Tin tức - Sự kiện

Viện Khoa học Lao động: 'Thất nghiệp từ xưa đến nay chỉ có giảm'

"Người nước khác mất việc là không có việc gì làm, Việt Nam thì ngược lại. Mất việc họ có thể đi chạy xe ôm, gánh rau lên chợ, như thế không tính thất nghiệp mà là thiếu việc làm, thu nhập thấp", Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội khẳng định.

 Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp cả nước quý II/2014 là 1,84%, thấp nhất trong vòng một năm qua. Nhiều người cho rằng đây là con số không thực tế. VnExpress đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội về nội dung này.

- Tỷ lệ thất nghiệp được tính toán dựa trên những cơ sở nào, thưa bà?
 
- Người có việc làm là những người trong tuần nghiên cứu đã làm việc ít nhất một giờ như những người làm công ăn lương hay đang sản xuất/kinh doanh hoặc lao động trên ruộng vườn/trang trại của chính họ. Người thiếu việc là người làm việc dưới 35 giờ một tuần, mong muốn và sẵn sàng làm việc. Còn thất nghiệp là những người trong tuần nghiên cứu không làm việc, nhưng đã đi tìm việc và sẵn sàng làm việc.
 
Định nghĩa về thất nghiệp từ xưa đến nay giữ nguyên không thay đổi qua các năm, các cuộc điều tra. Điều tra này do Tổng cục Thống kê thực hiện. Cách điều tra này không phải chỉ riêng Việt Nam mà theo tiêu chuẩn chung của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
 
Trong mấy năm khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp của mình xuống còn hơn bây giờ. Từ xưa đến nay tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam chỉ có giảm, không tăng mấy, tăng chẳng qua có nhiễu động, nhưng về cơ bản vẫn thế - xuống dần.
 
 Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội.
 
- Căn cứ vào đâu Viện đưa ra con số tỷ lệ thất nghiệp 1,84%? 
 
- Đây là con số trong cuộc điều tra về lao động việc làm hàng quý của Tổng cục Thống kê, không phải số trên trời. Cuộc điều tra này rất uy tín, không một nguồn số liệu nào tốt hơn. Có thể nó chưa tốt như mình mong muốn, nhưng không có cuộc điều tra nào lấy mẫu rộng và bài bản như thế.
 
Tổng mẫu là khoảng 50.000 hộ gia đình trong một quý. Phương pháp điều tra chọn mẫu, suy rộng là phương pháp rất chuẩn của thế giới về điều tra lao động, việc làm. Cuộc điều tra này do quốc tế hỗ trợ, mình giữ nguyên các định nghĩa, phương pháp đo lường, không thể bịa được. Tôi không phủ nhận hệ thống thông tin số liệu cần tiếp tục hoàn thiện, nhưng không bao giờ có cái tốt nhất mà chỉ có con số tốt nhì.
 
- Tỷ lệ thất nghiệp thấp khiến nhiều người nghi ngờ chưa phản ánh đúng thực tế thị trường lao động Việt Nam, bởi không khó để thấy một số lượng người la cà trên đường phố, điều này được lý giải ra sao?
 
- Nền kinh tế nước ta có đặc điểm khu vực phi chính thức, nông nghiệp nhiều nên con số thất nghiệp chỉ thể hiện số mất việc tạm thời, sự chuyển lao động từ khu vực này sang khu vực khác, có thời gian ngắt đoạn. Việt Nam mình không giống như các nước khác, mất việc là không có việc gì làm. Ở Việt Nam không ai thất nghiệp tuyệt đối, mất việc có thể chuyển việc khác. Thị trường nước ta là kinh tế đường phố, vỉa hè. Một người không có việc có thể lấy xe máy đi chạy xe ôm, làm gánh rau lên chợ hoặc ra chợ người ngồi đấy, ngày hôm đấy người ta kiếm được một suất thì người ta không thất nghiệp.
 
Có thể nói một người đi làm như thế là thiếu việc làm, thu nhập thấp, nhưng không phải thất nghiệp. Người ta làm 5-7 giờ một tuần vẫn tính là có việc làm và có thời gian làm việc rất ít, thu nhập rất nhỏ, làm việc trong điều kiện bấp bênh, không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
 
Tại sao phải định nghĩa lại thất nghiệp, ở đây cái mình cần quan tâm là tỷ lệ người thiếu việc làm, có tiền lương thấp. Ai cũng tìm được việc làm nhưng vấn đề là làm với mức thu nhập thấp, làm với thời gian thấp là  chỉ tiêu quan trọng của kinh tế thị trường. Còn tỷ lệ thất nghiệp không quan trọng, để tỷ lệ thất nghiệp cao để làm gì?
 
- Tỷ lệ thất nghiệp không quan trọng, vậy vì sao phải điều tra, báo cáo?
 
- Cuộc điều tra này do ILO hỗ trợ lâu năm, phân tích số liệu điều tra cũng do ILO hỗ trợ, người ta dùng số này để so sánh các nước với nhau. Những nước như nước mình chỉ cần tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên như thế, bản chất nền kinh tế mình không có thất nghiệp tuyệt đối, còn thất nghiệp tương đối định nghĩa thế nào cũng được.
 
Nam Phi tỷ lệ thất nghiệp cao lên đến 70% vì khi mất việc làm họ không thể làm bất cứ việc gì khác, không thể buôn thúng bán mẹt, mất việc là mất luôn. 
 
Chỉ số thất nghiệp không phải là chỉ số mạnh trong quản lý về lao động việc làm với các nước trong nền kinh tế đang phát triển như nước ta.
 
- Vì sao con số thất nghiệp của nước ta lại giảm, thưa bà?
 
- Số thất nghiệp là kết quả của sự tương quan giữa cung và cầu lao động. Thứ nhất, GDP phục hồi trở lại, đặc biệt trong các ngành được coi là ngành thu hút lao động như: xây dựng, dịch vụ, chế biến… Cung hiện nay của nước ta giảm rất mạnh. So với quý II của năm trước, trong vòng một năm tổng lực lượng lao động chỉ tăng 273.000 người. Con số tăng này rất thấp, chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên. Kinh tế phục hồi, lao động ít nên sức ép việc làm ít.
 
Thứ hai là do cầu lao động hồi sinh, đặc biệt trong những ngành xây dựng hút nhiều lao động. Một năm qua, ngành này tăng 436.000 việc làm - giải quyết cho số lao động tăng lên và một số việc làm cho người đang thất nghiệp.
 
Thứ ba so với lao động được giải quyết thông qua chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì có thể thấy, hơn 460.000 lượt lao động được tư vấn, cung ứng việc làm.
 
Cũng cần phải nói là con số thất nghiệp thấp như vậy không cung cấp một bức tranh lạc quan về thị trường lao động hiện nay. Một thị trường mà tỷ lệ thất nghiệp thấp, tiền lương thấp, chuyển dịch ngành nghề chậm thì đấy là một thị trường trì trệ, trình độ thấp. 
 
 

 Tỷ lệ thất nghiệp cả nước những nằm gần đây:

Năm 2013: 2,2%
Năm 2012: 1,96%
Năm 2011: 2,2%
Năm 2010: 2,8%
(Số liệu của Tổng cục Thống kê)

 

Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo