Việt Nam biệt đãi FDI để có...tăng trưởng âm?
PV:- Mới đây, Bộ Tài chính đã đồng tình với đề xuất ưu đãi thuế cho dự án nhà máy lọc dầu Nhơn Hội (Bình Định) của tập đoàn PTT (Thái Lan). Dù khẳng định việc này đúng luật nhưng Bộ Tài chính cũng cho biết, "cứ ưu đãi còn người Việt Nam sẽ được hưởng gì từ nhà máy này còn chưa rõ". Điều này đã từng xảy ra ở dự án Formosa, các dự án FDI Trung Quốc (mang cả lao động phổ thông sang Việt Nam)...
Thưa ông, vậy sự ưu đãi nói trên nhằm vào mục tiêu gì và mang lợi ích cho ai?
Ông Bùi Trinh: Thông thường nước sở tại trông chờ vào FDI ở mấy yếu tố (1) Sự chuyển giao công nghệ tiên tiến (2) Thu hút lao động trong nước (3) Sự lan tỏa của loại hình doanh nghiệp FDI đến các ngành kinh tế trong nước (4) luồng tiền từ vốn và thuế. Đối với VN, đến thời điểm này tất cả các kỳ vọng trên đều nhạt nhòa, thậm chí là không có gì.
- Về chuyển giao công nghệ, tính toán của một số học giả cho thấy, năng suất- nhân tố tổng hợp của khu vực này trong những năm gần đây- thậm chí là âm. Điều này do 2 yếu tố chính là do công nghệ và do chuyển giá khiến lợi nhuận của khu vực này về danh nghĩa giảm để tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, sản xuất của khu vực này chủ yếu là làm gia công và phần thu được từ xuất khẩu của khu vực này chỉ là phần gia công, hàm lượng giá trị gia tăng cực kỳ thấp trong giá trị xuất khẩu.
Ưu đãi thật nhiều cho FDI nhưng nền kinh tế nhận về là tăng trưởng âm |
Về bản chất, xuất khẩu của khu vực này là xuất khẩu của nước chủ sở hữu mượn thị trường VN do có sự ưu đãi đặc biệt sang những nước thứ 3 khác. Nếu hàng hóa do khu vực FDI sản xuất bán tại VN thì thực chất là họ xuất khẩu sang Việt Nam và lợi nhuận cao hơn khi họ sản xuất trong nước họ rồi xuất sang VN, do họ nhận được quá nhiều ưu đãi và nhân công rẻ.
Điều này phần nào được thể hiện qua đóng góp của khu vực FDI trong GDP. Tuy giá trị xuất khẩu rất lớn nhưng giá trị gia tăng của khu vực này trong GDP chỉ khoảng 18% (theo số liệu của TCTK).
Từ nhiều năm nay tỷ trọng đóng góp của DNNN trong tổng thu nội địa từ sản xuất kinh doanh trên 30%, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp dân doanh tương ứng chỉ khoảng từ 15-19%; đáng chú ý là tỷ trọng của khu vực doanh nghiệp dân doanh có xu hướng ngày càng tăng cao hơn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Hình 1).
Nếu xét tỷ trọng thu ngân sách của các khu vực sở hữu so với tổng thu từ 3 khu vực sở hữu (Nhà nước, FDI và ngoài Nhà nước) cũng cho thấy đóng góp vào ngân sách của khu vực DNNN chiếm tỷ trọng rất cao (khoảng 45%-Hình 2)
Hình 1. Tỷ trọng thu ngân sách của các thành phần sở hữu so với thu nội địa
Hình 2. Tỷ trọng thu ngân sách của các khu vực sở hữu so với tổng thu từ 3 khu vực sở hữu (Nhà nước, FDI và ngoài Nhà nước)
Ngoài ra thông qua chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP-Total factor productivity) cho thấy khu vực DNNN là khu vực có chuyển giao công nghệ nhiều nhất trong 3 khu vực sở hữu, giai đoạn 2000-2006 đóng góp của TFP vào tăng trưởng chung của cả nước 22,6% thì trong đó đóng góp của khu vực DNNN cao hơn mức bình quân chung (23,7%), trong khi khu vực ngoài Nhà nước khoảng 18% và khu vực FDI đóng góp vào tăng trưởng thậm chí âm.
Giai đoạn 2007-2012 đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng cả nền kinh tế tuy giảm sút nhanh chóng xuống còn 6,4%, nhưng TFP của khu vực Nhà nước đóng góp vào tăng trưởng của khối này vẫn cao nhất (17,4%).
Như vậy có thể thấy về thực chất cho đến nay chỉ có khu vực này có sự thay đổi về quy trình công nghệ thực sự, khu vực ngoài Nhà nước làm ăn manh mún chậm thay đổi và khu vực FDI về bản chất không đưa công nghệ mới hoặc chỉ đưa công nghệ cũ vào sản xuất, cơ bản khối này lợi dụng các ưu đãi của Việt Nam về chính sách thuế, đất đai và lợi dụng nhân công giá rẻ và gian lận về thuế (khai lợi nhuận nhỏ đi do chuyển giá...làm tăng chi phí đầu vào)
Cho đến nay khối doanh nghiệp FDI hầu như cũng không có lan tỏa gì đến các khu vực kinh tế khác trong nước.
PV:- Trên thực tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước của các dự án FDI hạn chế do những ưu đãi về thuế, việc chuyển giao công nghệ gần như không được thực hiện (do những hạn chế về trình độ của lao động VN và thiếu ràng buộc pháp lý) hay nói cách khác, Việt Nam chỉ tham gia gia công sản phẩm. Theo ông, cách nhìn nhận và ứng xử với đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay đang như thế nào mà lại xảy ra tình trạng chỉ cho mà chưa đòi nhận như trên?
Ông Bùi Trinh: - Cho mà không nhận gì thì cần làm rõ, cho thì ai cho, và nhận thì là ai nhận? Về đất nước rõ ràng là được rất ít ngoài công gia công, một chút thuế nhưng khu vực này đóng góp vào lượng tiền chi trả sở hữu thuần năm 2012 so với 2000 tăng gần 23 lần.
PV:- Không thể phủ nhận, dòng vốn đầu tư trực tiếp rất quan trọng đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Ông có thể dẫn ra vài ví dụ về việc ứng xử với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của các nước có điều kiện tương tự như Viêt Nam? Họ đã giải bài toán trao đổi lợi ích như thế nào để người dân của họ được nhiều nhất từ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài?
Ông Bùi Trinh: - Tôi dẫn lời chuyên gia kinh tế đã nói rằng: “Một trong những cái để so sánh về hiệu quả là Trung Quốc càng ngày càng nắm được công nghệ của thế giới. Trung Quốc để Nhật đầu tư vào công nghệ tàu hỏa cao tốc, sau đó họ học được công nghệ, nay họ không những tự làm được mà không cần tới Nhật mà còn xuất khẩu tàu này sang các nước khác kể cả tại Calirfornia, Hoa Kỳ”.
PV:- Với việc thu hút FDI các nhà quản lý kỳ vọng làm tăng GDP. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng minh chúng ta đang có sự ngộ nhận về GDP và thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam. Nguyên nhân của thực trạng cho mà chưa cần nhận này là do chính sách hay do con người, thưa ông? Tới thời điểm này, thay đổi có còn kịp không? Nếu được, chúng ta cần phải thay đổi như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Trinh: - Chính sách cũng là con người, đến nay tôi thấy không có dấu hiệu gì thay đổi mà có chiều hướng tệ hơn sau khi xẩy ra các vụ lộn xộn ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh.
PV:- Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo