian, cuối cùng bệnh nhân vẫn bị suy thận. Khi suy thận, người bệnh bắt buộc phải chọn các giải pháp như lọc, ghép thận.

Bệnh VCT do tự miễn mà ra nên không thể phòng ngừa mà chỉ có thể tầm soát để chủ động phát hiện sớm. Những người bị VCT, chế độ ăn cần hạn chế muối và chất đạm.

BS Đức lưu ý, với trẻ em có thể căn cứ vào các triệu chứng kể trên để phát hiện bệnh VCT, còn người lớn thì nên khám sức khỏe định kỳ. Trong chương trình khám sức khỏe thường quy bao giờ cũng có mục xét nghiệm nước tiểu. Nước tiểu có máu thì có thể là dấu hiệu của ung thư thận - tiết niệu, còn nước tiểu có đạm là biểu hiện của bệnh VCT (thận bị tấn công hư màng lọc nên không giữ được chất đạm, làm thoát đạm vào nước tiểu).

Khi phát hiện đạm trong nước tiểu, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm sinh thiết thận để xác định mức độ cũng như loại tổn thương ở cầu thận. Nhờ vậy, bác sĩ biết được diễn tiến và tiên lượng bệnh tốt hơn. VCT có rất nhiều thể tổn thương như: mỏng màng đáy cầu thận, cầu thận tiến triển chậm, VCT ổ và VCT màng.

Hiện tại, Việt Nam đang có 6.000 người chờ ghép thận. Tuy nhiên, trong 21 năm qua chúng ta mới chỉ ghép được thận cho 800 người (chưa kể các trường hợp đang lọc thận). Được biết, nguyên nhân gây suy thận chủ yếu do bệnh VCT và tiểu đường.

 
 Trâm Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo